“Ngân hàng vẫn đảm bảo ngoại tệ để nhập khẩu”

(Dân trí) - “Thị trường ngoại tệ chưa hết khó khăn nhưng hệ thống ngân hàng vẫn đảm bảo ngoại tệ để nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu. Khi tình hình thị trường có sự thay đổi, bản thân doanh nghiệp và ngân hàng cũng phải có sự điều chỉnh nhất định...”.

“Ngân hàng vẫn đảm bảo ngoại tệ để nhập khẩu” - 1
Ngoại tệ được nhận định là vẫn đảm bảo cho nhập khẩu (ảnh: Việt Hưng).
 
Ngày 30/7, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có cuộc trao đổi với báo giới quanh câu chuyện căng thẳng cung - cầu USD thời gian qua.
 
Theo Thống đốc Nguyễn Văn Giàu: Điều hành thị trường ngoại tệ và tỷ giá không chỉ liên quan tới một vài chục, vài trăm doanh nghiệp và cũng không đơn thuần chỉ là bài toán riêng của ngành ngân hàng mà là bài toán khó của cả nền kinh tế.
 
Doanh nghiệp có thể lựa chọn đi vay USD, hiện lãi suất chỉ còn 3 - 3,5% hoặc có thể đa dạng hóa đồng tiền thanh toán, ví dụ như giao dịch với đối tác Nhật thì thanh toán bằng đồng Yên…
 
Trong những tháng đầu năm, dư nợ cho vay ngoại tệ giảm, tuy nhiên những tuần gần đây đã bắt đầu tăng trở lại. Liệu đây có phải vì giá mua USD bị đẩy quá cao so với trần niêm yết?
 
Tôi cho rằng, dư nợ cho vay ngoại tệ tăng thời gian gần đây là dấu hiệu tích cực thể hiện sự điều chỉnh và năng động của cả ngân hàng lẫn doanh nghiệp. Trong bối cảnh thị trường tương đối khó khăn, bản thân các doanh nghiệp phải có sự lựa chọn hợp lý.
 
Hiện tại lãi suất vay ngoại tệ đã ở mức thấp, Chính phủ và NHNN khẳng định giữ tỷ giá ổn định và mức lạm phát dự kiến chỉ khoảng 6 - 7%, việc doanh nghiệp chuyển sang vay USD là dễ hiểu.
 
Một trong những nguyên nhân khiến thị trường ngoại tệ căng thẳng là do giới đầu cơ lợi dụng tâm lý găm giữ ngoại tệ, đưa ra những tin đồn thất thiệt như việc NHNN sẽ tiếp tục phá giá thêm 5%... Theo Thống đốc, mức tỷ giá hiện nay đã hợp lý hay chưa?
 
“Ngân hàng vẫn đảm bảo ngoại tệ để nhập khẩu” - 2
Thống đốc NHNN Nguyễn
Văn Giàu.
Theo quan điểm của NHNN, mức tỷ giá như hiện nay là hợp lý khi lạm phát được kiểm soát và đồng USD đang có xu hướng giảm giá trên thị trường quốc tế; đặc biệt là đối với đồng tiền của các nước trong khu vực có cơ cấu xuất khẩu tương đối giống Việt Nam.
 
Trong bối cảnh kinh tế thế giới hiện nay, việc điều chỉnh giảm giá VND sẽ có tác động bất lợi, chưa chắc đã làm giảm nhập siêu nhưng chắc chắn sẽ làm tăng gánh nặng trả nợ nước ngoài của Việt Nam.
 
Lãi suất vay VND chỉ còn khoảng 5 - 6% sau khi đã được hỗ trợ lãi suất. Thực tế này khiến một số doanh nghiệp có tâm lý muốn vay VND đồng thời giữ ngoại tệ để chờ thu lợi từ chênh lệch giá. NHNN sẽ giải quyết bài toán này như thế nào, thưa Thống đốc?
 
Để giải quyết bài toán căng thẳng cung cầu ngoại tệ USD, chúng ta cần giải tỏa được yếu tố tâm lý và xử lý hài hòa lợi ích của việc nắm giữ VND và USD.
 
Trước hết, phải khẳng định tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong những tháng đầu năm đã được cải thiện rõ rệt so với cùng kỳ năm trước, với tỷ lệ lạm phát và nhập siêu được giữ ở mức thấp, nền kinh tế bước đầu khôi phục đà tăng trưởng.
 
Về phần mình, NHNN đã triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm ổn định thị trường như công bố những thông tin về kinh tế vĩ mô để người dân và doanh nghiệp hiểu rõ hơn về tình hình kinh tế đất nước và các chính sách của NHNN.
 
Về chương trình cho vay hỗ trợ lãi suất, NHNN đang cân nhắc các phương án điều chỉnh để đạt được hai mục tiêu là giúp doanh nghiệp thích ứng với việc chương trình hỗ trợ lãi suất sẽ kết thúc và giảm bớt tác động phụ đối với thị trường ngoại tệ…
 
Tuy nhiên, cần xem lại cách hành xử của một số doanh nghiệp xuất khẩu đã được hỗ trợ vay vốn để xuất khẩu nhưng khi thu được ngoại tệ lại không bán cho ngân hàng.
 
Theo dự báo của Bộ Công Thương, năm nay nhập siêu dưới 20% kim ngạch xuất khẩu (từ 8 đến 10 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với mức nhập siêu 18 tỷ USD năm 2008), còn theo dự báo của NHNN, các luồng ngoại tệ chuyển vào Việt Nam bao gồm FDI, vay trung dài hạn, kiều hối trong 5 tháng cuối năm tương đối khả quan, hoàn toàn có thể bù đắp thâm hụt thương mại.
 
Do vậy, các doanh nghiệp đang găm giữ USD sẽ phải tính toán lại, nếu không họ cũng sẽ bị thiệt hại về mặt kinh tế với mặt bằng lãi suất USD và VND như hiện nay.
 
Xin cám ơn Thống đốc!
 
An Hạ