1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Nghịch lý lương

Lương của 1 vị tiến sỹ, trưởng phòng nghiên cứu khoa học có thâm niên trên 20 năm cũng chỉ bằng lương của một "osin" trong gia đình trung lưu hiện nay và thấp hơn lương trung bình của một lái xe taixi ở Hà Nội hoặc TP.HCM.

Còn lương của 1 thợ may trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ đủ nuôi sống mình người đó ở mức kham khổ.

 

Dù đã có nhiều cải cách về lương nhưng hiện nay, về tổng thể vẫn còn đâu đó những nghịch lý về tiền lương và thu nhập.

 

Thứ nhất, tiền lương và thu nhập không tương xứng trình độ, mà tùy thuộc vào quyền hạn và chức vụ

 

Lương là giá cả của sức lao động và phản ánh trình độ, kết quả của lao động trên thực tế. Tuy nhiên, tiền lương trong khu vực nhà nước có tính cào bằng cao và không khuyến khích người lao động học tập, nâng cao trình độ và nâng cao trách nhiệm công vụ của mình.

 

Để được tăng lương, việc trông cậy vào năng lực và phấn đấu cá nhân kiểu chờ đến hẹn lại lên có vẻ không hiệu quả và thực tế bằng những cú "lúc lắc" năng động trong việc chuyển việc, chuyển cơ quan, đề bạt và xin-cho về thi tuyển chuyên viên chính-cao câp và đủ thứ chức vụ khác theo kiểu "cơ cấu", cùng hội,và cùng ê  kíp...

 

Thế mới có chuyện không hiếm người càng say mê công việc càng ít có cơ hội tăng lương; Lao động chính có thu nhập thấp hơn lao động phụ; Lương thấp nhưng không dễ đòi tăng lương. Thu nhập khi về hưu cao hơn đương chức. Lương thực tế thấp dần trong khi biên chế ngày càng tăng; Thu nhập ngoài lương  từ biếu xén, xin - cho, ăn chia, tạo sân sau...nhất là ở các ngành và vị trí gắn với quyền lực của "con dấu và chữ ký" đang có xu hướng  gia tăng và gắn liền với tệ nạn tham nhũng, chạy chức chạy quyền rất công khai và mạnh,  để lại các di hại hàng thế hệ...

 

Đặc biệt, cũng không ít người tuổi trẻ và tài năng chuyên môn thì thường thường bậc trung, trong khi lại nghiễm nhiên hưởng mức lương và ngồi vị trí cao ngất ngưởng hơn những người khác có đủ cả tâm, tầm và trách nhiệm làm lợi và giàu cho tập thể và xã hội.
 
Nghịch lý lương

 

Thứ hai, mức tăng lương danh nghĩa luôn khó bù mức giảm sút thu nhập thực tế và mức lương tối thiểu tăng liên tục trong khi mức khởi điểm tính thuế thu nhập cá nhân chậm điều chỉnh.

 

Mỗi khi tăng lương, dù được hoan nghênh từ phía người nhận lương, nhưng thực tế giá cả và các nhu cầu chi tiêu tối thiểu khác thường tăng nhanh hơn mức tăng lương danh nghĩa, khiến thu nhập thực tế của người nhận lương có khi còn bị hạ thấp hơn trước.

 

Đặc biệt, có khi lương chỉ tăng cho vài bộ phận người làm công ăn lương trong xã hội, nhưng  hệ quả tiêu cực bởi giá tăng "đuổi và chặn trước" tăng lương lại trút lên  toàn bộ  lao động và  người tiêu dùng khác trong xã hội.

 

Cùng với tốc độ lạm phát cao trong 4 năm qua (tổng cộng tới trên dưới 50%), lương tối thiểu danh nghĩa cũng được điều chỉnh, song mức ngưỡng khởi điểm tính thuế TNCN 4 triệu đồng vẫn được giữ nguyên tới cuối năm 2011, mặc dù đã nhanh chóng trở nên lạc hậu. Nếu xét theo đà và áp lực lạm phát còn khá cao trong thời gian tới, nhất là về giá lương thực, thực phẩm và y tế, cũng như xăng dầu, điện, nước..., thì chắc chắn "gói thu nhập tối thiểu" giành cho 1 gia đình trung bình ở  đô thị nước ta  này còn tiếp tục gia tăng với tốc độ chóng mặt. Nghịch lý này đã vô tình biến dân lao động làm công ăn lương chả mấy chốc trở thành người giàu vì dễ chạm ngưỡng nộp thuế thu nhập cá nhân vốn chỉ và cần đánh chủ yếu vào người giàu mới đúng.

