Ngân hàng hoạt động yếu kém sẽ bị thu hồi giấy phép

Ngân hàng Nhà nước vừa phê duyệt Đề án cơ cấu lại Ngân hàng thương mại cổ phần nông thôn. Mục đích là củng cố và sắp xếp lại các ngân hàng cổ phần nông thôn nhằm tăng khả năng cạnh tranh trong điều kiện mới, tránh rủi ro trong nền kinh tế hội nhập.

Theo Ngân hàng Nhà nước, việc cơ cấu lại các ngân hàng thương mại cổ phần nông thôn trong thời gian tới sẽ theo 2 hướng chính: đối với ngân hàng thương mại cổ phần nông thôn đủ điều kiện và có nhu cầu sẽ được chuyển đổi thành ngân hàng thương mại cổ phần đô thị.

 

Đối với các ngân hàng thương mại cổ phần nông thôn trước mắt chưa đủ điều kiện và không có nhu cầu chuyển đổi thì: nếu các ngân hàng tăng đủ vốn theo lộ trình quy định thì các ngân hàng này có thể thay đổi giấy phép hoạt động như ngân hàng thương mại cổ phần đô thị hoặc hoạt động theo giấy phép cũ.

 

Những ngân hàng không đủ điều kiện tăng vốn theo lộ trình quy định được  khuyến khích sáp nhập, hợp nhất vào các ngân hàng thương mại khác có tiềm lực về vốn và năng lực tài chính; hoặc sử dụng các biện pháp cưỡng chế Nhà nước như thu hồi giấy phép đối với các ngân hàng nhỏ, hoạt động yếu kém nhưng không có biện pháp khắc phục cũng như tăng quy mô vốn; hoặc cho phép xử lý phá sản đối với ngân hàng theo quy định của Pháp luật về phá sản.

 

Theo Ngân hàng Nhà nước, từ năm 1990 đến năm 1996 Ngân hàng Nhà nước đã cấp giấy phép hoạt động cho 20 ngân hàng thương mại cổ phần nông thôn, trong đó 10 ngân hàng được thành lập trên cơ sở điều chỉnh từ các hợp tác xã tín dụng, 10 ngân hàng được cấp giấy phép thành lập mới.

 

Trong những năm gần đây, đã có một số ngân hàng thương mại cổ phần nông thôn thực hiện việc sáp nhập, hợp nhất; để các ngân hàng khác mua lại; chuyển thành ngân hàng thương mại cổ phần đô thị… nên đến nay chỉ còn 7 ngân hàng thương mại cổ phần nông thôn đang hoạt động bình thường.

 

Tuy nhiên, hiện nay, các ngân hàng thương mại cổ phần còn nhiều hạn chế, đang phải đương đầu với nhiều thách thức như: nguồn vốn còn nhỏ bé, khả năng quản trị điều hành còn bất cập; hoạt động ngân hàng mới tập trung chủ yếu ở các dịch vụ truyền thống, chưa mang tính hiện đại hoá cao, công nghệ thông tin còn lạc hậu…

 

Những thách thức này còn lớn hơn đối với các ngân hàng thương mại cổ phần nông thôn, bởi vì đó là những tổ chức tín dụng với quy mô rất nhỏ, hoạt động trên những địa bàn có nhiều rủi ro hơn các ngân hàng khác.

 

Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, các ngân hàng thương mại cổ phần nông thôn cần được củng cố, chấn chỉnh và sắp xếp lại nhằm tăng khả năng cạnh tranh trong điều kiện mới, tránh rủi ro có thể tác động ảnh hướng tới hệ thống ngân hàng và nền kinh tế.

 

Theo Đông Hiếu

VietNamnet