Mua quyền mua cổ phiếu ngân hàng chưa thành lập rất rủi ro
Quy chế cấp giấy phép thành lập và hoạt động ngân hàng thương mại cổ phần vừa được Thống đốc NHNN ban hành tuần qua. Như vậy, sau gần một thập kỷ vắng bóng, tới đây có thể có những ngân hàng cổ phần mới 100% được thành lập.
Nhân dịp này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Kiều Hữu Dũng - Vụ trưởng Vụ Các tổ chức ngân hàng, đơn vị trực tiếp soạn thảo văn bản này.
Từ nay đến cuối năm sẽ có ngân hàng mới
Quy chế thành lập ngân hàng (NH) mới ra đời, trong số hơn 20 hồ sơ đã nộp lên NHNN từ trước và trong thời gian tiến hành soạn thảo quy chế này, theo ông, sẽ có khoảng bao nhiêu hồ sơ sẽ đáp ứng được các điều kiện?
Hiện chúng tôi chưa có bất cứ đánh giá chính xác nào trên các hồ sơ. Khi văn bản này có hiệu lực chúng tôi sẽ gửi cho các chủ đầu tư thông báo về quyết định này và đề nghị họ chỉnh sửa hồ sơ theo đúng quy định, gửi lại NHNN và khi đó mới là ngày chính thức chúng tôi tiếp nhận hồ sơ.
Tất nhiên là khi tiếp nhận hồ sơ xong, chúng tôi sẽ đánh giá hồ sơ yêu cầu bổ sung chỉnh sửa, chấp thuận hay không.
Tôi nghĩ từ nay đến cuối năm sẽ có NH mới được thành lập. Về thời gian xem xét, nếu hồ sơ đầy đủ sẽ mất khoảng 3 tháng để xem xét và chấp thuận về nguyên tắc.
Sau khi chấp thuận về nguyên tắc, phải hoàn thiện các tiêu chuẩn trong đề án một cách đầy đủ để được cấp phép chính thức. Nếu đề án đáp ứng đầy đủ các yêu cầu sẽ mất khoảng 6 tháng để được cấp phép.
Ông nghĩ thế nào về xu hướng và nhu cầu của các địa phương muốn thành lập ngân hàng trực thuộc?
Tôi nghĩ NH phải hoạt động trên toàn quốc, sẽ là sai lầm nếu NH chỉ phục vụ cho một địa phương và có thể bị ảnh hưởng của chính quyền địa phương. Thông thường mà nói khi mà chính quyền có vai trò lớn đối với NH thì ảnh hưởng đối với cho vay của ngân hàng hoàn toàn có thể xảy ra.
Cho đến nay, với quy chế này cũng không có nhiều địa phương lắm đáp ứng đủ quy định này. Chẳng hạn có ít nhất 3 DN lớn trên 500 tỷ đồng thì các địa phương hầu như không có DN nào, trừ một số ít như Bình Dương, TPHCM, Hà Nội… còn đa số các địa phương không có.
DN có thể góp vốn thành lập NH ở bất cứ địa phương nào nhưng thông thường họ đã góp vốn ở thành phố rồi thì rất ít khi về các địa phương. Mặt khác quy định mỗi DN không tham giá được quá 2 NH vì thế họ buộc phải chọn lựa ở vị trí nào phù hợp nhất.
Cổ phiếu phổ thông - không được chuyển nhượng trước 3 năm
Trong quy chế có một điểm quy định: “Sau khi thành lập các cổ đông sáng lập không được bán cổ phiếu trong vòng 5 năm và các cổ đông phổ thông không được chuyển nhượng trong vòng 3 năm”. Quy định như vậy với cổ phiếu phổ thông liệu có vướng luật DN và Luật chứng khoán không vì NH cũng là công ty đại chúng?
Vấn đề này cũng được một số người đặt ra, tuy nhiên trong văn bản hướng dẫn thi hành Luật DN thì Bộ KH& ĐT cũng hướng dẫn là việc thành lập ngân hàng sẽ thực hiện theo Luật Tổ chức tín dụng và các điều kiện thành lập sẽ do NHNN quy định.
Vì vậy, điều này không giống Luật DN nhưng thực hiện đúng Luật Tín dụng. Theo những điều kiện cụ thể theo Luật DN thì Chính phủ được phép đưa ra điều kiện thành lập các DN đặc biệt hay theo chuyên ngành.
Trong trường hợp này Chính phủ đã có văn bản giao cho Thống đốc ban hành các quy định bởi vì thứ nhất thành lập NH phải được minh bạch, thứ hai phải đảm bảo an toàn và chặt chẽ. Đây là hai yêu cầu rất cao của Chính phủ.
Thời gian vừa qua, trên thị trường OTC đã xuất hiện tình trạng rao bán quyền, cổ phiếu của một số ngân hàng chưa thành lập, ông có nhận xét gì?
Những nhà đầu tư mua quyền mua cổ phiếu là rất rủi ro bởi vì hoàn toàn có những bộ hồ sơ bị bác bỏ, không được cấp phép và sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của các nhà đầu tư.
Chuyện bán quyền đó tôi không bình luận là đúng hay sai mà chỉ khuyến cáo các nhà đầu tư phải cực kỳ thận trọng trong việc mua quyền mua cổ phiếu của các NH chưa được thành lập vì rủi ro về mặt pháp lý là rất lớn.
Hiện, tại nhiều NH, các Tổng công ty có xu hướng tham gia góp vốn thành lập hoặc làm cổ đông chiến lược. Vậy NHNN có cơ chế kiểm soát nào để đảm bảo NH đó không chỉ hoạt động phục vụ lợi ích của Tổng công ty đó?
Hiện nay luật quy định rất chặt rằng khi quy định thành viên HĐQT hay cổ đông lớn thì không được vay vốn từ ngân hàng đó. Thứ hai là giới hạn tối đa việc góp vốn chỉ là 20%. Thứ 3 là yêu cầu phải có những thành viên quản trị độc lập.
Những người có liên quan không kiểm soát 1/3 hội đồng quản trị. Song song với quá trình này cần nâng cao công tác thanh tra và trách nhiệm của NHNN trong việc đảm bảo sự phát triển bền vững của ngân hàng.
Xin cám ơn ông!
Theo Khánh Huyền
Báo Tiền phong