Ngân hàng nhỏ vừa ước lợi nhuận... vừa run!

Với diễn biến thị trường còn nhiều thách thức, chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế mà các ngân hàng nhỏ này xây dựng cho năm nay chỉ ở mức khiêm tốn.

Mặc dù trong nhóm ngân hàng cổ phần vừa và nhỏ, không phải nhà băng nào cũng bị liệt vào nhóm 3 hoặc 4 theo quy định giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2012 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nhưng với diễn biến thị trường còn nhiều thách thức, chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế mà các đơn vị này xây dựng cho năm nay chỉ ở mức khiêm tốn.
 
Ngân hàng nhỏ vừa ước lợi nhuận... vừa run!  - 1
Giới hạn tăng trưởng tín dụng cũng là giới hạn chỉ tiêu lợi nhuận của các NH

Đến thời điểm này, không ít nhà băng đã nhận được chỉ tiêu tăng trưởng dư nợ của năm 2012, trong đó có nhiều ngân hàng vừa và nhỏ thuộc nhóm 2, thậm chí là nhóm 1. Đơn cử như SeaBank với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 17%; SouthernBank 15%; NamABank 15%... Thế nhưng, lãnh đạo các nhà băng cho biết, không dễ lấp đầy chỉ tiêu tăng trưởng dư nợ này.

Chính vì thế, chỉ tiêu lợi nhuận mà các ngân hàng vừa và nhỏ đưa ra cho năm nay không mấy tăng trưởng so với năm trước. Thậm chí, có nhà băng còn cắt giảm, nhằm giảm áp lực trong hoạt động khi hoạt động cho vay đang bị ngưng trệ.

Theo một cán bộ cấp cao của DaiABank, chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế mà Ngân hàng trình ĐHCĐ năm nay dự kiến chỉ bằng năm trước. Trong năm 2011, DaiABank đạt 502 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế so với kế hoạch xây dựng ban đầu là 600 tỷ đồng.

Sở dĩ nhà băng nhỏ dè chừng với chỉ tiêu lợi nhuận năm 2012 là do áp lực lãi suất còn khá cao nên khó có thể khơi thông được dòng chảy vốn. Lãi suất vẫn là rào cản lớn đối với khách hàng DN, nhưng ngân hàng chưa thể mạnh tay cắt giảm chi phí đầu vào vì sợ rủi ro thanh khoản.

Mặt khác, trong bối cảnh thị trường còn nhiều khó khăn, các DN cũng không mặn mà với việc tiếp cận vốn ngân hàng phục vụ sản xuất - kinh doanh. Còn phân khúc tín dụng cá nhân dường như đang đóng băng vì lãi suất vẫn rất cao, dao động 22 - 24%/năm.

Trong khi đó, trong cơ cấu nguồn thu đóng góp vào lợi nhuận của các ngân hàng hiện nay, nhất là ở những đơn vị vừa và nhỏ, hoạt động cho vay vẫn chiếm khoảng 70 - 80%. Thậm chí, ở một số nhà băng nhỏ, tỷ lệ này còn lên đến 90%.

Ông Trịnh Văn Tuấn, Tổng giám đốc OCB cho biết, năm nay, Ngân hàng dự kiến đưa ra chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế 550 tỷ đồng. Trong năm qua, OCB đạt 450 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế so với chỉ tiêu ban đầu là 500 tỷ đồng. Theo ông Tuấn, sở dĩ OCB chỉ đưa ra kế hoạch lợi nhuận cao hơn 100 tỷ đồng so với mức đạt được của năm trước là do diễn biến thị trường còn có những khó khăn nhất định. Trong đó, hoạt động cho vay dự kiến khó cải thiện nhiều so với năm trước. Năm 2011, OCB chỉ sử dụng gần hết “room” tăng trưởng dư nợ 20% theo quy định của NHNN. Còn chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay OCB vừa nhận được từ NHNN là 15%.

Theo đánh giá của ông Tuấn, với mặt bằng lãi suất như hiện nay thì tăng trưởng tín dụng trong các quý tới còn gặp khó. Vì thế, xu hướng giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay là chắc chắn. Bởi lãi suất cao khiến DN không thể vay là rất bất lợi cho cả các ngân hàng.

Không chỉ với ngân hàng nhỏ mà ngay cả nhà băng lớn cũng tỏ ra thận trọng khi xây dựng kế hoạch lợi nhuận trình ĐHCĐ năm nay. Chẳng hạn như DongABank cũng đưa ra kế hoạch lợi nhuận 2012 là 1.650 tỷ đồng so với mức đạt được của năm trước là 1.255 tỷ đồng. Bởi theo nhận định của một lãnh đạo điều hành DongA Bank, 2012 sẽ tiếp tục là một năm khó khăn, thách thức, thậm chí còn khó hơn cả năm 2011 khi quá trình tái cấu trúc nền kinh tế của Chính phủ chỉ đang ở bước đầu và khủng hoảng nợ công khu vực châu Âu vẫn đang tiếp diễn. Trong bối cảnh đó, hoạt động của ngành ngân hàng theo định hướng chung vẫn là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, nên vấn đề lãi suất, tăng trưởng tín dụng... vẫn sẽ là bài toán khó giải cho các ngân hàng trong suốt cả năm nay.

Đồng quan điểm này, ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Sacombank cho rằng, trong bối cảnh kinh tế vĩ mô có nhiều khó khăn thì không chỉ DN, mà các ngân hàng cũng phải đối mặt với nhiều thách thức. Do đó, chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế Sacombank đưa ra năm nay cũng ở mức vừa phải với 3.500 tỷ đồng.

Theo Thùy Vinh
Đầu tư Chứng khoán