1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Ngân hàng tăng vốn: Khó ở cổ đông nhà nước

Tính đến nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chấp thuận kế hoạch tăng vốn của 16 ngân hàng cổ phần trong nước nhằm đạt mức vốn điều lệ 3.000 tỉ đồng theo quy định vào cuối năm 2010.

Tuy nhiên, điều này vẫn chưa thể làm các ngân hàng thở phào vì thực hiện được kế hoạch trên hay không lại là một vấn đề khác.
 
Ngân hàng tăng vốn: Khó ở cổ đông nhà nước  - 1
Navibank sẽ gặp khó khăn trong đợt tăng vốn sắp tới vì cổ đông nhà nước là Vinatex không muốn tiếp tục duy trì tỷ lệ sở hữu trong ngân hàng.
 
Mặc dù, trước khi đưa ra kế hoạch tăng vốn, lãnh đạo các ngân hàng đã làm việc với những cổ đông lớn trong đó có các tập đoàn, tổng công ty nhà nước để trình bày, thuyết phục những cổ đông này tăng thêm vốn trong ngân hàng. Tuy nhiên, các cổ đông nhà nước đồng ý vẫn chưa đủ mà người chủ thực sự của các công ty nhà nước đồng ý mới là vấn đề quyết định.

Ngân hàng Phương Đông (OCB) đã được NHNN cấp phép tăng vốn điều lệ từ 2.000 tỉ đồng lên 3.100 tỉ đồng trong năm nay theo kế hoạch đã được đại hội đồng cổ đông thông qua trong đó có phát hành cho cổ đông hiện hữu. Và Tổng công ty Bến Thành, đang là cổ đông lớn của OCB, cũng có “tiếng nói” quan trọng trong việc tăng vốn của ngân hàng này.

Ông Nguyễn Băng Tâm, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Bến Thành, cho biết tổng công ty đã đồng ý cho OCB tăng vốn trong năm nay nhưng tổng công ty có tiếp tục duy trì tỷ lệ sở hữu của mình trong ngân hàng hay không thì còn phải xin ý kiến của UBND TPHCM.

Theo ông Tâm, hội đồng thành viên của Tổng công ty Bến Thành sẽ sớm họp để xem xét việc có tiếp tục đầu tư vào OCB không và sau đó sẽ xin ý kiến từ phía ủy ban.

Lường trước những vấn đề như trên, HĐQT của OCB trong thông báo cho cổ đông đăng trên website của mình về phương án tăng vốn đã có nói “Trường hợp các cổ đông hiện hữu là tổ chức kinh tế không được cấp có thẩm quyền chấp thuận cho mua cổ phần thì HĐQT được lựa chọn đối tác trong nước khác có chọn lọc để bán theo sự ủy quyền của đại hội đồng cổ đông ngày 12/4/2010”.

Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần có trụ sở ở quận 1 (TPHCM) cho biết, ngân hàng ông cũng gặp khó khăn khi một số cổ đông hiện hữu là tổng công ty nhà nước bị hạn chế đầu tư ra ngoài ngành. Tuy nhiên, ông đã chủ động đi tìm sự hợp tác với nhiều đối tác khác và đến nay đã nộp kế hoạch tăng vốn chi tiết cho NHNN.

Tuần trước, NHNN đã có văn bản gửi các tổ chức tín dụng về việc triển khai rà soát danh sách cổ đông và yêu cầu các cổ đông là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng đó là việc đầu tư của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước vào các lĩnh vực tài chính, chứng khoán, ngân hàng phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi thực hiện.

Bên cạnh đó, Thủ tướng đã giao Bộ Tài chính đánh giá thực trạng tài chính, tỷ lệ an toàn vốn, nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, trên cơ sở đó xác định mức và tỷ lệ vốn cần đầu tư trực tiếp, làm rõ việc có nhất thiết phải tham gia để đạt tỷ lệ đã có khi ngân hàng thương mại cổ phần thực hiện tăng vốn theo quy định của Chính phủ, sau đó báo cáo và đề xuất với Thủ tướng từng trường hợp cụ thể.

Ông Hồ Hữu Hạnh, Giám đốc chi nhánh NHNN TPHCM, cho biết chỉ mới nghe báo cáo về trường hợp của Ngân hàng Nam Việt (Navibank) sẽ gặp khó khăn trong đợt tăng vốn sắp tới vì cổ đông nhà nước là Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) không muốn tiếp tục duy trì tỷ lệ sở hữu trong ngân hàng.

Trao đổi về vấn đề này, ông Vũ Đức Giang, Tổng giám đốc Vinatex cho biết, do Chính phủ không đồng ý để tập đoàn này tiếp tục bỏ thêm vốn đầu tư vào Navibank nên trong đợt tăng vốn này của Navibank, tập đoàn sẽ không tham gia. Sau đợt tăng vốn này, Vinatex sẽ tiếp tục xin ý kiến Chính phủ xem có tiếp tục duy trì sở hữu trong Navibank không hay phải thoái vốn.

Hiện Vinatex đang sở hữu 11% cổ phần trong Navibank. Ngân hàng này đã được NHNN cấp phép để tăng vốn từ 1.000 lên 3.500 tỉ đồng trong đó có phát hành thêm cổ phần cho các cổ đông hiện hữu.

Không phải là tổng công ty của nhà nước nhưng có sở hữu của Nhà nước lên đến hơn 90%, Vietcombank hiện vẫn phải xem xét kỹ càng để quyết định có giữ hay không tỷ lệ sở hữu trong các ngân hàng khác.

Ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Vietcombank, cho biết NHNN có người đại diện trong HĐQT của Vietcombank tham gia quyết định việc có tiếp tục hay không đầu tư vào các ngân hàng khác.

Cụ thể là hiện nay Vietcombank đang sở hữu 19% vốn trong Ngân hàng Gia Định. Ông Bình cho biết tỷ lệ sở hữu này sẽ giảm xuống trong thời gian tới có thể vì hai nguyên nhân đó là Vietcombank không bỏ thêm tiền đầu tư để duy trì tỷ lệ sở hữu cổ phần của mình trong đợt tăng vốn sắp tới của Gia Định hoặc sẽ thoái vốn.

Theo ông Bình, hai phương án này đang được ngân hàng cân nhắc và sắp tới Vietcombank cũng sẽ có kế hoạch giảm bớt tỷ lệ sở hữu cổ phần tại những tổ chức khác, kể cả ngân hàng, nếu việc đầu tư không đem lại hiệu quả cao.

Các ngân hàng đã được đồng ý về kế hoạch tăng vốn cho biết thời gian để các ngân hàng tìm nguồn vốn thực hiện kế hoạch là 12 tháng kể từ ngày được cấp phép. Do vậy hầu như ngân hàng nào cũng có kế hoạch phát hành riêng lẻ cho các cổ đông khác để dự phòng trường hợp tăng không đủ vốn như kế hoạch.

Theo Thủy Triều
TBKTSG

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm