Nghi án hối lộ quan chức đường sắt: "Chuyện lạ" và "dường như có vấn đề"
(Dân trí) - Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên, ngành giao thông đánh giá vụ việc này là "chuyện lạ" bởi Dự án sử dụng vốn ODA đang nói đến có quy định đặc biệt, chỉ nhà thầu Nhật Bản mới tham gia được, không còn yếu tố cạnh tranh và những yếu tố khác đi theo.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên (ảnh: BD).
Liên quan đến vụ bê bối hối lộ trong ngành đường sắt gây rúng động dư luận thời gian gần đây, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên tại phiên họp báo thường kỳ diễn ra chiều 1/4 có lưu ý, "đây chỉ mới là thông tin ban đầu, chúng ra vẫn chưa biết cụ thể như thế nào".
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
|
Mặc dù vậy, Bộ trưởng cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo khẩn trương, nhanh chóng phối hợp với phía Nhật Bản để nắm thông tin, điều tra làm rõ, sớm có kết luận và xử lý nghiêm minh.
"Chúng ta có thể thấy được sự chỉ đạo của Chính phủ thể hiện ở việc có hai Phó Thủ tướng chỉ đạo, cùng với những chỉ đạo bằng văn bản và trực tiếp từ các bộ, ngành. Trước khi lên đường dự Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân, Thủ tướng đã có chỉ đạo cụ thể đồng thời, ngay tại Hội nghị, Thủ tướng đã tranh thủ gặp Thủ tướng Nhật Bản. Tôi chứng kiến lời đầu tiên hai Thủ tướng gặp nhau là: Chúng ta hãy phối hợp chặt chẽ, điều tra thận trọng, xử lý nghiêm minh. Nếu là sự thật thì phải nhanh chóng rút kinh nghiệm để ngăn chặn những chuyện tương tự xảy ra. Thủ tướng nói: Chúng tôi sẽ cố gắng không để ảnh hưởng đến sự giúp đỡ về ODA của Nhật" - Bộ trưởng Nên chia sẻ.
Người phát ngôn Chính phủ cũng đánh giá, điều này cho thấy quyết tâm của Việt Nam, khi có thông tin dù chưa rõ nhưng quyết tâm phải làm và đang làm. Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã chỉ đạo quyết liệt, cử một Thứ trưởng trực tiếp qua Nhật Bản để gặp các tổ chức có liên quan để làm rõ. Hiện nay các cơ quan đang điều tra, làm rõ.
Theo Bộ trưởng, trong cuộc họp ngày 1/4, Thủ tướng đã chỉ đạo làm "thận trọng, quyết liệt, đầy đủ trách nhiệm, đảm bảo theo quy định của pháp luật, theo quy trình điều tra".
Bộ trưởng cũng cho biết, ngành giao thông đánh giá vụ việc này là "chuyện lạ" bởi Dự án sử dụng vốn ODA đang nói đến có quy định đặc biệt là chỉ nhà thầu Nhật Bản mới tham gia được. Lúc đầu, có nhiều nhà thầu Nhật Bản tham gia nhưng về sau chỉ còn một, như vậy không còn yếu tố cạnh tranh và những yếu tố khác đi theo. "Đằng sau dường như có vấn đề" - Bộ trưởng nói.
Vì vậy, trước vụ việc này, quan điểm giữa các bên là "hết sức thận trọng". Thêm vào đó, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh rằng, do đây mới là nguồn tin nên trước hết "mình phải tin mình, phải bảo vệ người Việt Nam mình, nhưng khi sai phạm đã rõ thì phải xử lý".
Thủ tướng cũng đã chỉ đạo rất rõ ràng, cần phải làm đúng quy trình điều tra, thận trọng nhưng vẫn phải kỹ lưỡng. "Đây là câu chuyện dài nhưng hiện nay chúng ta đang chờ đợi, cơ quan công an, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã vào cuộc. Chúng ta tin tưởng sẽ làm quyết liệt, đầy đủ trách nhiệm và sẽ xử lý nghiêm minh nếu có vi phạm", người phát ngôn Chính phủ cho hay.
Liên quan đến những vấn đề trong các dự án ODA, sắp tới ngày 1/7/2014, Luật Đấu thầu được thông qua vào cuối năm 2013 sẽ chính thức có hiệu lực. Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên, Luật được ban hành theo xu thế bổ sung, hoàn thiện, sửa đổi, trải qua một chặng đường để rút kinh nghiệm với tinh thần cố gắng bằng mọi cách để lấp hết các lỗ hổng.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, "mọi điều có thể xảy ra chính là do vấn đề con người. Luật pháp đề ra chuẩn mực để chúng ta thực hiện trách nhiệm giám sát, kiểm tra các khâu. Đó là việc quan trọng để bịt kín các chỗ hở dẫn tới tiêu cực".
Ông cũng nhìn nhận, "Đến giờ phút này, khi bàn về vấn đề luật, chúng ta đã đem hết các kinh nghiệm, sáng tạo, suy nghĩ, rút kinh nghiệm của thế giới nhưng hỏi rằng chúng ta đã làm đủ chưa thì tôi phải nói rằng chúng ta cần phải kết hợp nhiều biện pháp chứ không phải luật có thể làm được tất cả".
Bích Diệp