Ngân hàng “nhanh chân” giảm lãi suất cho vay

Cùng với việc hạ trần lãi suất cơ bản, nhiều ngân hàng cũng “nhanh chân” giảm lãi suất cho vay để kích cầu tín dụng. Chuyên gia cho rằng, nếu việc giải quyết nợ xấu không có chuyển biến rõ rệt thì việc giảm lãi suất cho vay sẽ chủ yếu đến từ các khoản vay cũ.

Theo ghi nhận của phóng viên, trong ngày đầu thực hiện việc giảm trần lãi suất huy động xuống 6%/năm (ngày 18/3), nhiều ngân hàng đã thông báo chương trình giảm lãi suất cho vay. Điển hình như: LienVietPostBank với “Cho vay ưu đãi - Giảm lãi hết năm với tổng trị chương trình là 2.000 tỷ đồng và 100 triệu USD. Đây là chương trình thay cho lời tri ân tới tất cả khách hàng đã tin tưởng và đồng hành trên chặng đường 6 năm phát triển bền vững của ngân hàng này.

Hay như, BIDV, Agribank với lãi suất cho vay áp mức 8%/năm đối với các đối tượng ưu tiên. Riêng lãi suất cho vay các đối tượng thông thường, BIDV tiếp tục tuân thủ mức trần lãi suất 13%/năm đối với cho vay sản xuất kinh doanh. Riêng cho vay ngắn hạn dưới 6 tháng tối đa không quá 9,5%năm…

Khách hàng tìm hiểu thủ tục vay vốn tại LienVietPostBank.
Khách hàng tìm hiểu thủ tục vay vốn tại LienVietPostBank.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

 
 

Với chương trình “Cho vay ưu đãi - Giảm lãi hết năm”, đại diện LienVietPostBank cho biết: Điểm nổi trội của chương trình là khách hàng được vay vốn với lãi suất từ 7%/năm - một trong những lãi suất thấp nhất trên thị trường hiện nay.

“Ưu điểm này sẽ giúp nhóm đối tượng khách hàng cá nhân, hộ gia đình có nhu cầu vay tiêu dùng sẽ được tiếp cận lãi suất thấp nhất, cùng nhiều ưu đãi linh hoạt khác như ưu đãi về thời gian vay vốn, hạn mức vay và tốc độ giải ngân. Chương trình là cơ hội tốt để khách hàng doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời điểm khó khăn, tạo điều kiện phát triển vững chắc trong năm 2014”, ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch LienVietPostBank nói.

Theo giới chuyên gia, việc giảm trần lãi suất huy động sẽ là cơ hội cho doanh nghiệp, cá nhân tiếp cận nguồn vốn vay với chi phí hợp lý hơn. Thời gian qua, các doanh nghiệp tốt, đáp ứng đủ yêu cầu của ngân hàng hầu hết đã được hưởng mức lãi suất khá thấp và hợp lý, ở mức 7 - 8%/năm.

Đánh giá về khả năng xảy ra một đợt cắt giảm lãi suất cho vay trên diện rộng, Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) cho rằng, việc cắt giảm các mức lãi suất chủ chốt của Ngân hàng Nhà nước giống như một sự hỗ trợ cho tình hình nan giải của hệ thống ngân hàng hiện tại.

Bởi do lãi suất huy động thấp hơn, các ngân hàng nhiều khả năng sẽ giảm lãi suất cho vay và tín dụng có cơ hội để tăng tốt hơn. Nếu không (do có thể ở một số ngân hàng, hoạt động tín dụng vẫn ổn định và như vậy họ không cần thiết phải giảm lãi suất cho vay nữa), tỷ lệ NIM (mức lợi nhuận ngân hàng) có thể vì thế mà cải thiện hơn. Nhìn chung, chính sách này có thể là một tín hiệu tích cực đối với hoạt động ngân hàng trong tương lai.

Còn theo TS.Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch LienVietPostBank, thì “hạ trần lãi suất lần này giảm được nguồn ngắn hạn và tăng nguồn cung dài hạn, đồng thời, tạo mặt bằng lãi suất mới cả cho vay lẫn huy động. Đây là nền tảng như “thuyền và nước” khi nước xuống thì thuyền cũng xuống theo. Khi lãi suất huy động giảm thì lãi suất cho vay cũng hạ theo.

Tuy nhiên, điều các ngân hàng thương mại đang quan tâm là việc trước đây cho ai vay và vay để làm gì còn hiện nay thì thêm là vay để làm gì và làm để làm gì. Mặc dù lãi suất có giảm nữa nếu không kích cầu thì lãi suất có hạ nữa thì doanh nghiệp cũng không vay. Do vậy, cần phải kích thích tài chính công, khuyến khích thị trường phát triển thì doanh nghiệp mới vay vốn để sản xuất kinh doanh. Với tình hình như hiện nay thì ngân hàng vẫn thừa vốn.

Cùng chung nhận định, đại diện Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng: Động thái vừa qua của Ngân hàng Nhà nước là hợp lý và phù hợp với định hướng duy trì mặt bằng lãi suất thấp trong bối cảnh lạm phát được kiểm soát tốt ở mức thấp và thanh khoản hệ thống đang khá tốt trong khi tăng trưởng tín dụng chưa được đẩy mạnh.

“Việc lãi suất huy động có xu hướng giảm nhẹ sẽ là điều kiện thuận lợi để mặt bằng lãi suất cho vay giảm theo sau đó. Tuy nhiên, nếu việc giải quyết nợ xấu không có những chuyển biến rõ rệt thì việc giảm lãi suất cho vay, nếu có, sẽ chủ yếu đến từ các khoản vay cũ”, nghiên cứu từ công ty này nhấn mạnh.

Hà Minh
 

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước