Một thời vốn vàng: “Cắn môi” ra đi (kỳ 2)

Sau khi Chính phủ có chủ trương, Ngân hàng Nhà nước bắt đầu vào cuộc cắt bỏ vốn vàng dạng huy động, cho vay và chuyển đổi, với mục đích đưa ra là nhằm loại bỏ rủi ro, xáo trộn liên quan đối với hệ thống, với thị trường vàng và với kinh tế vĩ mô nói chung.

Một thời vốn vàng: “Cắn môi” ra đi (kỳ 2)
Đến nay, 18 ngân hàng thương mại đã thực hiện tất toán xong vốn vàng huy động. Dư nợ bằng vàng cuối quý 2/2013 chỉ còn khoảng 7,2 tấn.
 
Ngày 30/6/2013, sau nhiều lần gia hạn, việc tất toán trạng thái vàng của các ngân hàng kết thúc. Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ sau đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh đến sự kiện này, xem đó là một thành công của Ngân hàng Nhà nước.

Thành công được nhìn nhận ở việc bóc tách xong vốn vàng và những rủi ro liên quan ra khỏi hệ thống - một kế hoạch phức tạp, khó khăn và kéo dài. Kế hoạch hoàn tất mà không gây tổn thương an toàn hệ thống, không ảnh hưởng tiêu cực tới thanh khoản và lãi suất trên thị trường…

Nhưng, trong khuôn khổ và giới hạn được kiểm soát của kế hoạch, từ cuối 2012 cho đến 30/6/2013 là một giai đoạn mà rủi ro vẫn chưa dừng lại.

Cuộc gọi lúc đêm muộn…

Khoảng một tháng trước mốc hẹn 30/6, tình cờ phóng viên VnEconomy biết đến cuộc gọi của chính Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình tới một số lãnh đạo ngân hàng lúc đêm muộn, yêu cầu thực hiện nghiêm túc việc tất toán trạng thái vàng khi nhận thấy có dấu hiệu trì hoãn nào đó.

Vụ Quản lý Ngoại hối cũng có văn bản gửi tới từng ngân hàng đốc thúc cụ thể. Sau những lần gia hạn, lần này, với những gì đã diễn ra cho thấy Ngân hàng Nhà nước quyết không nhượng bộ.

Vì sao có dấu hiệu trì hoãn? Bởi các ngân hàng nhận thấy còn những rủi ro và có ý định phòng vệ, dù trước đó đã “cắn môi” chấp nhận những khoản lỗ từ năm 2011 - 2012.

Dữ liệu tập hợp cho thấy, đến cuối quý 1/2013, tổng dư nợ bằng vàng của 18 ngân hàng vẫn còn gần 15 tấn. Họ không phải tất toán dư nợ, nhưng phải tất toán vốn vàng huy động đã sử dụng để cho vay. Đồng nghĩa, trước khi vốn vàng đã cho vay trở về, họ phải mua vào để tất toán cho phần huy động đã sử dụng. Rủi ro giá xuống là rõ ràng.

Giả sử cuối quý 1/2013, họ phải dồn mua khoảng 15 tấn đã cho vay chưa đáo hạn đó với giá 43 - 44 triệu đồng/lượng. Sau này dư nợ vàng lần lượt trở về, trở thành tài sản trực tiếp của họ, xu hướng giá giảm đang thể hiện và thực tế rơi về quanh 38 - 39 triệu đồng. Rủi ro, hay lỗ là hiện hữu. Nếu có thể trì hoãn, vốn vàng cho vay dần đáo hạn thì sẽ bớt áp lực. Thực tế, đến cuối quý 2/2013, tổng dư nợ bằng vàng đã giảm xuống chỉ còn khoảng 7,2 tấn (có thể một phần đã được đàm phán với khách hàng chuyển sang thành khoản vay bằng VND).

Một rủi ro nữa là chi phí để mua vàng tất toán. Từ trong năm 2012 cho đến quý 1/2013, ước tính 18 ngân hàng đã dồn sức mua được 100 tấn. Dễ thấy một thời gian dài một số thành viên yết giá mua vào gần như san bằng giá bán, ý là quyết mua cho được. Bản thân họ cũng quyết liệt cho tất toán trạng thái, song với nhu cầu lớn như vậy, nguồn cung trên thị trường trở nên cạn kiệt, nhất là khi đã ngừng nhập khẩu suốt hai năm qua.

Rủi ro chi phí ở đây là lực cầu lớn từ tất toán thường trực, tình thế phải mua càng kích thích giá cao trên thị trường. Với một thị trường rất nhạy cảm, chỉ cần xuất hiện giao dịch mua vào cỡ 500 - 1.000 lượng đã có thể kích thích giá. Điều này cũng góp phần giải thích vì sao chênh lệch giá trong nước so với thế giới doãng rộng và kéo dài.

Rồi ngày 28/3, Ngân hàng Nhà nước bắt đầu tổ chức đấu thầu vàng miếng, nguồn cung mới được mở ra, song cũng chưa hết căng thẳng.

Chi phí cơ hội

Có nguồn cung đấu thầu, 18 ngân hàng vào cuộc nước rút tất toán. Thực tế, sau 30/6 vẫn còn hai trường hợp phải cần thêm một tuần nữa mới hoàn tất.

Theo dữ liệu Ngân hàng Nhà nước công bố tuần qua, có khoảng 30 tấn vàng qua đấu thầu được mua để tất toán, tức phải dùng khoảng 30 nghìn tỷ đồng. Với những ngân hàng lớn và vốn khá dồi dào như ACB, Eximbank, Sacombank…, nguồn đối ứng không gây khó khăn. Nhưng hai trường hợp trên cả một vấn đề.

Nếu dồn lực tiền đồng để mua cho đủ vàng, khó khăn thanh khoản là rủi ro được tính đến. Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét hỗ trợ bằng tái cấp vốn, song cái giá đổi lại không dễ chịu, họ sẽ rơi vào diện bị kiểm soát (dù khác với diện bị kiểm soát đặc biệt). Trong khi đó, vay trên liên ngân hàng cũng không dễ, bởi ngân hàng bạn dè chừng… Thế nên, phải một tuần sau mốc hẹn 30/6 họ mới thu xếp xong.

Ở tình hình chung, điểm thuận lợi là, xuyên suốt quá trình tất toán trạng thái vàng, Ngân hàng Nhà nước đã bám sát và điều hòa nguồn tiền ở các kênh bơm - hút. Điều này giúp kiểm soát và hạn chế những tác động có thể gây tổn thương thanh khoản hệ thống, cũng như tránh những áp lực hay xáo trộn lãi suất trên thị trường.

Nhưng, với 18 ngân hàng đó, rủi ro ở đây là chi phí cơ hội trong sử dụng vốn. Ước tính ở giai đoạn nước rút tất toán, có trên 100 nghìn tỷ đồng buộc phải dồn để mua vàng, thay vì để đầu tư cho các kênh kinh doanh khác. Nói là “cắn môi” với sự ra đi của vốn vàng một phần cũng nằm ở đây. Dĩ nhiên, trước đây vốn vàng cũng đã cho họ nhiều cơ hội tạo lợi nhuận, nay có lẽ là một sự đổi lại mà thôi (?).

Ở khía cạnh khác, “may mà” hơn 100 nghìn tỷ đồng đó đã mua được vàng trong nước, nếu không thì đã có ít nhất 5 tỷ USD chảy ra ngoài để nhập về cho tất toán.

Khép lại những rủi ro

Như đề cập ở bài kỳ trước, năm 2011 và 2012, nhiều ngân hàng lỗ với vốn vàng. Dù đã có các tín hiệu, lộ trình của chính sách kéo dài trong hơn ba năm, nhưng đây lại là giai đoạn quy mô và mức độ sử dụng vốn vàng cao nhất trong gần 13 năm qua (tập trung từ quý 1/2011 - quý 2/2012).

Rủi ro của bão giá đối với việc chuyển đổi và cho vay vàng là nguyên nhân nổi bật. Tuy nhiên, mức độ thua lỗ không hẳn chỉ phản ánh ở các con số hạch toán và công bố. Bởi lẽ, nguồn vốn chuyển đổi từ vàng sang VND đã từng được dùng để cho vay với lãi suất cao, nằm ở phần thu tín dụng. Hay trong quá khứ, vàng là một nguồn lực tạo nên những giá trị lớn mà không chỉ dành riêng cho các ngân hàng.

Trao đổi với VnEconomy, một lãnh đạo chuyên trách của Ngân hàng Nhà nước từng nêu quan điểm rằng: vàng là một nguồn lực lớn, không thể phủ nhận những giá trị tích cực. Song đã có quá nhiều rủi ro bộc lộ, nhất là khi lệ thuộc vào biến động khó lường của thị trường thế giới. Mức độ sử dụng vốn vàng lớn gắn với rủi ro gia tăng càng gây áp lực tới an toàn hệ thống, nhất là về thanh khoản và lãi suất. Và một khi hệ thống ngân hàng bất ổn, kinh tế vĩ mô càng khó ổn định.

Ngoài rủi ro về giá, an toàn thanh khoản hệ thống từng ở tình trạng báo động khi có sự mất cân đối quá lớn trong cơ cấu kỳ hạn huy động - cho vay vàng. Vốn vàng huy động rất ngắn, chủ yếu chỉ từ 1 - 3 tháng, dài hơn có thể 6 tháng, trong khi lại được dùng cho vay nhiều khoản dài tới 5 năm, 10 năm, thậm chí tới 20 năm. Chênh lệch bình quân kỳ hạn giữa huy động và cho vay vàng từng được thống kê lên tới 3 năm!

Vốn quá ngắn, cho vay quá dài dễ dẫn tới rủi ro thanh khoản. Đây cũng là bất cập chính khiến quá trình bóc tách vốn vàng ra khỏi hệ thống, hay tất toán trạng thái trở nên phức tạp trong thời gian qua. Hay là bất cập mà Ngân hàng Nhà nước nhắm đến để loại trừ.

“Nguồn lực vốn vàng là giá trị, nhưng không huy động và sử dụng bằng mọi giá, bằng đánh đổi với nhiều rủi ro như vậy, nhất là khi nó trở thành đòn bẩy vay mượn đầu tư vào bất động sản và chứng khoán, cũng như kích thích sự đầu tư quá mức vào chính vàng”, vị lãnh đạo trên nêu quan điểm.

Đến nay, 18 ngân hàng thương mại đã thực hiện tất toán xong vốn vàng huy động. Dư nợ bằng vàng cuối quý 2/2013 chỉ còn khoảng 7,2 tấn. Vốn vàng thương mại cũng duy trì ở mức thấp, bình quân chỉ 0,14% vốn tự có (giới hạn tối đa là 2%). Quy mô vốn vàng huy động cao điểm từng lên tới 122 tấn (quý 2/2012, trong tổng quy mô nguồn vốn bằng vàng 165 tấn) đã hoàn toàn được đưa ra ngoại bảng.

Về cơ bản, những rủi ro và xáo trộn trước đây gắn với huy động, cho vay và chuyển đổi vốn vàng đã khép lại. Thị trường vàng theo đó cũng đã cắt bỏ các yếu tố đòn bẩy về vốn từ các ngân hàng; các giao dịch có “sức nặng ảo” đến từ vay mượn và chuyển đổi về nguyên tắc cũng đã được loại trừ.

Thị trường vàng Việt Nam bắt đầu chuyển sang trục chính, kinh doanh thương mại đơn thuần.
 
Theo Minh Đức
VnEconomy