Ngành bán lẻ vẫn bỏ phí nông thôn

Hơn 74% dân số Việt Nam tập trung ở nông thôn nhưng các doanh nghiệp bán lẻ vẫn chưa khai thác được.

Ngành bán lẻ vẫn bỏ phí nông thôn - 1
Người tiêu dùng trong nước đã quen dần với các siêu thị bán lẻ hiện đại.

Tại cuộc hội thảo Xu hướng tiêu dùng và triển vọng tiêu dùng 2010, các chuyên gia kinh tế đều có chung nhận định: Năm 2010 sẽ có rất nhiều triển vọng đối với thị trường bán lẻ Việt Nam. Lý do là khi đó người tiêu dùng cũng đã phần nào giải phóng được tâm lý “thắt lưng buộc bụng” trong thời gian khủng hoảng kinh tế.

Người tiêu dùng đã lấy lại được niềm tin

Tiến sĩ Đinh Mỹ Loan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam, cho biết năm 1995 Việt Nam mới chỉ có 10 siêu thị và hai trung tâm thương mại.

Nhưng đến hết năm 2008 Việt Nam có gần 400 siêu thị, trung tâm thương mại và hơn 8.000 chợ các loại. Hiện nay ngành bán lẻ Việt Nam đã đóng góp trên 15% vào GDP hằng năm, tạo việc làm cho hơn 5,4 triệu lao động, tương đương với ngành công nghiệp chế biến.

Tiến sĩ Loan nhận định sự xuất hiện của các hình thức bán lẻ hiện đại và sự tham gia của các nhà bán lẻ nước ngoài là luồng gió mới đã thay đổi diện mạo cho dịch vụ bán lẻ của Việt Nam.

“Cuộc cạnh tranh giữa bán lẻ hiện đại và truyền thống sẽ đem lại lợi ích cho người tiêu dùng. Người tiêu dùng có thêm nhiều sự lựa chọn khi sử dụng các dịch vụ bán lẻ” - bà Loan nói.

Cùng quan điểm như trên, bà Nguyễn Hương Quỳnh, Trưởng phòng Cao cấp, bộ phận tư vấn đo lường bán lẻ của Nielsen, cho biết hiện nay thị trường bán lẻ Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng, yếu tố thuận lợi để phát triển mạnh. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng trưởng 18%-20%/năm. Số lượng người tiêu dùng trẻ chiếm tới hơn 70% dân số Việt Nam.

Theo khảo sát của Nielsen, người tiêu dùng Việt Nam xếp thứ năm trên thế giới về chỉ số lạc quan tiêu dùng. Tính đến quý 3-2009, chỉ số niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam đạt 109 điểm, tăng 29% so với cùng kỳ năm trước.

Xuất hiện nhiều kênh bán lẻ mới

Theo bà Quỳnh, bán lẻ hiện đại đang ngày càng chiếm ưu thế và sẽ tăng trưởng mạnh mẽ. Người tiêu dùng hiện nay cân nhắc kỹ trong việc chọn một nơi mua phù hợp. Về kênh bán lẻ, các siêu thị, đại lý trở thành các kênh phân phối được đa số người tiêu dùng lựa chọn.

Những năm gần đây, xu hướng hàng đầu mà người tiêu dùng chọn lựa là chọn các sản phẩm an toàn sức khỏe. Năm 2009, số lượng tiêu thụ của sản phẩm trà uống liền đã vượt qua nước ngọt có gas do được tuyên truyền là tốt cho sức khỏe.

“Trong tương lai, lợi thế cạnh tranh sẽ thuộc về nhà sản xuất nào làm ra những sản phẩm có lợi cho sức khỏe cho người tiêu dùng” - bà Quỳnh giải thích.

Bà Quỳnh cho biết với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ, thương mại điện tử thì trên thị trường cũng đã xuất hiện các phương thức bán lẻ mới như bán hàng qua Internet, TV, qua điện thoại di động.

Hiện nay người tiêu dùng đã làm quen và bước đầu chấp nhận mua hàng qua catalog, qua Internet đối với những sản phẩm như may mặc, giày, dép. “Đây cũng là một xu hướng mua sắm mới mà các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam cần quan tâm” - bà Quỳnh nói.

Bà Quỳnh nhận định với hơn 74% dân số tập trung ở nông thôn, thị trường nông thôn sẽ là thị trường đầy tiềm năng mà các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam vẫn chưa khai thác được.

Trong thời gian tới, doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam nên mở rộng thị trường nông thôn bằng cách xây dựng các kênh phân phối hiệu quả.

Theo Thanh Tú
Báo PL TPHCM