ĐBSCL:
Nghịch lý lợi nhuận bóp nghẹt nông dân
(Dân trí) - Hai cơn bĩ cực đói đầu ra của cá da trơn và lúa gạo tại ĐBSCL trong thời gian qua cho thấy một thực tế: người nông dân phải luôn tự “bơi” trong sự bất ổn định của nền sản xuất thiếu tính khoa học bền vững.
Một nghiên cứu mới nhất tại ĐBSCL đưa ra một nghịch lý: đóng góp phần lớn công sức vào việc sản xuất nông sản nhưng việc hưởng lợi nhuận lại ở mức thấp. Có một sự “chênh vênh” rất lớn giữa hai thái cực: đóng góp và thụ hưởng.
Nghịch lý
Có thể hình dung việc sản xuất và phân chia lợi nhuận của nông dân ĐBSCL như một tam giác: phần đáy là đầu tư đóng góp, phần đỉnh là lợi nhuận được phân phối.
Kết quả mà nhóm nghiên cứu phân tích chuỗi giá trị cá tra - cá linh và phát triển bền vững thủy sản vùng Mekong (thuộc Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL (MDI) Trường Đại học Cần Thơ) công bố vào cuối tháng 8 tại Hội thảo “Phân tích chuỗi giá trị cá và phát triển bền vững thủy sản vùng Mekong”, cho thấy: Đối với con cá tra, doanh nghiệp chế biến nhận được 43,8% (gấp 1,1 lần người nuôi và 2,5 lần người thu gom) giá trị gia tăng thuần.
Đối với con cá linh, dù người đánh bắt đóng góp hơn 80% lao động vào nhưng chỉ nhận được 8,8% tổng lợi nhuận và 6,2% thu nhập trong chuỗi. Trong khi đó, lao động tham gia của người bán lẻ chỉ 11,2 nhưng lại nhận được 78,7% tổng lợi nhuận.
Bản nghiên cứu đã điều tra 431 cá nhân, đơn vị thuộc 6 nhóm, gồm nhóm nuôi cá tra; nhóm hỗ trợ như ngân hàng, kỹ thuật, khuyến ngư; nhóm thương lái; nhóm công ty chế biến; nhóm người tiêu dùng; nhóm trại giống.
Người nuôi bán cho các công ty chế biến 91,1%, còn 8,9% bán cho lực lượng thu gom. Lực lượng thu gom bán lại một phần cho các công ty chế biến xuất khẩu 91,4%, còn lại đưa ra chủ vựa, người bán lẻ nội địa.
Phân tích kinh tế chuỗi giá trị gia tăng: Về giá trị gia tăng thuần ở cả hai kênh phân phối, người nuôi luôn thu được ít hơn người thu gom, bán lẻ hoặc công ty chế biến. Còn phân tích tổng hợp, trong tổng số lợi nhuận thu được: công ty chế biến chiếm 78,5%, người nuôi 19,4%, thương lái 2,1%.
Theo tiến sĩ Võ Thị Thanh Lộc (MDI, trường Đại học Cần Thơ) cho biết: “Lợi nhuận và chuỗi thu nhập phân bố chưa hợp lý giữa các tác nhân trong chuỗi, chủ yếu tập trung vào công ty chế biến”. Và “với tỷ trọng lợi nhuận và thu nhập mất cân đối giữa các tác nhân trong chuỗi như trên cho thấy tính kém bền vững trong chuỗi”.
Bản nghiên cứu tiến hành với những số liệu thu thập chủ yếu trong năm 2007 và một số tháng đầu năm 2008, khi cá tra đang được bán trên giá thành. Từ khoảng tháng 3/2008 đến nay, cá tra bán dưới giá thành thì người nuôi không những không còn được hưởng phần nào trong chuỗi giá trị gia tăng mà còn lỗ nặng.
Sự mất cân đối trong phân chia lợi nhuận lý giải việc hàng loạt nông dân treo ao vì lợi nhuận tích lũy không đủ bù cho rủi ro. Người nuôi cá, theo công trình nghiên cứu này, được xếp đầu tiên trong danh sách “các nhân tố dễ bị tổn thương”, tiếp đến là… người nuôi cá giống.
Lối thoát nghịch lý: “Nghẽn”
Theo các chuyên gia, điểm yếu chí tử của ngành nuôi trồng chế biến cá tra hiện nay là manh mún, nhỏ lẻ. Chính do nhỏ lẻ mà lợi nhuận và thu nhập của người nuôi còn thấp. Dự án có nghiên cứu, giới thiệu một số mô hình đáng chú ý.
“Mô hình liên kết dọc” ở Agifish với 3 tác nhân chính: Hộ nuôi cá, Agifish, đơn vị hỗ trợ (giống, thuốc, thức ăn cho cá). Mối liên kết này hoạt động dựa trên 2 hợp đồng chính, được ký kết giữa Agifish với 2 tác nhân còn lại.Bên cạnh có ngân hàng cung cấp vốn cho Agifish để thực hiện các hợp đồng.
Đây chính là “mô hình sản xuất khép kín gắn kết nguyên liệu và chế biến xuất khẩu thông qua Câu lạc bộ cá sạch Agifish” . Tuy nhiên, mô hình này chưa vượt qua được sự nhỏ lẻ ở người nuôi. Đặc biệt, tư duy manh mún, chụp giật đã ăn sâu vào cả hai bên đối tác, thực tế nhiều năm qua cho thấy, dù có ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm nhưng một trong hai bên sẵn sàng xé rào hoặc bắt chẹt nhau tùy vào thời giá của con cá.
Mô hình hợp tác xã lấy người nuôi làm trung tâm. Ngân hàng cấp vốn cho người nuôi và người nuôi sẽ có các hợp đồng với công ty giống, thức ăn và công ty chế biến. Ở đây, người nuôi không phải từng hộ cá thể nhỏ lẻ mà là hợp tác xã có hàng trăm hộ.
Như thế, nếu người nuôi tập hợp lại thành những tổ chức sản xuất lớn, bên cạnh các công ty chế biến cũng tập hợp thành hiệp hội hoạt động thống nhất thì tình hình manh mún, tự phát, lộn xộn trong ngành nuôi và chế biến cá tra sẽ được khắc phục. Từ đó, có thể hy vọng đạt tới mục tiêu phát triển bền vững cả về môi trường, thị trường và xã hội.
Tuy nhiên, việc này lại gặp một rào cản lớn hơn do việc tổ chức không đủ thuyết phục nông dân, vấn đề phân chia đóng góp và hưởng thụ lại một lần nữa phải đặt ra giữa các thành viên.
Thực tế tại ĐBSCL có nhiều HTX nuôi cá nhưng chủ yếu là nhỏ lẻ, lèo tèo vài hộ dân, khó tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm quy mô, ổn định. Ở những HTX này, việc sản xuất và tiêu thụ không khác mấy so với hộ nuôi cá thể.
Theo tiến sĩ Lộc, việc cân đối lợi nhuận trong chuỗi giá trị con cá tra trước mắt là tăng cường các mối liên kết giữa người nuôi cá thương lái, doanh nghiệp... Ngành chức năng cần quy hoạch vùng nguyên liệu phù hợp với năng lực chế biến và đáp ứng yêu cầu chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, giá cạnh tranh; phát triển các thể chế chính sách phù hợp, giảm cạnh tranh nội bộ.
Nhật Trường