Nepal có thể thiệt hại 5 tỷ USD vì động đất

(Dân trí) - Theo một số dự báo, thiệt hại kinh tế mà trận động đất mạnh 7,8 độ richter gây ra đối với Nepal có thể vượt mức 5 tỷ USD, tương đương 20% GDP của nước này.

Trận động đất lịch sử đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản cho Nepal - Ảnh: Reuters.
Trận động đất lịch sử đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản cho Nepal - Ảnh: Reuters.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
 
Tính đến đầu giờ chiều nay (27/4), số người bị chết trong vụ động đất xảy ra ngày 25/4 ở Nepal đã lên gần 3.220 người và được cảnh báo sẽ còn tiếp tục tăng lên. Ngoài ra, nhà chức trách Nepal đã xác định được số người bị thương là 6.500 người.

“Cùng với con số thương vong vì động đất ở Nepal đang gia tăng nhanh chóng, ảnh hưởng kinh tế cua thảm họa đối với nước này cũng rất nghiêm trọng”, chuyên gia kinh tế trưởng phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương của IHS Rajiv Biswas nhận định trong một báo cáo được hãng tin CNBC trích dẫn.

“Nếu sử dụng các tiêu chuẩn xây dựng phù hợp cho các vùng dễ chịu ảnh hưởng bởi động đất nghiêm trọng, tổng chi phí tái thiết dài hạn ở Nepal có thể vượt mức 5 tỷ USD”, ông Biswas viết.

Trận động đất có cường độ 7,8 độ richter đã tấn công vào khu vực nằm giữa thủ đô Kathmandu và thành phố Pokhara của Nepal vào giữa ngày thứ Bảy, khiến nhà cửa và các công trình văn hóa có lịch sử hàng thế kỷ đồng loạt đổ sập, các con đường nứt vỡ, và cơ sở hạ tầng viễn thông bị phá hủy.

“Tiêu chuẩn xây dựng ở Nepal hiện nay rất thấp. Đó là lý do vì sao thiệt hại đối với các tòa nhà trong trận động đất này đặc biệt nghiêm trọng”, chuyên gia Biswas nhấn mạnh.

Theo ông Biswas, là một nước nghèo, Nepal không có đủ khả năng tự đáp ứng tài chính cho hoạt động cứu trợ hậu thảm họa và các nỗ lực tái thiết trong dài hạn.

Số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, GDP bình quân đầu người của Nepal đứng ở mức 694 USD vào năm 2013, so với mức tương ứng 1.497 USD và 6.807 USD của hai nước láng giềng Ấn Độ và Trung Quốc.

“Việc cứu trợ và tái thiết dài hạn dành cho Nepal sẽ cần tới sự hỗ trợ song phương của các nước tài trợ và các tổ chức phát triển theo sự điều phối của các tổ chức đa phương như Liên hiệp quốc”, ông Biswas khuyến cáo.

Các quốc gia và tổ chức cứu trợ đang nhanh chóng cử nhân sự tìm kiếm cứu hộ và gửi trang thiết bị, hàng tiếp tế cần thiết tới Kathmandu. Trong đó, Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan và Mỹ là những quốc gia dẫn đầu các nỗ lực hỗ trợ cho Nepal. Tuy vậy, hoạt động tìm kiếm cứu hộ đang bị cản trở bởi hàng loạt đợt dư chấn và điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Hệ thống đường sá bị phá hủy nghiêm trọng cũng là một thách thức lớn đối với các nhân viên cứu trợ.

“Người của chúng tôi lái xe đi tới mức xa nhất có thể, rồi sau đó họ đi bộ hết quãng đường còn lại. Một số nhóm có thể mất 6, 7, hoặc 8 giờ mới tới được khu vực cần tới”, ông Mark Smith - Giám đốc phụ trách các vấn đề khẩn cấp thuộc tổ chức World Vision nói với CNBC.

Theo hãng tin Reuters, rất đông người Nepal xếp hàng dài ở sân bay Kathmandu hôm nay để tìm cách bay ra khỏi đất nước. Nhiều người nó họ đã ở ngoài trời suốt từ khi động đất xảy ra vào hôm thứ Bảy vì nhà cửa của họ đã đổ sập và các đợt dư chấn liên tiếp khiến họ càng thêm lo sợ.

Ông Sanjay Karki, Giám đốc của tổ chức nhân đạo Mercy Corps tại Nepal, nhấn mạnh sự cần thiết phải hỗ trợ y tế cho nước này. “Các bệnh viện đã quá tại. Các bệnh nhân đang phải nằm la liệt bên ngoài. Tình trạng thiếu thuốc sẽ sớm xuất hiện”, ông Karki nói.

Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Nepal chỉ có 2,1 bác sỹ và 50 giường bệnh trên mỗi 10.000 người dân.

Phương Anh
Theo CNBC
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”