Ngân hàng chật vật rao bán nợ, đại hạ giá không ai mua
(Dân trí) - Các ngân hàng đang dồn dập rao bán nợ, nhiều món nợ đại hạ giá vẫn không ai mua trong bối cảnh nợ xấu tăng cao do tác động của dịch Covid-19.
Ngân hàng chật vật rao bán nợ "khủng"
Hôm nay (8/10), VietinBank Bắc Hà Nội thông báo bán đấu giá khoản nợ lần 7 của Công ty TNHH Kinh doanh Thương mại và Xuất nhập khẩu Cát Tường để xử lý, thu hồi nợ vay. Giá khởi điểm lần 7 là hơn 27,7 tỷ đồng, không bao gồm các chi phí liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu/sử dụng tài sản, phí đăng ký và các chi phí khác (nếu có) khi thực hiện mua khoản nợ, các chi phí này do người trúng đấu giá chịu. Việc mua, bán khoản nợ không thuộc đối tượng chịu thuế VAT.
Mức giá khởi điểm chào bán lần này giảm 2,3 tỷ đồng so với lần rao bán thứ 6 (30 tỷ đồng) chỉ chưa đầy 10 ngày. Trong đó, dư nợ của Công ty TNHH Kinh doanh Thương mại và Xuất nhập khẩu Cát Tường tại VietinBank Bắc Hà Nội tính đến ngày 15/6 trên 50,8 tỷ đồng (trong đó dư nợ gốc hơn 19,7 tỷ đồng; lãi cộng dồn trên 22,5 tỷ đồng và lãi phạt cộng dồn trên 8,4 tỷ đồng).
Theo thông tin từ ngân hàng, tài sản bảo đảm cho khoản nợ này gồm nhà xưởng và toàn bộ các công trình xây dựng, các tài sản khác gắn liền trên đất, hình thức sử dụng riêng, đất cơ sở sản xuất kinh doanh, thời hạn sử dụng đến ngày 27/9/2060.
Nợ xấu gia tăng, các ngân hàng dồn dập rao bán các tài sản bảo đảm với nhiều món nợ đại hạ giá nhưng chưa tìm được người mua. Như VietinBank tính từ đầu tháng 10 đến nay liên tiếp rao bán, đấu giá 9 món tài sản có giá trị lớn. Hay BIDV thông báo lần thứ 5 đấu giá khoản nợ của Công ty CP Tập đoàn Khải Vy. Giá khởi điểm trong lần đấu giá này là 693 tỷ đồng, giảm 61,8 tỷ đồng so với lần đấu giá thứ 4 vào cuối tháng 7 và giảm 342 tỷ đồng so với lần rao bán đầu tiên.
Trước đó, ngân hàng từng rao bán riêng Trung tâm hội nghị Crystal Palace với giá khởi điểm hơn 466 tỷ đồng, rồi hạ xuống 356 tỷ đồng nhưng không vẫn không thể bán. Tính đến 7/6, tổng dư nợ của Tập đoàn Khải Vy tại BIDV là 1.035 tỷ đồng, trong đó dư nợ gốc là 409 tỷ đồng, dư nợ lãi là hơn 626 tỷ đồng.
Bên cạnh khoản nợ trên, BIDV cũng rao bán một số các khoản nợ khác nhiều lần nhưng chưa thể thanh lý. Đơn cử ngân hàng này bán tài sản đảm bảo của Công ty CP Thúy Đạt 42 lần. Khoản nợ đảm bảo bao bằng dây chuyền in và nhiều máy móc thiết bị đi kèm, giá khởi điểm là 6,3 tỷ đồng.
Ngân hàng này cũng 6 lần bán nợ của Công ty TNHH May Thêu Hoàng Long với tài sản đảm bảo là dây chuyền in và nhiều máy móc thiết bị đi kèm.
Tương tự, Vietcombank cũng rao bán các món nợ đại hạ giá nhưng chưa tìm được người mua. Như việc rao bán lần thứ tư đối với lô đất 443 m2 tại số 91 Hồ Xuân Hương (quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng) và 77 máy điều hòa nhiệt độ với giá khởi điểm 74,3 tỷ đồng, giảm gần 30% so với giá rao bán lần đầu.
Nợ tiêu dùng vài triệu đồng dễ bán, dễ mua
Trong khi các món tài sản đảm bảo có giá trị lớn khó bán, ngân hàng đại hạ giá vẫn chưa có khách mua thì những món nợ tiêu dùng chỉ có giá trị vài trăm nghìn đồng lại đắt hàng. Giữa tháng 9, VietinBank thông báo công khai chào bán nợ vay tiêu dùng phục vụ đời sống để thu hồi.
Ngân hàng bán 264 món vay của khách hàng cá nhân với tổng giá trị gồm gốc, lãi, lãi phạt hơn 6,58 tỷ đồng. Khoản nợ có giá trị cao nhất gần 101 triệu đồng, nhỏ nhất là 483.000 đồng, phần lớn phổ biến từ 5-20 triệu đồng/khoản nợ, không có tài sản đảm bảo.
Ngân hàng này cũng bán riêng khoản nợ của cá nhân khác với tổng dư nợ gần 1,7 tỷ đồng, gồm 1,1 tỷ đồng dư nợ gốc và dư nợ lãi 364 triệu đồng, dư nợ quá hạn gần 163 triệu đồng. Tài sản bảo đảm bán đấu giá là toàn bộ quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền diện tích 164 m2 tại thôn Hương Mạc, xã Hương Mạc, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Giá khởi điểm bán đấu giá là 1,25 tỷ đồng.
Trước đó, vào thời điểm giữa năm, VietinBank cũng là ngân hàng gây chú ý khi là đơn vị đầu tiên rao bán công khai các món nợ cho vay tiêu dùng. Trao đổi với phóng viên Dân trí, đại diện VietinBank từng cho biết ngân hàng đã bán xong khoản nợ tiêu dùng phục vụ đời sống của các cá nhân đã rao.
"Một doanh nghiệp đã mua hết lô nợ này", đại diện VietinBank khẳng định và cho biết không thể tiết lộ về tên khách hàng.
"Theo điều khoản bảo mật, khách hàng đó yêu cầu không tiết lộ danh tính ra ngoài. Tôi có thể khẳng định lô nợ đó đã bán hết, khách mua là một doanh nghiệp. Trên thực tế những món nợ mà chúng tôi vừa rao bán không lớn so với nhu cầu của họ", vị đại diện nói.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, lãnh đạo một ngân hàng cổ phần tư nhân tại Hà Nội thừa nhận ngân hàng này cũng đã từng bán các món nợ tiêu dùng nhưng không công bố.
"Việc các ngân hàng rao bán nợ cho vay tiêu dùng không còn hiếm, bởi nhiều món nợ khi trở thành nợ xấu, chúng tôi buộc phải bán cho các đơn vị đòi nợ thuê hoặc các công ty tài chính cho vay tiêu dùng. Đó là lý do một ngày đẹp trời nào đó bạn thấy một đơn vị không liên quan tới ngân hàng gọi điện đòi món nợ này, món nợ kia.
Không phải chúng tôi bán thông tin, dữ liệu cá nhân của bạn đâu, mà có thể bạn xài thẻ tín dụng và nợ tiền, rồi món nợ thành quá hạn, thành nợ xấu và bị ngân hàng bán đi", vị lãnh đạo này ví von.