Ngân hàng trả giá vì nợ xấu

Là nguồn cung ứng vốn cho nền kinh tế nhưng các ngân hàng đang phải đối mặt với tình trạng nợ xấu cao, cùng với đó là khả năng tiếp cận nguồn vốn vay của doanh nghiệp ngày càng trở nên khó khăn...

"Việc nợ xấu tăng cao trong hệ thống ngân hàng do nhiều nguyên nhân, nhưng có nguyên nhân lớn từ việc định giá tài sản đảm bảo cao hơn giá trị thực", ông Trương Ngọc Anh, Chánh Văn phòng Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước), nhìn nhận.
 
Ông Trương Ngọc Anh trả lời báo chí chiều 16/10.
Ông Trương Ngọc Anh trả lời báo chí chiều 16/10.

 

Thưa ông, đang có nhiều thông tin về việc doanh nghiệp không phải là tổ chức tín dụng huy động vốn dưới nhiều hình thức để đầu tư và về tình trạng các tổ chức tín dụng dồn vốn cho doanh nghiệp sân sau của mình. Quan điểm của cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng như thế nào?

 

Các doanh nghiệp không phải ngân hàng hay tổ chức tín dụng không được hoạt động huy động vốn vì đây là hoạt động có điều kiện và do pháp luật quy định. Tuy nhiên, vừa rồi chúng tôi có nhận được thông tin từ cơ quan công an chuyển sang về một doanh nghiệp ở Hà Nội huy động vốn dưới hình thức đầu tư cho doanh nghiệp, còn việc huy động vốn để đầu tư trên thị trường tài chính thì chưa phát hiện ra nhưng nếu có thì cần xử lý ngay.

 

Về vấn đề doanh nghiệp là sân sau của ngân hàng, chúng tôi đang cho thanh tra, kiểm tra.

 

Trong hoạt động của các ngân hàng thì có những thời điểm hoặc giai đoạn ngân hàng dồn vốn cho một doanh nghiệp nào đó hoạt động nhưng chưa thể nói đó là sân sau của ngân hàng được.

 

Thực tế những quy định trong lĩnh vực này hiện nay có nhiều bất cập nên để kiểm soát và phát hiện được sẽ phụ thuộc một phần không nhỏ vào kỹ thuật và nghiệp vụ của người làm công tác thanh tra, kiểm tra. Hiện chúng tôi đang tổ chức một số đoàn thanh tra, khi thanh tra ngân hàng chắc chắn sẽ kiểm tra một số doanh nghiệp xem có tình trạng đó hay không.

“Việc nợ xấu tăng cao trong hệ thống ngân hàng do nhiều nguyên nhân, nhưng có nguyên nhân lớn từ việc định giá tài sản đảm bảo cao hơn giá trị thực” - Ông Trương Ngọc Anh

 

Hiện tượng nợ xấu trong hệ thống ngân hàng tăng cao thời gian qua được xác định chủ yếu là do chính các ngân hàng định giá tài sản đảm bảo cao hơn so với giá trị thực. Ông bình luận gì về điều này?

 

Việc nợ xấu tăng cao trong hệ thống ngân hàng do nhiều nguyên nhân, nhưng có nguyên nhân lớn từ việc định giá tài sản đảm bảo cao hơn giá trị thực. Như việc định giá đất lâu nay thường được các ngân hàng định giá theo giá thị trường tại nơi có đất, nhưng sau một thời gian giá đất sụt giảm và tài sản bảo đảm này không còn giá trị cao như thời điểm định giá. Các ngân hàng đã phải trả giá và phải trích lập thêm dự phòng rủi ro cho việc này.

 

Trong hơn 200.000 tỷ đồng nợ xấu của ngân hàng vừa qua có gần 70.000 tỷ đồng đã được trích lập dự phòng rủi ro. Còn hơn 130.000 tỷ đồng còn lại là có tài sản đảm bảo nhưng đến nay giá trị tài sản đảm bảo không còn được như con số trên, như vậy các ngân hàng lại phải tiếp tục trích lập dự phòng rủi ro và ghi thêm vào chi phí nên lợi nhuận của ngân hàng sẽ giảm đi, đó là cái giá phải trả.

