Chứng khoán thời tăng giá:

Một lần ghi dấu lịch sử, dính đòn khủng hoảng xuống đáy 10 năm

Cách đây 1 thập kỷ, giới đầu tư chứng kiến có mã cổ phiếu lên tới cả triệu đồng, rồi 850.000 đồng, 400.000 đồng,... Hàng loạt cổ phiếu giá từng ở đỉnh cao lịch sử thì hiện nay, có mã mất giá 90%, có doanh nghiệp trên bờ vực phá sản cho dù thị trường chung sôi động và thấy lại được thời kỳ hoàng kim thập kỷ mới có một lần.

Đỉnh cao xuống vực sâu

Gần một thập kỷ đi qua. Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã có rất nhiều thay đổi, với quy mô vốn tăng hàng chục lần lên 130 tỷ USD. Vốn hóa từ mức trên dưới 10% phần trăm giờ đã lên trên 60%.

Tuy nhiên, có một kỷ lục mà cho đến thời điểm này, TTCK vẫn chưa và có thể sẽ không bao giờ lặp lại. TTCK năm 2007 có 15 mã có thị giá trên 300.000 đồng/cp.

Còn ở vào thời điểm cuối 2017, TTCK mới chỉ có duy nhất 1 mã cổ phiếu SAB của Tổng công ty Bia rượu Nước giải khát Sài Gòn - Sabeco là đạt được thị giá trên 300.000 đồng/cp. Số mã có giá trên 200.000 đồng/cp chỉ dừng lại ở con số 5, gồm: Vinamilk (VNM) của bà Mai Kiều Liên, Sabeco (SAB) đang thoái vốn Nhà nước, Vicostone (VCS) của ông Hồ Xuân Năng, Xây dựng Coteccons (CTD) và Vinacafe’ Biên Hòa (VCF).


Đại gia Việt, người lên cao, người lao dốc.

Đại gia Việt, người lên cao, người lao dốc.

Cách đây 1 thập kỷ, năm 2007, khi VN-Index ở thời đỉnh cao mọi thời đại, giới đầu tư chứng kiến cổ phiếu FPT của ông Trương Gia Bình có thời điểm nếu tính chưa chia tách lên tới gần 1 triệu đồng/cp. Cổ phiếu BMC của Khoáng sản Bình Định có giá gần 850 ngàn đồng/cp.

Bên cạnh đó, nhiều mã có giá trên 400 ngàn đồng/cp cũng nổi như cồn, điển hình như: Sudico (SJS), Dược Hậu Giang (DHG), Chứng khoán Bảo Việt (BVS), Sông Đà 7 (SD7), Sông Đà 9.09 (S99), Cao su Hòa Bình (HRC),...

Hiện thị trường tăng trưởng bùng nổ và đang hướng tới đỉnh cao thiết lập 10 năm trước, song các cổ phiếu có giá cao lịch sử trên, giờ không ít mã mất giá 90%, có doanh nghiệp đã phá sản.

Chẳng hạn, nếu tính theo thị giá xác lập trên thị trường, chưa có cổ phiếu nào vượt qua BMC với mức giá cao vô địch: 847 ngàn đồng/cp ghi nhận hồi tháng 5/2007. Sóng lớn ngành khoảng sản thời kỳ sôi động cùng với kỳ vọng về doanh nghiệp có lượng quặng titan khủng đã tạo nên cơn sốt cổ phiếu BMC.

Tuy nhiên, kết quả kinh doanh đã không như kỳ vọng. Cú nổ bong bóng trên TTCK sau đó đã kéo giá BMC tụt giảm. Hiện tại, BMC chỉ còn 15 ngàn đồng/cp, bằng 1/50 lần so với đỉnh cao. Nếu tính theo giá đã điều chỉnh (có tính tới chia tách cổ phiếu, trả cổ tức) thì BMC mất giá hơn 60%.

Nhiều cổ phiếu có giá đã điều chỉnh vẫn thua xa so với đỉnh cao cách đây 10 năm như: Simco Sông Đà (SDA), Chứng khoán Bảo Việt (BVS), Sông Đà 7, Thủ Đức House (TDH), S99, PVD,...

