1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Ngân hàng thừa tiền, lãi suất sẽ giảm nữa

Vốn khả dụng của các ngân hàng thương mại đang dư thừa khoảng 50.000 tỉ đồng. Khoản tiền này đang gây áp lực không nhỏ lên các ngân hàng mà nếu không khai thông đúng, có thể gây hại.

Cuối tuần qua cầu trên thị trường tự do tiếp tục tăng khiến tỷ giá USD/VND có lúc lên mức 16.950 đồng mua vào - 17.050 đồng bán ra. Khoảng cách mua vào - bán ra được các đại lý mở tới 100 đồng/USD. So với giá giao dịch của các ngân hàng thương mại, tỷ giá bán ra tại chợ đen cao hơn 200 đồng.

Lãi suất tiết kiệm sẽ thực dương

Trong bối cảnh này, theo TS Nguyễn Quang A, người bối rối và lo lắng nhất là người gửi tiết kiệm. Với mức lãi suất và biến động tỷ giá VND/USD, vàng, chứng khoán như hiện nay, họ phải toan tính sát sườn nhằm bảo toàn vốn.

Dù chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của cả nước trong tháng 10 giảm 0,19% so với tháng 9, đưa CPI mười tháng qua tăng 21,64% so với tháng 12/2007, tăng 23,15% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng nhiều người vẫn lo lắng khi tỷ giá biến động, xoay qua nắm giữ USD, cũng như so sánh mức lãi suất tiết kiệm hiện tại với mức lãi suất cao được hưởng trước đó.

Lạm phát trong 3 - 6 tháng tới được dự báo khoảng 0,5%/tháng, nghĩa là nếu gửi kỳ hạn sáu tháng với mức lãi suất 12% năm, người gửi sẽ có lãi suất dương.

“Nếu có tiền tôi vẫn lựa chọn gửi tiết kiệm. Người gửi tiết kiệm phải tính đến giảm phát trong tương lai và không nên bám vào mức lạm phát trong quá khứ mà kỳ vọng lãi suất tiết kiệm cao”, TS Nguyễn Quang A nhận xét.

Tiền “thừa” đi về đâu?

Thừa vốn sau một thời gian thực hiện chính sách siết chặt tiền tệ, nhưng các ngân hàng lâm vào cảnh không dám cho vay, chuyên gia ngân hàng Lê Trọng Nhi nói.

Bởi theo ông, tuy các ngân hàng đã cho vay lãi suất thấp hơn, nhưng đối với các doanh nghiệp mức lãi suất hiện tại vẫn là khoản chi phí vốn lớn, khiến không nhiều người đi tới ngân hàng. Các ngân hàng nước ngoài cũng thận trọng trong hạn mức vay đối với ngân hàng trong nước.

Ngân hàng làm gì với 50.000 tỉ đồng vốn khả dụng này, theo TS Nguyễn Quang A, là một bài tính khó. “Cho vay bất động sản rủi ro, doanh nghiệp chưa muốn vay…, với tư cách cũng là một tổ chức kinh doanh, các ngân hàng sẽ phải tìm đường thoát”, ông nói.

Theo đó, nhiều ngân hàng sẽ tiếp tục đổ một phần tiền mua trái phiếu chính phủ, với lãi suất tương đối khá, mà độ an toàn lại cao hơn so với cho vay. Đó là lý do vì sao khi khối nước ngoài bán trái phiếu, thì các ngân hàng tiếp tục mua vào. Ngoài ra, một số ngân hàng dựa vào việc kinh doanh ngoại tệ hoặc vàng để xoay vòng vốn.

Vì vậy, đà “thừa vốn” này khiến một số ngân hàng không “mặn mà” lắm với việc huy động vốn nữa, TS Nguyễn Quang A nhận xét. Và việc lãi suất huy động sẽ còn giảm nữa là một xu hướng tất yếu sắp tới.

Theo Hồng Sương
Báo SGTT