Mỹ và Nhật Bản quay lại mua tôm Việt Nam

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), từ cuối tháng 5 và đầu tháng 6 đến nay, nhiều nhà nhập khẩu tôm của Mỹ và Nhật đã quay trở lại mua tôm của Việt Nam.

Một số DN chế biến và xuất khẩu tôm Việt Nam cho biết, hiện số đơn hàng và khối lượng đặt mua tôm Việt Nam từ Nhật Bản và Mỹ đã tăng lên rõ rệt sau nhiều tháng mua vào một cách hạn chế do trở ngại chính là yêu cầu “ký quỹ” của Hải quan Mỹ. Đây là tín hiệu khởi sắc để ngành thuỷ sản đẩy nhanh tốc độ xuất khẩu vào những thị trường trọng điểm của Việt Nam, vốn đang bị sụt giảm trong thời gian gần đây.

Theo VASEP, trên thực tế, việc giảm nhập khẩu từ Việt Nam và một số nước khác trong một thời gian dài đã khiến lượng hàng tôm dự trữ nói chung, đặc biệt là tôm sú, của các nhà cung cấp Mỹ đã dần cạn kiệt. Trong khi đó, sản lượng tôm thu hoạch ở một số nước thường cung ứng cho thị trường Mỹ cũng bị sụt giảm khiến nhu cầu nhập khẩu tôm của thị trường Mỹ là có thực. Hơn nữa, vào thời điểm này, Mỹ cũng đang vào mùa tiêu thụ tôm.

Cơ cấu mặt hàng tôm mua vào đã đa dạng hơn, như tôm sú vỏ HLSO, tôm chín, tôm PD nguyên liệu... Nhiều DN đang tiếp tục xuất bán theo giá C&F. Giá tôm sú cỡ trung và lớn đã có cải thiện (cỡ 30/40 giá tăng gần 2%). Theo dự kiến, với xu hướng tăng nhập khẩu của thị trường Mỹ, sản lượng tôm thu hoạch trong vụ tới của nước ta (nhất là các cỡ lớn) có nhiều khả năng tiêu thụ tốt.

Trước các hoạt động mua bán tích cực hơn của thị trường Mỹ, thị trường Nhật cũng phần nào bị tác động. Tại thời điểm hiện nay, nhiều nhà nhập khẩu tôm của Nhật đã triển khai mua hàng với khối lượng tương đối. Ngoài sự kích thích từ thị trường Mỹ, nhu cầu nhập khẩu tôm của Nhật tăng còn do sản lượng tôm thu hoạch của một số nước Nam Á sẽ không cao như dự kiến.

Bên cạnh đó, thời gian này, các nhà cung cấp của Nhật đang phải chuẩn bị hàng cho mùa Lễ hội Ôbôn - một lễ hội lớn trong năm. Khối lượng tôm nguyên liệu blốc vào thị trường Nhật chưa đạt mức bình thường, nhưng khối lượng tôm giá trị gia tăng đã tăng đáng kể (30-40%). Giá tôm blốc không tăng hoặc chỉ tăng rất nhẹ, nhưng giá mặt hàng tôm giá trị gia tăng đã tăng khá hơn.

Tại EU, khối lượng tôm Việt Nam xuất sang thị trường này tiếp tục tăng. Điều đáng mừng là đã xuất hiện một số công ty mới nhập khẩu tôm Việt Nam. Dự kiến, EU sẽ tiếp tục đà tăng trưởng này với nhiều chủng loại hơn, như tôm nguyên con, tôm PD, tôm HLSO, tôm chín... Trước đây, Malaysia chuyên cung cấp tôm cho EU, song đến nay, họ lại chuyển mạnh sang thị trường Mỹ. Vì vậy, các nhà nhập khẩu tôm EU đã quay sang giao dịch với các nhà xuất khẩu tôm của Việt Nam.

Nhìn chung, xuất khẩu tôm của Việt Nam đang có nhiều tín hiệu tích cực. Song, VASEP nhận định, đây là một mặt hàng tương đối nhạy cảm. Số liệu tổng kết của hiệp hội cho thấy, với tôm sú cỡ lớn, từ dưới 20 đến 20 con/kg, giá tôm sẽ đảm bảo mang lại lợi nhuận cho người nuôi. Giá tôm cỡ nhỏ hơn còn thấp do cuối tháng 6 đầu tháng 7 tới, một số nước bước vào mùa thu hoạch, tôm cỡ trung và cỡ nhỏ sẽ chiếm sản lượng lớn.

Do vậy, các nhà chế biến và xuất khẩu tôm khuyến cáo các bà con ngư dân nên nuôi tôm với mật độ thưa hơn và thời gian dài hơn để tôm đạt cỡ lớn (hiện tôm cỡ trên hoặc 30 con/kg đang chiếm tỷ trọng lớn).

Theo VietNamnet