Cổ phiếu Simco Sông Đà (SDA) hiện là 3.300 đồng/cp, so với đỉnh cao 350 ngàn đồng hồi 2007 và giá điều chỉnh 35 ngàn đồng/cp.

Một cái tên rất nổi và được ưa chuộng thời kỳ đỉnh cao của TTCK là cổ phiếu VSP của Đầu tư và vận tải Dầu khí Vinashin (sau đổi tên thành Vận tải biển và Bất động sản Việt Hải) giờ gần như mất hút.

Từ mức giá đỉnh cao hơn 300 ngàn đồng/cp, VSP giờ còn 1.100 đồng/cp và rất lâu rồi không còn giao dịch, cho dù đã chuyển sang UPCOM. Doanh nghiệp này đang ngập trong lỗ và nợ, không công bố thông tin, đại hội cổ đông 2017 họp 3 lần không thành,...

Thị trường phân hóa sâu sắc

Trường hợp VSP tuột dốc hay cú mất giá của SDA cùng “họ cổ phiếu” Sông Đà,... cho thấy tính bền vững và khả năng chống chọi của doanh nghiệp Việt trước các cú sốc như cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 là rất thấp.


Thị trường chứng khoán phân hóa mạnh (ảnh minh họa - Ngọc Thắng)

Thị trường chứng khoán phân hóa mạnh (ảnh minh họa - Ngọc Thắng)

Hàng loạt doanh nghiệp đầu ngành, có triển vọng tốt đều bị vùi dập. Chứng khoán Bảo Việt suy sụp vì TTCK đi xuống, Sudico lao đao vì mâu thuẫn nội bộ và dự án dở dang; Khoáng sản Bình Định lao dốc vì giá quặng titan giảm và chính sách thay đổi...

Nhưng con sóng “họ Sông Đà”, “họ VC” có lẽ không bao giờ lặp lại, bởi phần lớn đã chìm xuống đáy thị trường và một số biến mất hoàn toàn trên TTCK.

Sau 10 năm, TTCK đã sôi động trở lại nhưng phân hóa rất sâu sắc. Đó là sự trở lại của một số nhóm cổ phiếu hot một thời: ngân hàng, bất động sản, dược phẩm, thực phẩm, vật liệu xây dựng.

Trên thực tế, trong số các cổ phiếu có giá trên 300 ngàn thời kỳ đỉnh cao trước đây, chỉ có 2 mã là DHG và NTP hiện cao hơn so với giá điều chỉnh. Trong đó, giá hiện tại của DHG đã tăng gấp khoảng 3,3 lần và NTP tăng 2,5 lần so với thời kỳ đỉnh cao (giá điều chỉnh).

TTCK năm 2017 chứng kiến nhiều cổ phiếu giá cao kỷ lục gần 10 năm. Hiện “nhóm đỉnh cao” ghi nhận sự thống trị của nhóm thực phẩm - đồ uống (với Vinamilk, Vinacafe’ Biên Hòa và Sabeco); xây dựng - vật liệu xây dựng (Vicostone, Coteccons). Những cổ phiếu quy mô lớn nhất bao gồm: Vinamilk, Sabeco, Vingroup, Vietcombank, PV Gas,...

Nhóm cổ phiếu mặt bằng bán lẻ, bán lẻ cũng đang hấp dẫn giới đầu tư với các gương mặt như: Vincom Retail, Thế Giới Di Động (MWG), PNJ,...

Theo Công ty chứng khoán BSC, TTCK Việt Nam có thể đang lấy đà vượt mốc tâm lý 1.000 điểm với sự hỗ trợ của các cổ phiếu bluechips và luân chuyển giữa các nhóm ngành có tỷ trọng lớn như ngân hàng, bất động sản, tiêu dùng và sản xuất. Hoạt động mua ròng khối ngoại vẫn đóng vai trò quan trọng.

Cũng theo BSC, TTCK sẽ tiếp tục phân hóa. Mức cải thiện lợi nhuận phần lớn tập trung ở khối ngân hàng, bất động sản, vật liệu xây dựng, chứng khoán kéo theo sự phân hóa lớn trên thị trường.

Theo M. Hà
VietnamNet