Ngân hàng chưa mặn mà với Nghị định 17?

(Dân trí) - Trong khi nhiều doanh nghiệp nhà đất xem Nghị định 17 của Chính phủ là con “tàu” phá băng đối với thị trường bất động sản thì các ngân hàng lại tỏ ra rất thận trọng...Tại sao lại có hiện tượng như vậy?

Bên cạnh nguồn vốn cá nhân tham gia vào thị trường bất động sản, ngân hàng là nguồn cung cấp vốn đáng kể cho các chủ đầu tư nhà cửa hoặc đất đai. Nghị định 17 được các chuyên gia đánh giá là sẽ đã khai thông sự tắc nghẽn ở các dự án khi cho phép mở rộng đầu ra cho các dự án bất động sản dù chỉ ở những vùng ngoại thành hoặc cho doanh nghiệp được chuyển nhượng với nhau.

Vì lẽ này mà rất đông doanh nghiệp bất động sản ủng hộ Nghị định 17. Dẫu vậy, trong khi các doanh nghiệp kinh doanh đất đai hăm hở chào đón qui định mới thì các ngân hàng lại tỏ ra rất thận trọng.

Ông Lê Đắc Sơn, Giám đốc Ngân hàng Ngoài quốc doanh VP Bank cho biết: ngân hàng này chưa nhận thấy cơ hội kinh doanh mới từ Nghị định 17 dù ông khẳng định đó là hướng mở cho thị trường bất động sản đang rất nguội trong thời gian gần đây.

"Tham gia vào thị trường bất động sản là hoạt động có nhiều rủi ro, vì vậy chúng tôi luôn thận trọng đối với lĩnh vực này nhất là những dự án có tính chất qui mô”, ông Sơn nhận định.

Theo ông, VP Bank chỉ tập trung vào việc cho vay cá nhân mua nhà, bất động sản, cho vay trả góp hoặc tham gia các dự án xây dựng như căn hộ cao cấp, nhà cho thuê...chứ không tham gia các dự án lớn trong thời gian dài theo kiểu khu căn hộ, chung cư hoặc phân lô bán nền..., những dự án đòi hỏi vốn lớn thời gian vòng quay vốn chậm.

Sở dĩ VP Bank chọn con đường kinh doanh an toàn như thế đối với hoạt động tín dụng của ngân hàng là vì ông Sơn cho rằng các khoản vay ngắn hạn của ngân hàng không bảo đảm các khoản tín dụng trung và dài hạn của dự án bất động sản.

Cũng cùng thái độ thận trọng như VP Bank, Ngân hàng Đông Á (EAB) cho biết ngân hàng vẫn chưa có ý định tham gia “phá băng” bất động sản với Nghị định 17.

Ông Nguyễn Hữu Chính, Phó tổng giám đốc EAB cho biết ông không nghi ngờ khả năng làm tan băng của qui định mới nhưng ông lại khẳng định ngân hàng chưa có chủ trương tham gia cho vay nhiều đối với những dự án đất đai hay nhà cửa, có chăng là việc cho vay mua nhà trả góp vốn lâu nay ngân hàng vẫn kinh doanh vì tạo được sự an toàn trong đầu tư.

“Ngoài ra, thị trường đầu tư ở Việt Nam đã rất rộng hơn trước như cổ phiếu, trái phiếu, vàng... và cũng hấp dẫn không riêng gì thị trường bất động sản”, ông Chính khẳng định.

Không thể dùng vốn ngắn hạn cho những dự án dài hạn và chính vì điều này mà theo ông Trần Ngọc Minh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM cho rằng sẽ không có nhiều ngân hàng tham gia vào thị trường bất động sản, cho dù đã có “tàu phá băng”.

Theo ông Minh, các ngân hàng thương mại trên địa bàn TPHCM tham gia cho vay bất động sản khá nhiều từ trước đến nay và chiếm đến 14-15% tổng dự nợ vốn vay trên địa bàn. Cho vay bất động sản là hoạt động bình thường của ngân hàng song điều bất thường là các khoản vay này lại xuất phát từ vốn ngắn hạn. Ông Minh cho biết có đến 20-40% trường hợp cho vay sử dụng nguồn vốn ngắn hạn.

Được biết trong một cuộc họp hồi đầu năm, các nhà lãnh đạo của các ngân hàng hoạt động trên địa bàn TPHCM đã từng “rủ” nhau nói “không” với thị trường bất động sản với dự án dài hạn vì tính nguy hiểm của nó. Nghị định 17 lại tập trung giải quyết khó khăn cho những dự án này nhưng điều đó không làm cho các ngân hàng hăm hở như các công ty kinh doanh.

Minh Tuấn