Một món nợ mất vốn "ăn" vào lợi nhuận 50 món nợ khác!

(Dân trí) - Nhiều ngân hàng đang vào cuộc chạy đua nước rút về tăng trưởng tín dụng trong 3 tháng còn lại của năm. Nhưng theo cảnh báo của chuyên gia, ngân hàng cần thận trọng bởi 1 món nợ mất vốn cần lợi nhuận tốt của 50 món nợ mới có thể bù đắp.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng đã có xu hướng cải thiện nhanh kể từ tháng 2. Đến cuối tháng 8, tín dụng đã tăng 6,45% so với cuối năm 2012. Trong đó, tín dụng bằng VND tăng 10,4%; tín dụng ngoại tệ giảm 11,55%, phù hợp với chủ trương chống “đô la hóa”.

Dù tín dụng tính đến cuối tháng 8 đã có mức tăng khá nhưng mới chỉ được một nửa so với mục tiêu 12% cho cả năm 2013. Do đó, nhiều ngân hàng đã vào cuộc chạy đua tăng trưởng tín dụng trong những tháng cuối năm.

Ngân hàng ồ ạt tung nguồn vốn giá rẻ (ảnh minh họa).
Ngân hàng ồ ạt tung nguồn vốn giá rẻ (ảnh minh họa).

Theo đánh giá của TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế 30 năm trong lĩnh vực ngân hàng, với tốc độ tăng trưởng tín dụng như hiện nay và sự nhập cuộc mạnh mẽ của các ngân hàng, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 12% cho cả năm 2013 có thể đạt được.

“Nhu cầu vốn để sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp những tháng cuối năm rất lớn. Các ngân hàng đã cải tiến năng lực quản lý rủi ro nên cũng mạnh dạn hơn trong việc giải ngân vốn vay. Việc ngân hàng đẩy mạnh tín dụng cũng sẽ giúp ngân hàng tăng tính cạnh tranh trên thị trường, từ đó đẩy vốn ra giúp doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh”, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết.

Theo công bố của một số ngân hàng thương mại, có thể thấy rằng, sự hồi phục mạnh của hoạt động cho vay có sự đóng góp lớn từ khối ngân hàng thương mại lớn. Điển hình như tại Vietcombank, tính đến cuối tháng 6/2013, tín dụng của ngân hàng này có mức tăng trưởng âm (-) 1,47%, thì đến cuối tháng 8/2013 đã bật tăng trở lại, lên mức dương (+) 2,8% so với cuối năm 2012.

Tại BIDV, tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 8 đạt 10,4%; trong khi cuối tháng 6, con số này là 7,3%. Tín dụng của ngân hàng này tăng mạnh do đẩy mạnh cho vay ở 5 lĩnh vực ưu tiêu.

Cùng với các chương trình đẩy mạnh vốn cho nền kinh tế, nhiều ngân hàng cũng đã xin nới “room” tăng trưởng tín dụng và đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận. Trong đó có Sacombank tăng tín dụng lên 20% từ con số 8%; NamABank được nới tăng trưởng tín dụng từ 9% lên mức 30%; Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam (Co-op Bank) được tăng tối đa lên 15%; VIB cũng vừa xin phép Ngân hàng Nhà nước được nới “room” tín dụng lên 20%...

Để có thể “hút” khách trong những tháng cuối năm, đặc biệt khi nguồn vốn “tồn kho” trong két sắt của ngân hàng, nhiều nhà băng gần đây đua giảm lãi suất cho vay xuống còn 0% trong tháng đầu tiên và 10-11% trong 11 tháng tiếp theo.
 
Theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước, lãi suất cho vay đang ở mức tương đối hợp lý. Hiện lãi suất dài hạn ở các ngân hàng cao nhất chỉ khoảng 13%/năm. Với những doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, phương án, dự án sản xuất kinh doanh hiệu quả, ngân hàng cho vay với mức lãi suất chỉ từ 7-8%/năm.

Đánh giá về các chương trình cho vay vốn của ngân hàng, TS.Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, tín dụng sẽ có cơ hội “bùng nổ” vào dịp cuối năm nếu cung - cầu gặp nhau. Tuy nhiên, theo cảnh báo của TS.Hiếu, các ngân hàng cần thận trọng trong khâu quản lý rủi ro tín dụng, thẩm định tài sản đảm bảo. Bởi 1 món nợ bị mất vốn 100% sẽ cần đến 50 món nợ mới với biên độ lợi nhuận tốt (khoảng 2%) mới có thể bù đắp.

“Dẫu biết các ngân hàng đang đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng nhưng đây cũng là thời điểm mà họ cần tránh cho vay bừa bãi. Phần lớn các ngân hàng Việt Nam dựa vào trình độ thẩm định tài sản của chính nhân viên ngân hàng; còn theo thông lệ quốc tế, những tài sản đảm bảo có tính thương mại, ngân hàng không tự thẩm định mà thuê chuyên gia của công ty tư vấn độc lập tiến hành”, TS.Hiến nhấn mạnh.

Nguyễn Hiền