1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Năm 2010: Vốn FDI thực hiện đạt 11 tỷ USD

(Dân trí) - Theo báo cáo của Cục đầu tư nước ngoài (Bộ KHĐT), vốn FDI thực hiện năm 2010 đạt 11 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2009. Trong bối cảnh khủng hoảng chưa thực sự phục hồi, điều này khẳng định Việt Nam tiếp tục là điểm hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.

Năm 2010: Vốn FDI thực hiện đạt 11 tỷ USD - 1
Việt Nam tiếp tục là điểm hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài
 
Trong số 11 tỷ USD nói trên, vốn thực hiện của các nhà đầu tư nước ngoài đạt khoảng 8 tỷ USD, tăng 9,5% so với năm 2009 và vượt mức dự kiến cho năm 2010.

Không những vậy, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp FDI cũng đạt được kết quả tích cực. Tổng giá trị xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI đạt 38,8 tỷ USD trong khi tổng kim ngạch nhập khẩu là 36,4 tỷ USD.

Qua đó cho thấy, con số xuất siêu nước ngoài đã đạt tới 2,35 tỷ USD, giúp cải thiện cán cân thương mại cũng như giảm áp lực nhập siêu cho nền kinh tế.

Năm 2010, công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn luôn là thế mạnh và là lĩnh vực thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài. Lĩnh vực này dẫn đầu về số lượt dự án đăng ký cấp mới và dự án đăng ký vốn đầu tư, với 385 dự án cấp mới, tổng vốn đầu tư đạt trên 4 tỷ USD và 199 dự án tăng vốn thêm là 1 tỷ USD.

Như vậy, tổng vốn đầu tư đăng ký mới và tăng thêm là 5,1 tỷ, chiếm 27,3% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đây là một tín hiệu tốt bởi lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo luôn tạo ra nhiều việc làm cho người lao động.

Tại buổi họp báo sáng 30/12, Thứ trưởng Bộ KHĐT Đặng Huy Đông cho biết, theo quan sát và số liệu cho thấy, đầu tư FDI đã chuyển dịch từ công nghệ thấp sang cao, và chúng ta đã xuất khẩu sản phẩm hàm lượng chất xám cao.

Không những vậy, dòng đầu tư dựa nhiều vào lao động rẻ bắt đầu chuyển sang nước khác vì giá trị lao động của ta tăng lên. Trả lời câu hỏi của báo chí về quan điểm trước việc cơ quan thuế đã phát hiện hiện tượng chuyển giá, ông Đông cho rằng đây là tình trạng có thực ở trên thế giới chứ không riêng gì Việt Nam.

Hiện tượng này xảy ra nhiều nhất ở những doanh nghiệp đa quốc gia, chuyển giá từ chỗ này sang chỗ khác để trốn tránh thuế. Việc này liên quan đến chính sách quản lý và trách nhiệm của nhà nước trong việc phát hiện và xử lý. Muốn vậy, bộ máy quản lý nhà nước cần phải chặt chẽ, hạn chế tối đa việc tạo ra kẻ hở để các doanh nghiệp lợi dụng.

Lan Hương