1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Người đưa thương hiệu chè Tân Cương sang Mỹ

Vốn là người phụ nữ năng động, có kiến thức, sau nhiều năm nghiên cứu, cuối cùng Giám đốc Công ty chè Hoàng Bình (Thái Nguyên) Đỗ Thị Đắc Lý cũng tìm ra được một lối đi riêng cho đặc sản chè quê mình. Thương hiệu chè Tân Cương đã được đông đảo người tiêu dùng Mỹ biết đến.

“Tôi rất thích thương trường, vì thế tôi cứ loay hoay tìm cho ra nghề buôn bán nào thật bền vững”, chị Lý cho biết. Dịp may bỗng lóe ra trong một lần, tại lớp học của doanh nghiệp do một vị giáo sư người Mỹ hướng dẫn, chị nhớ mãi câu nói: “Ở nước Mỹ chúng tôi, các doanh nghiệp nông nghiệp thường trở thành người giàu có và được cả xã hội kính trọng”.

 

Chị Lý bất giác nghĩ đến một vài sản phẩm đặc trưng của nước ngoài. Người Pháp nào cũng tự hào về rượu vang Bordeaux sản xuất bằng thứ nho tuyệt hảo vùng Avignon độc nhất vô nhị trên thế giới. Người Đan Mạch, người Czech hễ nói đến bia là có quyền vỗ ngực về sản phẩm bia Heineken và Pilsner thơm phức. Pho mát Bỉ thì không thể chê vào đâu được. Thế thì người Việt mình cũng phải làm sao cho chè Tân Cương Thái Nguyên đến được nhiều nơi trên trái đất.

 

Vùng chè Tân Cương nằm ở lưu vực sông Công, dưới chân Tam Đảo, tỉnh Thái Nguyên, được trời ban cho chất đất và ánh sáng quý giá. Thế nhưng 29 nhà máy sản xuất và kinh doanh chè trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên vẫn chủ yếu sản xuất chè thô, đóng container bán cho nước khác, rồi họ đóng nhãn mác của họ để xuất khẩu, thu lãi gấp hàng chục lần.

 

“Việc gì mà đã suy nghĩ kỹ, tìm hiểu cặn kẽ, tính toán đúng thiệt hơn, là tôi bắt tay làm”, chị cho biết. Từ những suy nghĩ táo bạo này, chị Lý quyết định xin đất xây nhà máy, mời một phó giám đốc nhà máy chè đã về hưu về làm phó giám đốc nhà máy chè Hoàng Bình. Tâm lý chung của các doanh nghiệp chè là tìm mọi cách mua nguyên liệu với giá rẻ, để doanh nghiệp vừa có điều kiện hạ giá thành sản phẩm, vừa có lãi nhiều. Tuy nhiên, giám đốc Đỗ Thị Đắc Lý lại có cách làm khác hẳn. Trong khi hầu hết các nhà máy, công ty chè chỉ mua chè búp với giá 2.500 đồng/kg, thì chị Lý lại công bố mua theo giá 10.000 đồng/kg. Mức giá này làm sửng sốt tất cả mọi người. Nhưng, thay vì trả lời, giải thích dài dòng, chị Lý chỉ nói gọn lỏn: “Phải có nguyên liệu tốt mới có sản phẩm tốt. Đương nhiên muốn có nguyên liệu tốt bán giá cao gấp 4 lần như thế, người nông dân làm chè phải biết cách trồng, chăm sóc chè một cách khoa học, phải tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp kỹ thuật".

 

“Tôi thường xuyên cử cán bộ kỹ thuật về hướng dẫn bà con vùng chè, nhất là về cách chăm bón. Quan trọng nhất là làm thế nào để khi kiểm nghiệm kỹ thuật, chè không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Cách làm này đã thay đổi căn bản thói quen canh tác lâu đời của nông dân vùng chè”, chị cho biết thêm.

 

Xóm Hồng Thái (xã Tân Cương) là nơi có nhiều đồi chè ngon nhất tỉnh Thái Nguyên, trở thành nguồn cung cấp chủ lực nguyên liệu cho chị Lý. Được Công ty Hoàng Bình bao tiêu toàn bộ sản phẩm, các hộ đã chăm sóc rất cẩn thận đồi chè.

