Ngân hàng mua lại công trái, trái phiếu ra sao?

Ông Nguyễn Gia Định - tổng giám đốc Ngân hàng Xuất nhập khẩu VN (Eximbank) cho biết: Chúng tôi đang mua lại trái phiếu Chính phủ (kỳ hạn năm năm, loại vô danh, được phát hành các năm 2003, 2004 và 2005) và công trái giáo dục (công trái xây dựng Tổ quốc phát hành năm 2003, 2005).

Tới đây ngân hàng (NH) sẽ mở ra các loại trái phiếu (TP) khác như TP đô thị, TP công trình... Các loại TP và công trái (CT) mà NH đang mua đều là loại vô danh, vì vậy thủ tục mua lại rất đơn giản, thuận tiện cho người bán.

 

Giá mua TP, CT được tính toán theo lãi suất của thị trường ở thời điểm mua bán và thời gian đã được phát hành, càng xa ngày phát hành giá càng cao. CT giáo dục có hai loại tương ứng với các mức giá: loại phát hành năm 2003 được mua lại với giá 94% mệnh giá, loại phát hành năm 2005 là 80% mệnh giá.

 

TP có ba loại với các mức giá: TP phát hành năm 2005 là 87% mệnh giá; TP phát hành năm 2004 nếu còn năm lần nhận lãi là 96% mệnh giá, nếu còn bốn lần nhận lãi là 89% mệnh giá; TP phát hành năm 2003 nếu còn năm lần nhận lãi là 104% mệnh giá, nếu còn bốn lần nhận lãi là 98% mệnh giá, nếu còn ba lần nhận lãi là 91% mệnh giá.

 

Vì sao NH lại mua dưới mệnh giá trong khi có qui định không được mua lại CT dưới 90% mệnh giá?

 

Việc mua lại giấy tờ có giá có hai qui định khác nhau. Bộ Tài chính qui định trong năm đầu sau ngày phát hành không được mua lại CT thấp hơn 90% mệnh giá, NH Nhà nước qui định việc mua bán giấy tờ có giá là do hai bên thỏa thuận. Hiện NH áp dụng qui định của NH Nhà nước để tiến hành mua lại TP.

 

Giá mua TP, CT được NH tính trên cơ sở mặt bằng lãi suất của thị trường và dự báo diễn biến lãi suất trong tương lai. So với mặt bằng lãi suất hiện hành, lãi suất TP và CT khá thấp (TP kỳ hạn năm năm lãi suất chỉ có 8,5%/năm, trong khi lãi suất ba tháng trên thị trường liên NH hiện đã lên đến 8,2%/năm).

 

Khi NH mua lại TP, CT đã có mức lãi suất gần như cố định. Vì thế không thể cho rằng NH mua lại TP, CT thấp hơn mệnh giá là ép giá.

 

Theo Tuổi trẻ