Ngân hàng đẩy mạnh cho vay xuất khẩu
(Dân trí) - Khả năng thanh khoản của các ngân hàng thương mại được cải thiện cũng là lúc họ nới rộng hạn mức tín dụng, nhất là hạn mức cho vay xuất khẩu. Với hàng loạt ngân hàng công bố kế hoạch giải ngân, xu hướng này có nhiều khả năng tiếp diễn vào cuối năm.
Nhộn nhịp thị trường cho vay
Trong vòng 2 tháng gần đây, lãi suất liên ngân hàng đã giảm trông thấy ở hầu hết các kỳ hạn; cùng với đó là số dư tiền gửi bằng VND tại các tổ chức tín dụng liên tục tăng, tháng 7 tăng 1,47% và tháng 8 tiếp tục tăng thêm 1,14% so với những tháng trước đó.
Đây được xem là một trong những nguyên nhân chính khiến các ngân hàng thương mại có thể “mạnh tay” nới rộng hạn mức tín dụng, nhất là nới rộng cho vay xuất khẩu. Hiện trên thị trường đã có khoảng 4 ngân hàng gia tăng hạn mức cho vay xuất khẩu.
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) bổ sung 3.000 tỷ đồng cho vay thu mua, chế biến, xuất khẩu cà phê. Ngân hàng Á Châu (ACB) triển khai kế hoạch cho vay 5.000 tỷ đồng dành cho đối tượng là các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể và các cá nhân nhằm phục vụ cho những nhu cầu như: vay phục vụ tăng trưởng xuất khẩu đối với tất cả các ngành nghề, vay hỗ trợ nhập khẩu đối với các mặt hàng...
Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cũng đã có kế hoạch tăng thêm 3.000 tỷ đồng cho chương trình tài trợ xuất khẩu từ cuối tháng 9 này, sau khi đã giải ngân 2.000 tỷ đồng trong hai tháng trước đó (riêng tài trợ xuất khẩu).
Đồng thời, ngân hàng này cũng giảm lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp xuất khẩu chiết khấu bộ chứng từ bằng USD lãi suất cho vay giảm từ 8,4%/năm xuống còn 6,6%/năm.
Cùng với việc gia tăng hạn mức tín dụng cho doanh nghiệp xuất khẩu, các ngân hàng cũng hạ dần lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp này, với lãi suất ưu đãi khoảng 19% - 20%/năm.
Đặc biệt, trong cuối tháng 9 này, Ngân hàng Quốc tế (VIB Bank) bắt đầu triển khai chương trình cho vay vốn xuất khẩu bằng VND theo lãi suất USD giúp các doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn ngân hàng với lãi suất vào khoảng 8,5%/năm, một mức lãi suất ưu đãi cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
Theo chương trình này, VIB Bank sẽ tài trợ vốn bằng VND trước khi giao hàng cho các doanh nghiệp xuất khẩu ngay khi có hợp đồng xuất hoặc L/C xuất với tỷ lệ tài trợ vốn lên đến 95% trị giá L/C hoặc 90% trị giá hợp đồng.
Từ những tín hiệu tích cực của nền kinh tế trong những tháng gần đây, các biện pháp kiềm chế lạm pháp của Chính phủ đã có những hiệu quả nhất định.
Lãi suất huy động và cho vay của các ngân hàng đang có xu hướng giảm, tỷ giá ngoại tệ ổn định, nguồn vốn đầu tư nước ngoài tăng… là những yếu tố tích cực để các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh phục vụ cho nhu cầu tăng trưởng xuất khẩu và nhu cầu tăng cao của thị trường vào thời điểm cuối năm.
Xu hướng tất yếu
Cùng với những yếu tố trên, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng hệ thống ngân hàng trong 2 tháng 7 và 8 chỉ là 0,7% và 0,79%, cho thấy xu hướng giải ngân trong lĩnh vực xuất khẩu, hạ lãi suất cho vay ưu đãi… sẽ còn tiếp diễn trong những tháng cuối năm.
Còn nhớ, trong nửa đầu của năm 2008, tính thanh khoản của các ngân hàng gặp khó khăn, nhiều đơn vị chỉ cho vay khoảng 30% nhu cầu vốn của các doanh nghiệp.
Đã có không ít doanh nghiệp xuất khẩu phải thu hẹp hoạt động sản xuất, kinh doanh, thậm chí huỷ bỏ, không nhận thêm các hợp đồng xuất hàng do không đủ vốn, khi hầu hết các ngân hàng đều thu hẹp, không cho vay khách hàng mới, xem xét rất kỹ việc cho vay đối với các khách hàng cũ.
Và với quyết định gia tăng hạn mức cho vay khách hàng xuất khẩu của hàng loạt các ngân hàng như Agribank, ACB, Eximbank, VIB Bank đã hỗ trợ rất lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam tăng cường khả năng sản xuất kinh doanh, tăng dần tỷ trọng xuất khẩu của nền kinh tế.
Đặc biệt, trong bối cảnh khủng hoảng tài chính tại Mỹ đang lan rộng, nhiều chuyên gia dự báo, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng nhất.
Theo TS. Lê Đăng Doanh, Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm tỷ trọng khoảng 23 - 25%. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu may mặc, giày da, cá ba sa và cà phê vào nước này cần thích nghi với những thay đổi có thể xảy ra.
Như vậy, hành động giải ngân hiện nay của hệ thống ngân hàng được xem là kịp thời, không chỉ với các đối tượng vay vốn, mà còn vì chính bản thân ngân hàng.
Bởi nguồn thu chính của các ngân hàng thương mại hiện vẫn từ tín dụng (chiếm từ 70 - 90%), với tốc độ tăng trưởng của 2 tháng 7 và 8 ở mức thấp như đã nêu, thì mục tiêu lợi nhuận của nhiều thành viên khó đạt được như kế hoạch đề ra, nếu như không có các biện pháp xoay chuyển kịp thời.
Nguyễn Hiền