 

Thứ ba, người đại diện bảo vệ lao động lại ăn lương của chủ lao động

 

Tổ chức các công đoàn trong nhiều doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân và có vốn đàu tư nước ngoài còn mang tính hình thức và chưa thực sự là đại diện và bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động, Nguyên nhân sâu xa là ở chỗ, hầu hết cán bộ công đoàn trong doanh nghiệp lại là người lao động do chủ doanh nghiệp tuyển và trả lương. Theo nguyên tắc "ăn cây nào rào cây ấy", thì họ khó mà chủ động và khách quan, độc lập trong thực thi trách nhiệm đại diện, cầu nối và người bảovệ quyền lợi cho người lao động .

 

Hơn nữa, ở nhiều doanh nghiệp, cơ chế thương lượng, thoả thuận về tiền lương chưa đảm bảo đúng nguyên tắc thị trường và còn hình thức; Lương thấp và những thủ tục đình công hợp pháp phức tạp dẫn đến đình công tự phát có xu hướng gia tăng trong khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.

 

Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp lạm dụng sức lao động ngoài giờ và cắt xén các  chế độ bảo hộ lao động của công nhân, hoặc có khả năng trả lương cao hơn, nhưng họ vin vào mức lương tối thiểu để trả lương thấp cho người lao động.

 

Đây cũng là nguyên nhân hàng đầu gây ra các cuộc đình công và lãn công, bỏ việc tự do ngày càng gia tăng ở các KCN-KCX trên cả nước, nhất là ở các đô thị lớn, có mức sống đắt đỏ, gây thiệt hại kinh tế cho  ngay các chủ lao động và tổn hại về uy tín môi trường đầu tư Việt Nam, làm ảnh hưởng đến bản thân hiệu quả các chính sách kinh tế nhằm thu hút các nhà đầu tư, nhất là FDI của Chính phủ

 

Tệ hơn nữa, có doanh nghiệp nhận nhân công vào rồi thải ra liên tục. Trong trường hợp này, doanh nghiệp kêu ca về chất lượng lao động, nhưng thực chất là để  tránh phải chi trả các khoản chính sách và tăng cường bóc lột tinh vi người lao động bằng chế độ lương khởi đầu thấp, từ đó tạo ra khan hiếm lao động giả tạo và gây thiệt hại cho người lao động.

 

Đó là chưa kể thực tế doanh nghiệp lỗ, nhưng lương và thu nhập của cán bộ vẫn cao

 

Tình trạng này khá phổ biến trong các doanh nghiệp FDI quanh năm kêu lỗ nhờ có "tuyệt chiêu chuyển giá", và cũng không khó tìm trong khu vực kinh tế nhà nước, nhất là những ngành, doanh nghiệp có tính độc quyền cao.

 

Ngay cả những ngành năng lượng đang kêu như cháy đồi về các khoản lỗ và nợ khổng lồ, thì lương, thưởng của cán bộ trong đó vẫn là niềm mơ ước và khó tưởng tượng đối với những ngành khác,nhất là với lao động may gia công trong các nhà máy có vốn đầu tư nước ngoài hiện nay.

 

Thậm chí, một hãng hàng không liên doanh có tiếng với nước ngoài dù bị lỗ nặng thì vẫn trả "lương khủng" cho giám đốc điều hành và ban lãnh đạo hãng này.

 

Để so sánh, năm 2009,  tổng thống Mỹ Obama đã từng gọi hành động  mà các CEO ngân hàng Mỹ nhận những khoản tiền thưởng  lớn hàng triệu USD trong khi ngân hàng do họ điều hành bị lỗ vì lý do chủ quan là "hành vi vô đạo đức". Mới đây, Thủ tướng nhật Bản đã tự nguyện không nhận lương Thủ tướng (chỉ nhận lương nghị sỹ) cho tới khi khắc phục xong sự cố hạt nhân của các  nhà máy điện hạt nhân ở Nhật bị ảnh hưởng bởi các lý do khách quan sóng thần và động đất...

 

Cần coi các cuộc đình công ở khu vực doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không đơn thuần chỉ là dấu hiệu gây mất ổn định môi trường đầu tư trên địa bàn, mà còn phải coi đó như dấu hiệu bộc lộ những bất công xã hội và lời khẩn cầu giúp đỡ từ Nhà nước trước những vi phạm quyền lợi chính đáng của người lao động tại doanh nghiệp; Thậm chí, đôi khi đó còn có thể là dấu hiệu báo động về sự lạc hậu và  yêu cầu tăng cường tái cấu trúc kinh tế, nhất là chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành trên địa bàn theo hướng hiện đại và bền vững hơn...

 

Theo TS Nguyễn Minh Phong

VietnamNet

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm