DNews

Ngân hàng bóng mờ, "bong bóng" tài chính Trung Quốc?

Phương Liên

(Dân trí) - Rất nhiều nhà đầu tư bị mất trắng các khoản mà họ đã dành dụm khi đầu tư vào ngân hàng bóng mờ. Tiềm ẩn đầy rủi ro, liệu ngân hàng bóng mờ có trở thành "bong bóng" tài chính của Trung Quốc?

Ngân hàng bóng mờ, "bong bóng" tài chính Trung Quốc?

Ngân hàng bóng mờ (shadow banking) là gì?

Trong số ChatToday ngày 1/3, chuyên gia Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế và chiến lược Trung Quốc, đã đi sâu phân tích câu chuyện về ngân hàng bóng mờ tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Theo chuyên gia, ngân hàng bóng mờ (shadow banking) là thuật ngữ được sử dụng để chỉ các định chế tài chính phi ngân hàng. Tuy nhiên, những tổ chức này cũng thực hiện các nghiệp vụ huy động tiền và cho vay như các ngân hàng.

Đáng chú ý, hệ thống các định chế tài chính phi ngân hàng này hoạt động song song với các ngân hàng truyền thống nhưng tài sản của họ cũng không được coi là các khoản tiền gửi hoặc là các khoản cho vay.

Mặc dù vậy, ngân thành bóng mờ vẫn là một hệ thống chính thức và hợp pháp. Điểm khác biệt là các tài sản hoặc dòng tiền trong hệ thống này sẽ không được ghi vào bảng cân đối kế toán của hệ thống ngân hàng. Do đó, nó thường nó sẽ nằm ngoài khả năng quan sát hoặc là điều tiết của các Ngân hàng Trung ương ở trên thế giới.

Ngân hàng bóng mờ, bong bóng tài chính Trung Quốc? - 1

Chuyên gia Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế và chiến lược Trung Quốc (Ảnh: Phạm Tiến).

Sản phẩm chính của các ngân hàng này là các sản phẩm quản lý tài sản (WMP). Các sản phẩm này có thể được phân bổ theo nhiều hình thức phong phú như mua trái phiếu, các loại bảo hiểm, các gói đầu tư từ các khoản ủy thác, cho vay...

Các khoản này thường sẽ do một công ty đứng ra huy động từ những người có dòng tiền nhàn rỗi với một mức lãi suất hoặc lợi nhuận cao hơn lãi suất ngân hàng. Họ sẽ chịu trách nhiệm về đảm bảo pháp lý đối với các tài sản họ đã thiết kế ra để huy động nguồn tiền vào.

Các ngân hàng bóng mờ sau khi huy động tiền thường sẽ sử dụng để mua trái phiếu hoặc là cho vay liên ngân hàng để nhận được mức chênh lệch về lãi suất. Tuy nhiên, từ góc độ cho vay, các tài sản này không chảy vào các ngân hàng nên không được coi là một khoản cho vay truyền thống.

Bên cạnh đó, các ngân hàng này cũng đầu tư vào các lĩnh vực có lợi nhuận hoặc mức độ rủi ro cao như bất động sản, công nghệ, chứng khoán… để thu về các khoản lợi nhuận lớn. Phần còn lại, ngân hàng bóng mờ có thể là làm trung gian đại diện cho các doanh nghiệp cần vay vốn lẫn nhau mà không muốn qua hệ thống ngân hàng.

Tại Trung Quốc, các sản phẩm về tín thác vẫn là hoạt động đem lại nguồn thu cũng như là chiếm quy mô lớn nhất trong tổng số tài sản mà các ngân hàng bóng mờ đang quản lý. Tính đến cuối năm 2023, quy mô của hệ thống ngân hàng này lên tới 3.000 tỷ USD.

Phát triển "thần tốc"

Chuyên gia Phạm Sỹ Thành cho biết thực tế ngân hàng bóng mờ tại Trung Quốc có lịch sử phát triển không quá dài. Loại hình này bùng nổ mạnh nhất từ sau năm 2008. Thời điểm đó, khủng hoảng tài chính tiền tệ ở Mỹ đã tạo ra một cú sốc đối với rất nhiều thị trường tài chính trên thế giới.

