Ngân hàng cho vay "người nhà": Rủi ro chồng chất

(Dân trí) - IMF cho rằng, các vấn đề của ngành ngân hàng sẽ không thể được giải quyết triệt để nếu không giải quyết vấn đề của các DNNN, nhất là tại những DN liên quan tới hoạt động BĐS. Điều đó sẽ khiến mức nợ xấu còn có thể tiếp tục tăng thêm so hiện nay.

Góp phần tham luận tại Hội nghị tư CG 2012, ông Sanjay Kalra, đại diện thường trú của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam đánh giá, trong những năm vừa qua và trước khi xảy ra việc suy giảm kinh tế gần đây, nền kinh tế của Việt Nam đã tăng trưởng với tốc độ không bền vững về dài hạn, và những yếu tố dễ tổn thương đã tích tụ dần trong quá trình phát triển đó.

Theo đó, những yếu tố dễ tổn thương này cũng như những hạn chế về cơ cấu đã làm giảm viễn cảnh tăng trưởng trong dài hạn của Việt Nam. Nhiệm vụ của Việt Nam trong và sau năm 2013 là phải giải quyết được những thách thức đầy khó khăn này.

Đặt vấn đề với câu hỏi, "Liệu tình hình kinh tế Việt Nam cuối năm 2012 có khá hơn so với cùng kỳ 2011 hay không?", ông Sanjay Kalra cho rằng, về nhiều mặt, câu trả lời là "có". Cụ thể, lạm phát đã giảm mạnh xuống một con số từ mức trên 20% hồi tháng 8/2011, tỷ giá ổn định, có thặng dư thương mại...

Hoạt động tái cơ cấu tại ngành ngân hàng Việt Nam đang gặp khó vì DNNN và lĩnh vực bất động sản
Hoạt động tái cơ cấu tại ngành ngân hàng Việt Nam đang gặp khó vì DNNN và lĩnh vực bất động sản
(CG cuối kỳ 2012 - ảnh: BD).


Tuy nhiên, đề cập đến ngành ngân hàng của Việt Nam, đại diện IMF đánh giá, những yếu kém và thiếu minh bạch đã ảnh hưởng xấu đến sự ổn định và sẽ tiếp tục cản trở sự tăng trưởng. Tiếp theo sự bùng nổ tăng trưởng tín dụng và cho vay "người nhà" đối với các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), hệ thống ngân hàng hiện nay đang lâm vào tình trạng chất lượng tài sản kém, dự phòng không đủ và độ an toàn vốn không cao.

Ông Kalra lưu ý rằng, do sự bất nhất về số liệu công bố nên thị trường đang có những đánh giá khác nhau và không chắc chắn về mức độ nợ xấu thực sự. Trong khi các ngân hàng thương mại báo cáo tỉ lệ nợ xấu chỉ ở mức khoảng 4% thì ước tính của NHNN lại lên tới 8%. Trong đó, nợ xấu đang tập trung ở DNNN, đặc biệt là những doanh nghiệp có "dính" đến lĩnh vực bất động sản.

Theo IMF, các vấn đề của ngành ngân hàng sẽ không thể được giải quyết triệt để nếu không giải quyết vấn đề của các DNNN, là bên đi vay. Mà bước đầu của tiến trình tái cơ cấu, ông Kalra cho rằng, cần phải công khai tình trạng tài chính thực sự của các doanh nghiệp thuộc khu vực này, bao gồm báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và bảng cân đối sau kiểm toán.

Liên quan đến bất động sản, theo IMF, mặc dù giá đã giảm khoảng 30-50% so với mức đỉnh điểm tại một số khu đô thị, thị trường này vẫn trong tình trạng dư thừa nguồn cung và phải mất nhiều năm mới cân bằng lại được.

Mối quan hệ dích dắc này làm khó thêm tiến trình tái cơ cấu của Việt Nam. "Với triển vọng tăng trưởng yếu ớt và sự cần thiết của cải cách và củng cố ngành ngân hàng đến năm 2015, mức nợ xấu còn có thể tiếp tục tăng thêm nữa" - đại diện IMF cảnh báo, mặc dù trước đó, phía Chính phủ Việt Nam, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã tuyên bố, đến trước cuối năm 2012 sẽ đưa tỷ lệ nợ xấu về còn dưới mức 3%.

Buộc các cổ đông hiện hữu chấp nhận lỗ trước khi bơm vốn

Cũng theo ông Kalra, mặc dù đã có những đề xuất cải cách, việc sáp nhập các ngân hàng yếu kém từ cuối năm 2011 và đầu năm 2012, nhiều cuộc thảo luận đã bàn về ý tưởng thành lập công ty quản lý tài sản để xử lý nợ, tuy nhiên, kế hoạch thực hiện còn chậm.

IMF cho rằng, một đề án tái cơ cấu mang tính thực tế phải dựa trên các cuộc thanh tra tại chỗ một cách thấu đáo. Điều này cần thiết để làm rõ mức độ thiệt hại và yêu cầu tái cấp vốn cho các ngân hàng.

Đồng thời, tổ chức này lưu ý, đề án phải có sự phân biệt giữa các ngân hàng không có khả năng thanh toán với các ngân hàng không có khả năng thanh khoản. Cần phải buộc các cổ đông hiện hữu chấp nhận lỗ trước khi được bơm thêm vốn, và phải giải quyết được các khoản nợ xấu.

Tiếp tục trì hoãn tiến trình cải cách ngân hàng sẽ có thể làm tăng các khoản nợ dự phòng cho Chính phủ và đặt ra rủi ro cho tính bền vững của nợ công, IMF cảnh báo.

Do ngành ngân hàng đến nay vẫn chiếm phần lớn khu vực tài chính của Việt Nam, nên Chính phủ và các đối tác tài trợ sẽ chú ý nhiều hơn đến ngành này, Song, theo ông Kalra, cũng cần phải chú ý đến các ngành khác như bảo hiểm hay thị trường chứng khoán.

Bích Diệp