 

Trong khi nền kinh tế đang khó khăn và hầu hết các doanh nghiệp đều bị sụt giảm doanh thu, thậm chí còn lỗ nhưng riêng các ngân hàng thì vẫn có những khoản lợi nhuận khổng lồ. Ông lý giải thế nào về “nghịch lý” này?

 

Chỉ nhìn vào tỷ suất lợi nhuận trên vốn của hệ thống ngân hàng so với doanh nghiệp thì đó là một khoản lợi nhuận lớn. Nhưng chúng ta không thể nhìn vào số lợi nhuận thực tế, tức là số tuyệt đối mà các tổ chức tín dụng giải trình để so sánh họ lãi nhiều hay ít.

 

Đầu tiên, chúng ta phải tính đến khoản trích lập dự phòng rủi ro mà các ngân hàng phải thực hiện. Thứ hai, cái gốc lợi nhuận đó là lãi suất, như chúng ta đã biết trong cả năm 2011 và quý 1/2012, chi phí đầu vào của các ngân hàng rất cao.

 

Cụ thể, tính đến phần cho vay, tức lãi suất đầu ra tuy có chênh lệch so với lãi suất đầu vào nhưng nếu tính cả phần chi phí dự phòng rủi ro cho khoản nợ xấu thì thực tế, mức chênh lệch này chỉ khoảng 2-2,5%, trong khi đó để đạt mức hòa vốn thì mức chênh lệch này phải từ 3-3,5%...

 

Trong hệ thống ngân hàng có thể có một vài tổ chức tín dụng có tỷ suất lợi nhuận cao hơn do quản trị rủi ro tốt. Nhưng nếu tính tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản của cả hệ thống ngân hàng cho đến thời điểm hiện nay thì lợi nhuận của ngân hàng chưa thể nói là cao.

 

“Nếu tính tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản của cả hệ thống ngân hàng cho đến thời điểm hiện nay thì lợi nhuận của ngân hàng chưa thể nói là cao” - Ông Trương Ngọc Anh

Thưa ông, Ngân hàng Nhà nước công bố đã bơm ra thị trường một lượng vốn lớn và các ngân hàng thương mại cũng vậy nhưng nhiều doanh nghiệp phản ánh vẫn khó tiếp cận nguồn tín dụng ngân hàng?

 

Việc tiếp cận nguồn vốn của doanh nghiệp với ngân hàng phải từ hai phía, ngân hàng có vốn hay không và doanh nghiệp có đáp ứng được điều kiện để vay hay không. Thực tế nợ xấu của hệ thống ngân hàng thời gian qua lên đến hàng chục tỷ USD, cứ mỗi một đồng nợ xấu mất đi lại ảnh hưởng đến an toàn của hệ thống ngân hàng nên Ngân hàng Nhà nước phải quản lý chặt chẽ việc vay vốn.

 

Nếu doanh nghiệp đủ điều kiện mà ngân hàng không cho vay thì có quyền phản ánh để Ngân hàng Nhà nước có các biện pháp xử lý các tổ chức tín dụng đó.

 

Xin hỏi thêm ông, vừa rồi Thanh tra Chính phủ đã có kết quả thanh tra Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với nhiều sai phạm. Tại sao cơ quan thanh tra của Ngân hàng Nhà nước lại không phát hiện ra những sai phạm đó?

 

Đó cũng là chuyện bình thường vì Luật Thanh tra quy định các đoàn chỉ đi tối đa 50 hoặc 70 ngày, trong khi lượng hồ sơ xem xét trong vòng 2 năm, thậm chí có ngân hàng 3 năm nên chúng tôi chỉ chọn một số mẫu hồ sơ nhất định để kiểm tra.

 

Do đó, việc để lọt hồ sơ này hoặc hồ sơ kia khó tránh khỏi. Thông thường đoàn vào sau sẽ thanh tra, kiểm tra những hồ sơ mà đoàn trước chưa làm nên sẽ phát hiện những sai phạm mà đoàn trước chưa phát hiện ra.

 

Theo K.Lý – H. Thoan

Thời báo Kinh tế Việt Nam