Ngân hàng giải chấp không phải là lý do chứng khoán tụt dốc?

(Dân trí) - “Hoạt động giải chấp chỉ là kết quả tất yếu khi thị trường suy thoái chứ không phải là ngòi nổ của cuộc khủng hoảng trên TTCK hiện nay” - trên đây là quan điểm đáng chú ý của phòng phân tích CTCK SHS...

Trước hiện tượng tuột dốc mạnh của thị trường chứng khoán thời gian gần đây, nhiều quan điểm e ngại rằng nguyên nhân nhiều khả năng do các tổ chức tài chính đang bán cổ phiếu ra.

Cụ thể là các ngân hàng đang thực hiện giải chấp để thu vốn cho thanh khoản ngắn hạn. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến thị trường chứng khoán (TTCK) sụt giảm.

Tuy nhiên, theo nhận định chủ quan của Phòng phân tích Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS): Mặc dù hoạt động giải chấp cổ phiếu cầm cố của các ngân hàng thương mại (NHTM) có tác động nhất định vào quá trình đi xuống của thị trường nhưng đó không phải là nguyên nhân cơ bản.

“Hoạt động giải chấp chỉ là kết quả tất yếu khi thị trường suy thoái chứ không phải là ngòi nổ của cuộc khủng hoảng trên TTCK hiện nay” - nhóm phân tích SHS nói.

Thị trường chứng khoán suy thoái bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân sâu xa, trong đó phải kể đến nguyên nhân trực tiếp nhất là những bất ổn của nền kinh tế vĩ mô trong giai đoạn hiện nay và sau một giai đoạn tăng trưởng quá nóng (2005 - 2006).

Do đó, thị trường buộc phải bước vào một giai đoạn điều chỉnh giảm khi những kỳ vọng của nhà đầu tư về một nền kinh tế tăng trưởng nhanh và ổn định đã không được như mong đợi.

Bên cạnh đó, sự thiếu minh bạch về thông tin trên thị trường chứng khoán và sự quản lý điều hành nặng tính hành chính, thụ động của các cơ quan chức năng đã làm thị trường ngày càng trở nên tồi tệ, yếu tố “đầu cơ” đang trở nên phổ biến.

Trong những phiên giao dịch gần đây, TTCK đã gần như mất hẳn tính thanh khoản và tình trạng thị trường gần giống với những gì đã xảy ra từ tháng 6/2001 đến tháng 3/2002 khi Vn-Index tuột dốc không phanh từ trên 500 điểm xuống xấp xỉ 180 điểm.

Sau hơn 8 năm tồn tại, những yếu kém tồn tại trong việc quản lý và điều hành thị trường dường như vẫn chưa thay đổi. Việc các cơ quan chức năng gần như bất lực trong việc đưa ra những giải pháp mang tính kinh tế nhằm bình ổn thị trường đã làm cho phần lớn nhà đầu tư cá nhân dần mất hết lòng tin vào thị trường và bất lực nhìn nguồn vốn đầu tư không ngừng sụt giảm qua mỗi phiên giao dịch.

Theo các chuyên gia chứng khoán, góp phần vào sự bất ổn của TTCK Việt Nam còn phải kể đến vai trò của các NHTM. Việc các NHTM không có khả năng dự báo về thị trường, không có chiến lược kiểm soát và phòng ngừa rủi ro trong các nghiệp vụ cho vay cầm cố, Repo chứng khoán đã dẫn đến tình trạng nguồn vốn tín dụng (và kể cả các NHTM tham gia đầu tư trên thị trường) của các NHTM đổ vào thị trường ồ ạt trong những giai đoạn thị trường tăng trưởng nóng trước đây.

“Khi thị trường bước vào suy thoái, việc các NHTM giải chấp cổ phiếu để thu hồi vốn là việc làm đương nhiên phải có để đảm bảo an toàn vốn của chính các ngân hàng. Mặc dù đây không phải là yếu tố châm ngòi cho quá trình suy thoái nhưng quả thực việc các NHTM giải chấp đã làm cho quá trình khủng hoảng trên TTCK ngày càng tồi tệ hơn” - SHS nhấn mạnh.

Theo các công ty chứng khoán, điều đáng lo ngại hiện nay là chưa có một cơ quan chức năng nào thống kê được con số cụ thể về lượng tiền các NHTM cho vay đầu tư chứng khoán (gồm cả phần tự doanh của các ngân hàng) cần giải chấp và đang giải chấp để từ đó tìm các giải pháp tháo gỡ thích hợp.

Một khi bài toán giải chấp cổ phiếu cầm cố của các NHTM chưa có lời giải thì nó sẽ là nhân tố tác động tiêu cực lên tâm lý các nhà đầu tư cá nhân và tiếp tục đẩy họ lún sâu vào cơn lốc bán tháo, bất chấp các NHTM có đang thực hiện giải chấp thật hay không.

Xem thêm:

VAFI đề xuất bán 5% cổ phần cho NĐT nước ngoài mà không phải xin phép

An Hạ