Ngân hàng “thoát lỗ” 1,3 nghìn tỷ đồng
(Dân trí)- Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết: Nếu không thực hiện Quyết định 780, các tổ chức tín dụng sẽ phải trích lập thêm 14,4 nghìn tỷ đồng, khi đó toàn hệ thống sẽ có chênh lệch thu - chi âm 1,3 nghìn tỷ đồng.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình vừa có Báo cáo về Kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 3, thứ 4 gửi các đại biểu Quốc hội.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình trao đổi bên hành lang nghị trường (ảnh: Việt Hưng).Theo báo cáo mà Thống đốc Nguyễn Văn Bình gửi đến các đại biểu Quốc hội, tính đến cuối tháng 5/2013, dư nợ tín dụng tăng 2,98% so với cuối năm 2012; trong đó, tín dụng bằng VND tăng 5,48%, tín dụng bằng ngoại tệ giảm 8,41%. Dù tăng trưởng tín dụng thấp nhưng đây cũng là một kết quả đáng ghi nhận bởi trong năm 2012, phải đến cuối quý 2, tín dụng mới tăng trưởng dương so với cuối năm 2011.
Theo khẳng định từ Ngân hàng Nhà nước, hiện đang “có những tín hiệu để đảm bảo cả năm tăng trưởng tín dụng đạt mức 12% theo kế hoạch”. Bởi tín dụng thường tăng mạnh vào 6 tháng cuối năm (6 tháng cuối năm 2012, tín dụng tăng gần 9%), mặt bằng lãi suất và thanh khoản của các tổ chức tín dụng đã tốt hơn nhiều so với năm ngoái; gói hỗ trợ tín dụng 30 ngàn tỷ đồng cho người có thu nhập thấp, người làm công ăn lương mua nhà ở và cho các doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội.
Đặc biệt, các giải pháp của chính sách tài khóa như hoãn, giảm các mức phí, thuế, phát hành thêm trái phiếu Chính phủ để xử lý nợ xấu mà trước tiên là nợ đọng xây dựng cơ bản của chính quyền địa phương (khoảng 95 ngàn tỷ đồng) cũng sẽ có tác dụng làm tăng trưởng tín dụng được ấm lên.
Cũng theo đánh giá từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nợ xấu đang là một trong những nguyên nhân hạn chế khả năng mở rộng tín dụng, gây mất an toàn hoạt động ngân hàng, hạn chế quá trình giảm lãi suất và ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ngày 23/4/2012, NHNN đã ban hành Quyết định số 780/QĐ-NHNN cho phép các tổ chức tín dụng được cơ cấu lại nợ, ban hành chế tài xử lý nghiêm đối với tổ chức tín dụng không trích lập đầy đủ dự phòng rủi ro theo quy định và yêu cầu các tổ chức tín dụng tích cực sử dụng nguồn dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu (Chỉ thị số 06/CT-NHNN ngày 9/11/2012). Đến cuối tháng 4/2013, tổng số dư các khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm theo Quyết định số 780/QĐ-NHNN là 284,4 nghìn tỷ đồng.
Theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, tính đến cuối tháng 4/2013, tổng số dư nợ xấu toàn hệ thống là 137,1 nghìn tỷ đồng, tăng 18,7 nghìn tỷ đồng (15,8%) so với cuối năm 2012 (4 tháng đầu năm 2012 nợ xấu tăng 36,2%), tốc độ tăng bình quân 3,94%/tháng (giảm đáng kể so với tốc độ tăng 9%/tháng của cùng kỳ năm 2012).
“Mặc dù tốc độ tăng của nợ xấu đã được kiềm chế, song tỷ lệ nợ xấu trong tổng dư nợ tín dụng liên tục tăng lên do dư nợ tín dụng tăng trưởng chậm. Theo đó, đến cuối tháng 4/2013, tỷ lệ nợ xấu trong tổng dư nợ tín dụng là 4,67%, tăng so với mức 4,08% của cuối năm 2012 và 3,07% cuối năm 2011. Còn số liệu giám sát của NHNN, tỷ lệ nợ xấu đến thời điểm ngày 31/12/2012 là 7,8%, giảm so với mức gần 9% tại thời điểm 30/9/2012”, báo cáo cho biết.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, nếu không xử lý nợ xấu bằng dự phòng rủi ro thì nợ xấu đến cuối tháng 4/2013 là 213,8 nghìn tỷ đồng tương đương 6,8% tổng dư nợ. Còn nếu không xử lý nợ xấu bằng dự phòng rủi ro và không cơ cấu lại nợ theo Quyết định số 780/QĐ-NHNN thì đến cuối tháng 4/2013 nợ xấu là 362,8 nghìn tỷ đồng, tương đương 11,5% tổng dư nợ.
Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết thêm: “Nợ xấu lớn, chi phí dự phòng rủi ro tăng mạnh là nguyên nhân quan trọng làm giảm kết quả kinh doanh ảnh hưởng đến sự an toàn tài chính của các TCTD”. Cụ thể, chênh lệch thu-chi lũy kế năm 2012 của toàn hệ thống chỉ bằng 40% năm 2011, của 4 tháng đầu năm 2013 là 13,1 nghìn tỷ đồng, trong đó nhiều tổ chức tín dụng (TCTD) có chênh lệch thu - chi âm.
Trong số 104 TCTD có chênh lệch thu - chi dương, có 20 TCTD có mức chênh lệch giảm so với cùng kỳ năm trước. Các chỉ số phản ánh hiệu quả kinh doanh ROA (chênh lệch thu-chi trên tài sản Có) và ROE (chênh lệch thu-chi trên vốn chủ sở hữu) tương ứng đạt 0,25% và 2,64%.
So sánh hai chỉ số này của ngành ngân hàng với 20 nhóm ngành kinh tế của Việt Nam (được tính toán từ các công ty niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán) thì ROA xếp thứ 20/20 và ROE xếp thứ 11/20. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh thực tế còn thấp hơn nhiều vì việc thực hiện Quyết định 780 đã giúp các TCTD giảm đáng kể mức độ trích lập dự phòng rủi ro .
“Nếu không thực hiện Quyết định 780, các TCTD sẽ phải trích lập thêm 14,4 nghìn tỷ đồng, khi đó toàn hệ thống sẽ có chênh lệch thu-chi âm 1,3 nghìn tỷ đồng”, báo cáo nhấn mạnh.
Nguyễn Hiền