Ngân hàng Nhà nước nói gì về việc cấp tín dụng cho dự án PPP giao thông?

An Chi

(Dân trí) - Quan điểm của NHNN trong việc cấp tín dụng đối với các dự án PPP giao thông là các tổ chức tín dụng tự xem xét, quyết định cho vay các dự án theo quy định của pháp luật hiện hành.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có Công văn số 462 về việc phối hợp đề xuất một số cơ chế, chính sách, giải pháp nhằm tháo gỡ vướng mắc tín dụng đối với dự án PPP giao thông. Tại công văn, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú khẳng định, quan điểm của NHNN trong việc cấp tín dụng đối với các dự án PPP giao thông là các tổ chức tín dụng (TCTD) tự xem xét, quyết định cho vay các dự án theo quy định của pháp luật hiện hành.

Các TCTD xem xét, quyết định cho vay đối với các dự án trên cơ sở thẩm định hiệu quả, khả thi của dự án, khả năng trả nợ của khách hàng và khả năng cân đối nguồn vốn theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, NHNN cũng đề xuất một số giải pháp để thu hút nguồn vốn tín dụng cho đầu tư các dự án PPP giao thông.

Ngân hàng Nhà nước nói gì về việc cấp tín dụng cho dự án PPP giao thông? - 1

Quan điểm của NHNN trong việc cấp tín dụng đối với các dự án PPP giao thông là các tổ chức tín dụng tự xem xét, quyết định cho vay các dự án theo quy định của pháp luật hiện hành (Ảnh minh họa: Quân Đỗ).

Nhiều vấn đề ở các dự án cũ 

Cụ thể, đối với các dự án cũ, NHNN đề nghị bộ Giao thông Vận tải (GTVT) chủ trì, phối hợp với các  bộ ngành có liên quan kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý dứt điểm các bất cập, vướng mắc trong việc đầu tư, khai thác các dự án BOT giao thông trong thời gian qua.

Theo NHNN, hiện nay, nhiều dự án đã hoàn thành 2-3 năm nhưng chưa quyết toán xong, trạm thu phí tạm dừng thu chưa có quyết định hoặc lộ trình thu phí trở lại, các dự án có doanh thu sụt giảm chưa được rà soát, chưa tính toán lại lộ trình tăng phí... dẫn đến TCTD không có cơ sở để xem xét cơ cấu thời hạn trả nợ phù hợp với dòng tiền các dự án.

Vì vậy, NHNN đề nghị Bộ GTVT phối hợp với nhà đầu tư, tổ chức tín dụng tài trợ để rà soát, quyết toán dứt điểm các dự án đã hoàn thành, tính toán cụ thể phương án tài chính và ký phụ lục điều chỉnh hợp đồng BOT làm cơ sở để TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo dòng tiền thực tế của dự án.

NHNN đề nghị Bộ GTVT tích cực trong việc phối hợp nhà đầu tư, TCTD tài trợ có chế xử lý tài sản đảm bảo cho TCTD. Lý do là tài sản bảo đảm của các khoản vay đối với các dự án BOT chủ yếu là quyền thu phí. Việc xử lý tài sản đảm bảo kéo dài và rất khó khăn do phải được sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền và các dự án đã có doanh thu không đủ trả nợ vay thì khó có thể tìm được nhà đầu tư mới tiếp tục thực hiện dự án. Điển hình là việc xử lý tài sản bảo đảm của SHB đối với khoản vay của Công ty CP BOT Quốc lộ 38, SHB đã có Văn bản kiến nghị Bộ GTVT, đến nay chưa được xử lý, nợ xấu của dự án tại SHB là 1.100 tỷ đồng.

Phương án với dự án mới

Đối với các dự án mới, NHNN cho rằng, để triển khai thành công các dự án cần thực hiện tốt các giải pháp để thu hút được nguồn lực xã hội hóa thông qua việc xây dựng dự án khả thi, hiệu quả; có mức độ rủi ro chấp nhận được; tổ chức khảo sát sự quan tâm của nhà đầu tư, đấu thầu để lựa chọn được các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính; đáp ứng các điều kiện cấp tín dụng của TCTD; đồng thời có khả năng huy động vốn từ các nguồn khác nhau (vốn tín dụng, phát hành trái phiếu, huy động qua thị trường chứng khoán...) giảm sự phụ thuộc quá lớn vào một nguồn vốn cụ thể.

Theo NHNN, việc cho vay các dự án BOT giao thông có mức độ rủi ro cao, trường hợp tập trung tín dụng và xảy ra rủi ro sẽ ảnh hưởng đến an toàn hệ thống ngân hàng và ổn định kinh tế vĩ mô.

Để thu hút nguồn vốn tín dụng cho đầu tư các dự án, NHNN đề nghị Bộ GTVT báo cáo cấp có thẩm quyền có thể cho phép áp dụng cơ chế bảo lãnh doanh thu, phí hoặc cơ chế giá phù hợp để đảm bảo hiệu quả dự án, hạn chế rủi ro cho TCTD cho vay đối với các dự án.

NHNN cho biết, kinh nghiệm quốc tế cho thấy có 4 nguồn vốn chủ yếu cho đầu tư các dự án hạ tầng giao thông: Vốn tự có (chiếm khoảng 15-20%); vốn vay ngân hàng, gồm cả ngân hàng phát triển và ngân hàng thương mại (khoảng 40-50%); vốn phát hành trái phiếu, gồm trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu chính phủ/trái phiếu chính quyền địa phương với mục đích chính là tài trợ cho dự án, hoặc chủ đầu tư phát hành trái phiếu và do Chính phủ bảo lãnh (chiếm khoảng 20-25%); nguồn vốn từ các tổ chức tài chính quốc tế, bao gồm cả vốn ODA và các quỹ đầu tư (chiếm khoảng 10-15%).

Qua đó, để phát triển các dự án hạ tầng giao thông, NHNN đề nghị Bộ GTVT cần tiếp tục đẩy mạnh huy động các nguồn vốn có tính chất dài hạn như vốn ODA, vốn NSNN... cho đầu tư các dự án, khi hoàn thành đề nghị Bộ GTVT nghiên cứu phương án thu phí hoàn vốn cho ngân sách nhà nước theo quy định của Luật NSNN và Luật PPP. Khi đầu tư các dự án bằng vốn đầu tư công, các tổ chức tín dụng vẫn có thể tham gia cấp tín dụng đối với các nhà thầu xây lắp, nhà sản xuất, cung cấp vật liệu xây dựng… để triển khai, thực hiện các dự án.

Qua đó, Bộ GTVT cần phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm của các nước trong việc xây dựng Quỹ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để huy động vốn cho các dự án PPP giao thông.

Bộ này cũng cần phối hợp với Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp nghiên cứu, tăng cường vai trò và khả năng của VDB, SCIC trong việc tài trợ các dự án hạ tầng giao thông. Bộ này cũng cần áp dụng thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng theo quy định tại Quyết định số 19/2020 ngày 17/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ tại tất cả các trạm thu phí nhằm kiểm soát nguồn thu, đảm bảo khả năng trả nợ ngân hàng.