1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Mỹ “chúa Chổm” và Trung Quốc nhiều tiền

Người dân châu Á cảm thấy kinh ngạc khi biết họ là chủ nợ lớn nhất của Mỹ, dẫn đầu là Nhật Bản với con số ngạt thở là 720 tỉ USD, tiếp theo là Trung Quốc với 174 tỉ USD. Con số này đang tăng dần qua các năm, bởi dân châu Á bán được nhiều hàng sang Mỹ hơn là số hàng Mỹ bán được sang châu Á.

Việc Trung Quốc điều chỉnh tỷ giá đồng nhân dân tệ (NDT) lên 2,1% so với đồng USD vào ngày 21/7 vừa qua, là thời điểm đã được chờ đợi từ nhiều năm, vì đã đến lúc đồng USD không thể bị làm suy yếu để cân bằng thâm hụt thương mại của nước con nợ lớn nhất thế giới là Mỹ.

Hậu quả của một nước Mỹ chúa Chổm

Nợ nước ngoài của Mỹ giờ đây đã vượt quá 2.500 tỉ USD, các chủ nợ nước ngoài có thể đòi hỏi một mức lãi suất cao nhất từ trước đến giờ để duy trì dòng tiền chảy vào Mỹ. Nguy cơ của hành động tăng giá này là một cuộc suy thoái kinh tế của Mỹ, cuối cùng sẽ lan ra toàn cầu.

Thế giới phải làm gì để điều chỉnh cho phù hợp với sự mất cân bằng hiện nay? Đồng USD không nhất thiết phải trượt dài như vậy nếu như các quốc gia khác cho phép tiền tệ của mình tăng giá và nhờ đó dàn trải được gánh nặng điều chỉnh đều hơn. Châu Âu đã chấp nhận đồng euro siêu mạnh và không can thiệp vào thị trường để giảm giá trị đồng euro xuống.

Đa số các chính phủ châu Á lại đi nước bài “cơ hội” bằng cách bán tiền tệ của mình lấy USD để ép tỷ giá hối đoái của mình xuống một cách giả tạo. Một số chính phủ - trong đó có Trung Quốc - lâu nay chỉ gắn kết tiền tệ của mình với đồng USD, do đó hoàn toàn không hề san sẻ gánh nặng điều chỉnh. Bây giờ Trung Quốc đã đi tiên phong trong việc thả nổi có kiểm soát đồng NDT.

Nếu như đồng USD tiếp tục trượt dài và nếu các đồng tiền của châu Á tiếp tục bị ép giá một cách cố ý, các áp lực tăng giá đều chuyển hết sang đồng euro. Lúc đó, châu Âu sẽ trở nên kém cạnh tranh, tạo áp lực bảo hộ hết sức nghiêm trọng trong khu vực EU, nơi tạo ra 1/3 GDP toàn cầu.

Trung Quốc đã đối phó với nền kinh tế quá nóng của mình hầu như chỉ bằng những mệnh lệnh hành chính phi thị trường, chẳng hạn như buộc ngân hàng siết chặt việc cho vay, thay vì cho phép các lực thị trường tác động đến lãi suất và mức tiền tệ. Nhưng những biện pháp cấp thời này khó có khả năng hoạt động hiệu quả. Một đồng NDT mạnh hơn có thể có tác dụng, đồng thời kiềm chế lạm phát.

Nguy cơ nhiều tiền của Trung Quốc

Đã thế, đầu tư nước ngoài đang đổ vào Trung Quốc, một phần là vì trông chờ vào đồng NDT lên giá. Nhờ vậy mà dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc đã vượt quá 600 tỉ USD. Xuất siêu của Trung Quốc đã và đang tăng mạnh. Nếu càng trì hoãn việc nâng giá thì mức tăng giá sau này sẽ càng cao và khó khăn hơn.

Trung Quốc đã đạt được lợi ích lớn trong quá trình mở rộng thương mại toàn cầu đầy suôn sẻ. Trung Quốc và các quốc gia khác, vốn đang khao khát gia tăng ngoại thương và đầu tư, sẽ thành công hơn trong một thế giới mà các đơn vị tiền tệ chính tương đối ổn định với nhau - dao động trong một khoảng được xác định trước.

Hiện nay, hệ thống tiền tệ đang vô trật tự một cách nghiêm trọng. Đã đến lúc phải có một hiệp ước về tiền tệ trên toàn cầu.

Mục tiêu rõ ràng của hiệp ước này là sự chuyển dịch một lần lên tỷ suất ngang nhau giữa các đồng tiền chính, nhưng tỷ suất có thể dao động trong một khoảng nhất định. Trung Quốc sẽ đưa vào đồng NDT một mức độ linh hoạt nào đó, ví dụ như gắn nó vào một rổ gồm nhiều loại tiền tệ khác nhau và cho phép khoảng dao động 5%.

Hiệp ước này sẽ chặn lại sự tăng giá của đồng euro trong một khoảng nhất định và Nhật sẽ phải đồng ý không cố tình hạn chế sự tăng giá của đồng yen. Khi các gánh nặng được san sẻ công bằng hơn, Mỹ có thể tránh được một sự phá giá quá lớn.

Châu Á không có nhiều lựa chọn để giải quyết vấn đề này ngoài việc phải tiếp tục chịu đựng, bởi việc bán tháo đồng USD trên diện rộng sẽ làm tiêu tan giá trị còn lại của các cổ phiếu.

Bán tháo đồng USD có thể nguy hại đối với kinh tế toàn cầu, làm nó tụt giá thấp hơn nữa và nhanh chóng đẩy lãi suất ở Mỹ lên cao hơn. Điều này sẽ làm nền kinh tế Mỹ phát triển chậm lại và làm giảm cầu đối với hàng nhập khẩu, và có khả năng gây suy thoái toàn cầu.

Theo SGTT