Ngân hàng Nhà nước lên tiếng về thanh khoản của SCB

(Dân trí) - Ngân hàng Nhà nước vừa có thông cáo về tình hình hoạt động, tính thanh khoản của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) trong bối cảnh thị trường xuất hiện thông tin Công ty IFM “kêu cứu” về khoản tiền gửi tiết kiệm hơn 500 tỷ đồng bị kẹt tại SCB.

SCB được hợp nhất từ ba ngân hàng thương mại cổ phần.
SCB được hợp nhất từ ba ngân hàng thương mại cổ phần.

Vào khoảng giữa tuần này, thị trường tiền tệ xuất hiện thông tin Công ty CP Quản lý Quỹ Đầu tư Chứng khoán Hapaco (IFM) “kêu cứu” về khoản tiền gửi tiết kiệm hơn 500 tỷ đồng bị kẹt tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) một năm qua mà chưa thể rút về.

Và vào chiều hôm qua 22/3, Ngân hàng Nhà nước đã phát đi thông cáo báo chí về kết quả hợp nhất 3 ngân hàng: Sài Gòn, Việt Nam Tín Nghĩa và Đệ Nhất. Thông cáo báo chí này có nội dung xoay quanh tình hình hoạt động của SCB sau hợp nhất, tính thanh khoản của ngân hàng, cũng như phương án triển khai các giải pháp cơ cấu tổng thể…

Còn nhớ, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) được thành lập từ ngày 1/1/2012 trên cơ sở hợp nhất ba ngân hàng thương mại cổ phần: Sài Gòn, Việt Nam Tín Nghĩa và Đệ Nhất.

Theo Ngân hàng Nhà nước: Sau một năm thực hiện tái cơ cấu, SCB đã từng bước tháo gỡ khó khăn về thanh khoản do ba ngân hàng thương mại cổ phần trước đó để lại và đạt được những bước tiến tích cực như: cải thiện đáng kể tình trạng thanh khoản, năng lực tài chính thông qua các giải pháp tăng vốn điều lệ, huy động vốn đầu tư nước ngoài, củng cố giá trị tài sản đảm bảo, đẩy mạnh xử lý nợ. Nhờ đó, trong năm 2012, huy động vốn từ nền kinh tế của SCB đã tăng 35,9% và tăng 7% trong hai tháng đầu năm 2013.

Đến nay, “SCB đã bảo đảm an toàn tài sản của Nhà nước, chi trả bình thường đối với các khoản tiền gửi của nhân dân cũng như các khoản nợ vay tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước”, thông cáo báo chí nhấn mạnh.

Cũng theo thông tin trên, dưới dự hỗ trợ và giám sát chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước, SCB hiện đang thúc đẩy thực hiện các giải pháp cơ cấu tổng thể, bao gồm cơ cấu lại các khoản tiền vay/tiền gửi của các tổ chức tín dụng và tổ chức tài chính nhận ủy thác của tổ chức tín dụng theo Kế hoạch tái cơ cấu giai đoạn 2013-2014 và Phương án cơ cấu lại nợ thị trường 2.

Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước cũng đã chủ trì cuộc họp với các tổ chức tín dụng chủ nợ của SCB để thống nhất nguyên tắc cơ cấu lại khoản tiền vay/tiền gửi của các tổ chức tín dụng và tổ chức tài chính nhận ủy thác của tổ chức tín dụng tại SCB.

An Hạ