Cuộc khủng hoảng năm 2008 cũng tạo ra lo ngại về suy giảm và suy thoái kinh tế. Khi ấy, Chính phủ Trung Quốc đã có gói kích thích kinh tế quy mô rất lớn lên đến gần 600 tỷ USD.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng khuyến khích các loại hình tài chính phi ngân hàng cùng tham gia vào quá trình huy động và cho vay vốn để thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế. Vì thế, các thông tư và chỉ thị từ Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cũng đã tạo ra cơ hội và khuôn khổ pháp lý để hệ thống này phát triển.

Ngân hàng bóng mờ, bong bóng tài chính Trung Quốc? - 2

Trụ sở của ZhongZhi, một trong những ngân hàng bóng mờ lớn nhất Trung Quốc (Ảnh: SCMP).

Điều này cũng góp phần giúp loại hình tài chính này phát triển thần tốc những năm sau đó. Trong những năm 2008-2016, mỗi năm hệ thống này phát triển với tốc độ lên đến 40%/năm. Và chỉ trong vòng một vài năm, tỉ lệ cho vay ngoài hệ thống của các định chế đã tăng từ 5% lên 25% tổng dư nợ cho vay của toàn hệ thống

Tuy nhiên, ngân hàng  nằm ngoài khả năng quan sát dòng tiền của ngân hàng trung ương nên không có thống kê chính thức về quy mô. Năm 2016, Goldman Sachs đã ước tính con số này khoảng 9.000 tỷ USD, tương đương khoảng 62% GDP của Trung Quốc.

Rủi ro mất trắng

Có nhiều nguyên nhân khiến các nhà chức trách Trung Quốc cảm thấy lo ngại khi hệ thống ngân hàng bóng mờ phát triển quá bùng nổ.

Ngân hàng bóng mờ thường tuyên bố với nhà đầu tư là họ hợp tác với các ngân hàng nhà nước hoặc hợp tác với các tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước. Điều này khiến một thông điệp ngầm được tạo ra là các ngân hàng bóng mờ được đảm bảo rất chắc chắn, tạo ra rủi ro đạo đức rất lớn ở ngay chính "trái tim" của hệ thống tài chính tiền tệ Trung Quốc.

Về mặt kỹ thuật, các sản phẩm này thường có thời hạn rất ngắn chỉ khoảng 3-6 tháng, đi kèm với lãi suất cao và hấp dẫn, cao hơn 4-5 điểm % so với lãi suất huy động của ngân hàng thương mại.

Ngân hàng bóng mờ, bong bóng tài chính Trung Quốc? - 3

Bất chấp các rủi ro tiềm ẩn, các nhà đầu tư vẫn sẵn sàng đổ tiền vào các ngân hàng bóng mờ (Ảnh: Business Today)

Đối với bên cho vay là người mua các sản phẩm quản lý tài sản sẽ tiềm ẩn rủi ro rất lớn. Chỉ có 9 % số hợp đồng mua các sản phẩm quản lý tài sản là được đảm bảo rằng là sẽ thanh toán đủ gốc và lãi. 70% không có cam kết thanh toán gốc hoặc lãi, số còn lại là không được đảm bảo thanh toán cả gốc lẫn lãi.

Chính vì vậy, 80-90% số người tham gia vào các hoạt động mua bán các sản phẩm quản lý tài sản cá nhân này không được đảm bảo về khả năng thanh toán lãi và gốc.

Bất chấp nhiều rủi ro tiềm ẩn, các nhà đầu tư vẫn sẵn sàng đổ tiền vào các ngân hàng bóng mờ vì họ tin rằng Trung Quốc sẽ không để những định chế như vậy rơi vào khủng hoảng hoặc phá sản.

