Ngân hàng ồ ạt tăng lãi suất VND theo cơ chế mới

(Dân trí) - Hôm nay, 19/5, là ngày đầu tiên áp dụng mức lãi suất cơ bản 12%/năm cho tiền đồng Việt Nam. Đây cũng là ngày các ngân hàng thương mại ồ ạt thi nhau tăng lãi suất huy động tiền Việt. Mức tăng cao nhất đã lên tới 15%/năm.

OceanBank dẫn đầu

Thông báo của Ngân hàng Đại Dương (OceanBank), kể từ ngày hôm nay, ngân hàng này chính thức áp dụng biểu lãi suất mới trên toàn hệ thống, mức cao nhất lên tới 15%/năm. Theo đó, các kỳ hạn 1 - 2 - 3 tuần được nâng lên mức: 13% - 13,5% - 14%/năm; kỳ hạn 1 - 2 - 3 - 6 - 9 tháng cùng được nâng lên 14,5%/năm; đặc biệt kỳ hạn 12 - 13 tháng tăng lên thành 15%/năm.

Khách hàng gửi tiền tiết kiệm theo biểu lãi suất này đồng thời được tham gia chương trình tiết kiệm có thưởng của OceanBank áp dụng trong từng thời kỳ. Trước đó, sau cuộc họp báo của Ngân hàng Nhà nước ngày 17/5, ngân hàng này đã một lần công bố biểu lãi suất mớivới mức cao nhất lên tới 14%/năm.

Ngay sau khi Ocebank tăng lãi suất lên 14%/năm, Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) đã nâng lãi suất huy động VND các kỳ hạn từ 1 - 13 tháng được áp dụng tới 15%/năm.

Nhưng đến hôm nay, ngày chính thức áp dụng biểu lãi suất mới, SHB lại điều chỉnh giảm xuống, còn 14,5%/năm cho các khách hàng gửi tiền kỳ hạn từ 3 - 12 tháng. Với kỳ hạn từ 13 - 26 tháng, lãi suất được áp dụng là 13,5%/năm và loại kỳ hạn từ 1 -2 tháng là 4,45%/năm. Riêng đối với lãi suất không kỳ hạn sẽ hưởng mức lãi suất 5%/năm.

Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng đã điều chỉnh mức lãi suất huy động đối với VND áp dụng cho các kỳ hạn trên 6 tháng là 14%/năm (1,167%/tháng) và các kỳ hạn từ 6 tháng trở xuống là từ 13,5%/năm đến 13,8%/năm (1,125% đến 1,150%/tháng).

Riêng đối với các khách hàng gửi từ 50 triệu đồng trở lên, ngoài lãi suất trên đây, còn được hưởng thêm lãi suất thưởng từ 0,005% đến 0,025% tùy theo kỳ hạn.

Ngoài ra, ngân hàng này còn triển khai chương trình khuyến mại dành cho tất cả khách hàng tiền gửi mang tên “Sacombank- Cơn lốc quà tặng” với giải thưởng đặc biệt là xe hơi BMW trị giá 1,4 tỷ đồng.

Ngân hàng quốc tế (VIBBank) cũng vừa điều chỉnh các mức lãi suất kỳ hạn 1 - 2 - 3 tuần lên các mức tương ứng: 10,08% - 11,4% - 11,76%/năm; 1 tháng 12,5%/năm; 2 tháng 13%; 3 - 4- 5- 6- 7- 8 - 9 - 10 -11 tháng là 13,5%/năm, 12 tháng là 14%/năm. Đối với các kỳ hạn có quy định mức tiền gửi, với mức dành cho khách hàng gửi từ 10 tỉ đồng trở lên, từ 3 - 6 tháng lên tới 13,8%/tháng và 12 tháng là 14,3%/tháng...

Đại diện VIBBank cho biết, có thể trong ngày mai, ngân hàng này sẽ tiếp tục điều chỉnh các mức lãi suất huy động vốn VND cho phù hợp với tình hình chung của thị trường.

Biểu lãi suất tiết kiệm hiện đang được các ngân hàng áp dụng rộng rãi trên toàn hệ thống, nhưng ít thấy ngân hàng công bố lãi suất huy động vốn. Đại diện một ngân hàng thương mại cho hay, nguồn vốn tại ngân hàng không còn dồi dào nên lãi suất cho vay sẽ được ngân hàng thỏa thuận riêng với từng đơn vị vay.

Lãi suất không biến động quá lớn?

Những động thái hiện nay của các ngân hàng, đặc biệt là khối ngân hàng TMCP đang khiến cho nhiều người nghĩ đến việc thiếu hụt nguồn vốn. Nhưng theo khẳng định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu, các ngân hàng vẫn đảm bảo khả năng thanh khoản và không có trường hợp nào ở trong tình trạng đặc biệt.

Đến thời điểm này thì Oceanbank với mức huy động vốn VND đang dẫn đầu thị trường, nhưng dựa trên tình hình thực tế, “đỉnh” 15% này vẫn còn có khả năng bị phá vỡ trong những ngày tới.

Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, “đỉnh” lãi suất huy động VND sẽ không quá cao và lãi suất cũng sẽ sớm dần đi vào ổn định. Bản thân Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cũng đã nhấn mạnh về việc các ngân hàng không thể tăng mạnh lãi suất huy động lên mức bất hợp lý, bởi Ngân hàng Nhà nước sẽ có chế tài xử lý và can thiệp thích hợp.

Theo ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV, lãi suất tăng nhưng sẽ không có một mức lãi suất cào bằng cho tất cả các ngân hàng, vì nó phụ thuộc vào quy mô, hiệu quả hoạt động của từng ngân hàng. Đặc biệt, “lãi suất của ngân hàng nào tiến sát tới mức khống chế 18%, chứng tỏ ngân hàng đó đang khó khăn về tính thanh khoản, khách hàng cũng sẽ dễ dàng nhận ra. Trong cuộc chơi này, cũng sẽ có một số tuyển thủ không đủ sức để trụ hạng”- ông Hà nhấn mạnh.

TS. Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, với sự “khống chế” của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thành viên khó tạo ra một cuộc chạy đua lãi suất như thời gian trước. “ Không thể nâng được vì lãi suất cơ bản được cộng thêm tối đa 50%, nếu anh đua lên quá thì anh lỗ. Ngân hàng nào huy động quá mức thì người ta biết ngay ngân hàng này kém, thậm chí điều này sẽ phản lại họ, khách hàng rút tiền ở ngân hàng đó ra để gửi ngân hàng có lãi suất vừa phải hơn, có tính ổn định hơn và cạnh tranh tốt hơn”.

Theo TS. Cao Sỹ Kiêm, lãi suất huy động vốn tại các ngân hàng lên mức 14 - 15%/năm là hợp lý.

Nguyễn Hiền