 

Thu mua chè búp 160.000 đồng/kg để chế biến ra những loại chè hộp cao cấp, có loại trên 1 triệu đồng/kg, đáp ứng nhu cầu sang trọng của xã hội. Chị Lý kể: “Có người không hiểu, thấy loại chè đặc biệt này giá cao, đã nói ngang nói dọc. Nhưng ít nhất cũng phải có 3 kg chè nguyên liệu đó mới làm ra được 1 kg chè cấp cao. Ngoài ra còn qua bao nhiêu công đoạn chế biến, bao bì cũng đặc biệt, thuế má, vận chuyển, tiếp thị. Đâu phải đơn giản mua 1 kg giá 160.000 đồng để bán ra 1 triệu đồng như người ta nghĩ”.

 

Vấn đề khiến chị Lý băn khoăn nhất vẫn là khâu quảng cáo. Có nhiều loại chè chất lượng không phải là ưu việt, nhưng do quảng cáo tốt, nên chiếm được thị trường đáng kể. Sản phẩm của người Việt Nam có nhiều loại không thua kém, nhưng do không đủ tài chính cho quảng cáo, nên đành “áo gấm đi đêm”. Chỉ một số ít doanh nghiệp như Trung Nguyên mới đủ sức quảng cáo ngang tầm Lipton, Dilmah. Chè cao cấp Tân Cương - Hoàng Bình tuy đã cố gắng quảng bá thương hiệu, vẫn không được liên tục, chưa tạo ấn tượng sâu đậm.

 

Doanh nghiệp chè của chị Lý đã làm ra hơn 30 loại sản phẩm, tất cả đều có mã vạch, quản lý theo tiêu chuẩn ISO 9001-9002. Có đủ loại chè. Chè cúng đủ màu vàng, xanh, đỏ phục vụ các bà, các cô đi đền, chùa, đủ loại giá. Chè bình dân vẫn có bao bì đẹp, đậm nước, bán chạy ở chợ quê, chợ xóm lao động. Chè đựng trong túi thổ cẩm và hộp gỗ sơn mài trang trọng là thứ chè đặc biệt cao cấp, giá từ 300.000 đồng đến 1 triệu đồng/kg. Lại có thứ chè túi lọc hương nhài, hương sen, hương cốm tự nhiên, tuyệt đối không dùng hương liệu tinh dầu, chỉ có duy nhất ở đây.

 

Loại chè này nước xanh, hương thơm, uống sau nhiều giờ vẫn đọng lại ở cổ vị ngọt và thơm quyến rũ. Nghiên cứu, thói quen và sở thích của người châu Âu, chị Lý đã sản xuất hàng loạt chè xanh hương nhài, ướp bằng hoa nhài thật, được châu Âu rất thích. Loại chè này đáp ứng yêu cầu nhiều mặt của người châu Âu, vừa giúp họ giảm béo, uống sau bữa tiệc trở nên nhẹ nhõm, uống lúc đói vẫn không cồn ruột, vừa bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, lại không đóng cặn, không có bã, rất thích hợp với xã hội công nghiệp.

 

Chính loại chè này đã có tiếng vang xa, mới đây lô hàng đầu tiên của chị đã xuất khẩu sang California (Mỹ) theo đơn đặt hàng của Công ty Asun Trading Corp. Ngoài ra, ngay sau khi đi vào sản xuất, nhà máy đã xuất khẩu 2.000 tấn chè cao cấp (tương đương 10.000 tấn búp tươi).

 

“Chúng tôi chủ trương phát triển song song chè xuất khẩu cùng với chè nội tiêu, đang tăng dần chè đóng gói xuất khẩu. Chè có xuất xứ Tân Cương mang thương hiệu Hoàng Bình, đã được khách hàng trong và ngoài nước biết đến và tín nhiệm, thông qua các nhãn hiệu Long Đình, Queenli, Tri âm”, chị nói.

 

Theo TBKTVN