Nền kinh tế của Triều Tiên đang trải qua cuộc suy giảm nghiêm trọng nhất trong 21 năm
(Dân trí) - Nền kinh tế của Triều Tiên đã suy giảm 4,1% trong năm 2018, cũng là năm suy giảm thứ hai liên tiếp và nhiều nhất trong 21 năm qua.
Nền kinh tế của Triều Tiên đã trải qua cuộc suy giảm nghiêm trọng nhất trong 21 năm gần đây vào năm ngoái, kể từ đỉnh điểm của nạn đói từ những năm 90 của thế kỉ XX, do các lệnh trừng phạt quốc tế khiến Kim Jong Un khó vực dậy nền kinh tế hơn, trong khi phải đồng thời phát triển vũ khí hạt nhân.
Tổng sản phẩm trong nước của Triều Tiên giảm 4,1% trong năm 2018, theo ước tính vừa công bố hôm nay của ngân hàng trung ương Hàn Quốc. Điều này đánh dấu mức giảm lớn nhất kể từ năm 1997, sau một loạt các đợt hạn hán, lũ lụt và các chính sách kinh tế bị đổ vỡ. Trong khi đó, GDP của quốc gia này đã giảm 3,5% trong năm 2017.
Triều Tiên không chính thức tiết lộ bất kỳ số liệu thống kê về nền kinh tế của mình. Ngân hàng trung ương Hàn Quốc đã công bố các ước tính của mình từ năm 1991, dựa trên thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm từ cả các cơ quan Thương mại Quốc tế
“Các biện pháp trừng phạt được bổ sung và tăng cường vào năm 2017 đã tác động nghiêm trọng tới nền kinh tế nước này, trong khi hạn hán đã làm tổn thương ngành nông nghiệp và làm giảm tới hơn 20% sản lượng” ông Park Yung-hwan, người đứng đầu Nhóm điều phối của Ngân hàng Hàn Quốc, nói với các phóng viên.
Thương mại quốc tế của Triều Tiên đã giảm 48,4% giá trị trong năm 2018, trong khi các lệnh trừng phạt quốc tế cứng rắn đã cắt giảm gần 90% xuất khẩu, đánh dấu mức tổn thất nặng nhất trong xuất khẩu kể từ khi ngân hàng Trung ương Hàn Quốc bắt đầu công bố dữ liệu vào gần 30 năm trước.
Sản lượng trong lĩnh vực khai thác giảm 17,8% do lệnh trừng phạt xuất khẩu than và khoáng sản
“Dân số Triều Tiên ước tính khoảng 25,13 triệu và thu nhập hàng năm trên đầu người ở mức 1.298 đô la vào năm 2018”, ngân hàng trung ương Hàn Quốc cho biết.
Hoa Kỳ và Hàn Quốc cho biết việc siết chặt các lệnh trừng phạt quốc tế đối với các chương trình tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân của Triều Tiên là công cụ quyết định trong các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa của Mỹ và quốc gia Bắc Hàn này.
Triều Tiên đã tìm kiếm các biện pháp để thoát khỏi các lệnh trừng phạt, nhưng đồng thời cũng khẳng định rằng nền chính trị của họ đã và sẽ không bị ảnh hưởng.
Kim Jong Un và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã gặp nhau ba lần kể từ tháng 6 năm ngoái.
Vào tháng Hai, hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai của họ đã sụp đổ sau khi họ không thể thu hẹp sự khác biệt giữa yêu cầu của Hoa Kỳ đối với phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bắc Hàn và yêu cầu của Triều Tiên về giảm lệnh trừng phạt.
Liên đoàn Y tế thế giới trong một thông báo cũng cho biết tỷ lệ suy dinh dưỡng và bệnh tật đang ngày càng gia tăng ở Triều Tiên khi nước này phải đối mặt với việc vụ thu hoạch năm nay chỉ đạt một nửa so với dự kiến.
James Belgrave, một quan chức của Chương trình Lương thực Thế giới U.N. đã đến thăm Triều Tiên vào tháng 4, cho biết gần đây đã có sự sụt giảm tới 20% trong sản lượng sản xuất lúa mì và lúa mạch của Triều Tiên do bị hạn hán sớm.
Theo các chuyên gia có trụ sở tại Hàn Quốc, Triều Tiên cũng đang thiếu hụt cơ sở hạ tầng nông nghiệp, kỹ thuật canh tác, phân bón và từ đó việc xảy ra các nạn đói lẻ tẻ là khá phổ biến.
Trong những năm 1990, một nạn đói trên toàn quốc gia này đã giết chết tới một triệu người.
Thùy Dung
Theo Reuters