"Có những người dành dụm vài triệu nhân dân tệ hoặc thậm chí mang toàn bộ tài sản của mình để đầu tư vào những ngân hàng bóng mờ với mong muốn tìm mức lãi suất cao hơn. Trong bối cảnh thị trường không khởi sắc, nhà đầu tư cũng không đủ tiền để đầu tư vào các lĩnh vực khác", ông Thành chia sẻ.

Trong vụ phá sản của Zhongzhi gần đây, phần lớn các nhà đầu tư là không thể thu hồi được tiền gốc và tiền lãi của mình. Ngân hàng bóng mờ là hệ thống tài chính nằm ngoài hệ thống ngân hàng truyền thống nên nhà đầu tư cũng không được hưởng bảo hiểm tiền gửi từ phía nhà chức trách.

"Rất nhiều trường hợp các nhà đầu tư bị mất trắng các khoản mà họ đã dành dụm hoặc họ chỉ nhận lại được một phần rất nhỏ và những lời hứa trên giấy tờ thôi", chuyên gia nhấn mạnh.

Liệu có trở thành "bong bóng" tài chính?

Chuyên gia Phạm Sỹ Thành đánh giá rằng đặc thù của hệ thống ngân hàng bóng mờ tại Trung Quốc hiện nay tương đối khác so với những thị trường tài chính đang phát triển trên thế giới

Thông thường, ngân hàng bóng mờ là hệ thống các định chế tài chính phi ngân hàng và tồn tại song song trong thị trường vốn cùng với hệ thống ngân hàng truyền thống. Tuy nhiên, tại Trung Quốc các ngân hàng bóng mờ hiện nay nó vẫn là "cánh tay nối dài" của các ngân hàng truyền thống.

Chuyên gia cho rằng điều này bắt nguồn từ nguyên tắc đặc thù là ngân hàng truyền thống của Trung Quốc bị giới hạn bởi những quy định rất ngặt nghèo về các tiêu chuẩn cho vay cũng như là về các mức về mức lãi suất huy động hoặc cho vay.

Chính vì vậy, dù nhu cầu cho vay vẫn còn nhưng vì các quy định về kiểm soát và quản lý nên họ không thể đưa nguồn tiền nhàn rỗi đến những khách hàng thực cần.

Vậy nên, các ngân hàng truyền thống thường hợp tác với các công ty ủy thác, công ty tín thác hoặc các ngân hàng bóng mờ để trở thành một phần trong thị trường cho vay rất năng động này. Tính đến năm 2015, 2/3 tài sản của các ngân hàng bóng mờ là tài sản có liên quan đến các ngân hàng truyền thống.

Ngân hàng bóng mờ, bong bóng tài chính Trung Quốc? - 4

Chuyên gia cho rằng sự bùng nổ của các ngân hàng bóng mờ Trung Quốc là hiển nhiên (Ảnh: Phạm Tiến).

Tuy nhiên, chuyên gia cũng cho rằng sự bùng nổ của các ngân hàng bóng mờ Trung Quốc là hiển nhiên vì đáp ứng đúng điểm nghẽn của thị trường vốn Trung Quốc. Tại thị trường này, nhu cầu tiếp cận vốn rất lớn trong khi các điều kiện và hạn ngạch tiếp cận thì rất khó.

Chính vì vậy, các ngân hàng bóng mờ như một kênh huy động vốn rất quan trọng giúp đưa dòng tiền nhàn rỗi từ trong xã hội đi đến các nơi cần.

Qua đó, những lĩnh vực được hưởng lợi lớn không chỉ có các lĩnh vực rủi ro như bất động sản hay công nghệ. Những lĩnh vực như công nghiệp hay thương mại cũng được hưởng lợi.

Đặc biệt, chính quyền địa phương cũng huy động được rất nhiều vốn phát triển thông qua các kênh của ngân hàng bóng mờ.

Chính vì vậy, ngân hàng bóng mờ cũng là một kênh mà giúp luồng "máu" giúp nền kinh tế vận hành được trơn tru và đáp ứng được nhiều hơn nhu cầu thực tế mà hoạt động sản xuất và đầu tư trong xã hội cần thiết.