1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Một huyền thoại kinh doanh

Chưa đến 10 tuổi bà Khóa đã đi buôn, ngoài 20 tuổi trở thành nữ thương nhân nổi tiếng khắp miền Bắc trong ngành rau quả, gạo, muối, bánh kẹo. Bà từng mua công trái kháng chiến lên đến 1 triệu đồng và cung cấp nhu yếu phẩm cho căn cứ kháng chiến chống Pháp.

Chưa đến 30 tuổi, bà lại sạt nghiệp do chiến tranh, rồi lại trở thành tỷ phú, rồi lại sáp nhập doanh nghiệp vào hợp tác xã và về hưu ở tuổi 50 để dựng lại nghiệp kinh doanh với hai bàn tay trắng... Điệp khúc trắng tay - tỷ phú - trắng tay ... vận vào cuộc đời bà ứng nghiệm đến mức nhiều người coi đó như là một huyền thoại kỳ lạ!

Năm nay bà Khóa sắp bước sang tuổi 90 tuổi, tóc bạc trắng nhưng giọng nói vẫn còn sang sảng, đầu óc minh mẫn, tỉnh táo. Chúng tôi đến gặp bà đúng buổi trời đông vừa hửng nắng, bà Khóa ngồi ngoài sân nhưng cũng dợm bước vào phòng khách mà không cần người đỡ. Câu chuyện về thời thơ ấu nhọc nhằn bắt đầu sinh động như mới xảy ra ngày hôm qua.

Từ một gánh hàng rau...

“Quê gốc của tôi ở làng Nủa, Hữu Bằng, Thạch Thất, Hà Tây. Thầy tôi là ông giáo làng. Bầm tôi chạy chợ...” - Bà Khóa kể.

Ông giáo làng ở một làng tá điền đất chật người đông lấy cô tá điền không một tấc đất, phải chạy chợ kiếm từng xu, đẻ ra tới 5 đứa con nên nghèo kiết xác. Trong đầu của một cô bé 8 tuổi lúc đó chỉ có một mong muốn kiếm thêm tiền để giúp gia đình, để mọi người được ăn no hơn, mặc ấm hơn.

Từ đó Khóa đã biết suy nghĩ, tính toán: buôn bán quà vặt không thể nào giàu lên được, cô bé chuyển sang buôn rau: rau lang, rau bí, rau muống, mùng tơi, bí, mướp...Cứ 3 giờ sáng, Khóa thức dậy, đi hàng chục cây số mua rau tận ruộng, đưa về chợ thị xã Tuyên Quang để bán.

“Tôi lấy công làm lãi luôn đảm bảo rau phải tươi hơn, ngon hơn và rẻ hơn các hàng rau khác. Nhiều gia đình tin tưởng đặt tiền rau cả tháng. Cứ đến trước bữa cơm tôi nhặt sạch sẽ đưa đến tận nhà”.

Có tiền Khóa thuê hẳn một cửa hàng ở chợ Tam Cờ, không chỉ bán rau cho khách hàng màu bắt đầu cung cấp cho các tiệm ăn. Ngay từ thời điểm đó, Khóa đã đặt tiền trước cho người trồng rau để ổn định nguồn hàng.

Bán rau được vài tháng, có vốn, Khóa mở thêm cửa hàng bán cá lấy nguồn ban đầu từ sông Lô sau đó lan xuống tận Việt Trì, Phú Thọ, Vĩnh Yên... để lấy cá. “Đối với tôi, để làm ăn được như vậy thì tôi luôn coi uy tín quý hơn vàng”, bà Khóa nói. Lấy cá, trả tiền sòng phẳng, đúng hẹn, các mối buôn cá từ các vùng lân cận đều cung cấp tới tận cửa hàng. Không chỉ có vậỵ mà cả những người chuyên cho vay nợ cũng luôn sẵn sàng ứng tiền cho Khóa để mua hàng mà không cần phải thế chấp hay làm giấy vay nợ.

Tích cóp được một lượng tiền khá lớn. Khóa mở thêm cửa hàng bán gạo. Gạo từ dưới xuôi lên bằng ôtô cũng có khi ngược sông Hồng, sông Lô bằng tàu của nhà buôn Bạch Thái Bưởi mỗi lần hàng giao cũng tới cả chục tấn gạo.

Buôn bán thực phẩm đắt hàng đắt khách nhưng làm bánh kẹo vẫn như một cái duyên của cô Khóa với việc mua lại cửa hàng bánh Liên Phương ở thị xã Tuyên Quang vốn đã phá sản.

Đã qua cái thời mấy mẹ con Khóa phải phân công nhau người xay bột, người nhào, người nặn, người luộc bánh, Khóa cho xây nhà xưởng, thuê công nhân, thuê thợ làm bánh kẹo nổi tiếng từ Hà Nội lên làm.

Bánh kẹo Liên Phương làm ra không đủ bán, cạnh tranh cả với những loại bánh kẹo nổi tiếng khác ở Hà Nội, rồi Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa... Phan Thị Khóa hay cô Khóa Liên Phương trở thành một trong những thương gia có tiếng nhất miền Bắc. Đó là năm 1942, khi ấy Khóa vừa tròn 23 tuổi.

Buôn bán, nhưng cô Khóa vẫn không quên nghĩa vụ của một người dân Việt Nam đang bị áp bức, phải vùng lên giành độc lập. Tết Nguyên đán năm Ất Dậu (1945), từng đoàn người tứ xứ đói giơ xương lũ lượt kéo nhau về Tuyên Quang. Khóa phá kho gạo chia cho hàng ngàn người.

Rồi Cách mạng tháng Tám bùng nổ, Cờ đỏ sao vàng bay rợp trời Tuyên Quang... gia đình Khóa cũng đứng vào hàng ngũ đi khởi nghĩa, giành chính quyền nhưng cửa hàng Liên Phương thì bị quân Tưởng cướp phá sạch khi tràn qua thị xã Tuyên Quang, Khóa phải đưa cả nhà về làng Nủa lánh nạn.

Trở lại Tuyên Quang ngay sau đó, Khóa mở lại hiệu Liên Phương. Lại làm bánh kẹo, tiếp tục buôn bán rau gạo cá rồi muối rồi thuốc kháng sinh, thuốc chữa bệnh...

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, năm 1947, hưởng ứng lời kêu gọi “tiêu thổ kháng chiến”, một lần nữa Khóa lại đập bỏ toàn bộ 6 ngôi nhà của mình, mở kho phân phát đường, bột, gạo cho người dân trước khi lên đường tản cư...

Pháp rút khỏi Tuyên Quang, Bánh kẹo Liên Phương lại sáng đèn nhưng cô Khóa bây giờ lại mở thêm trại nuôi bò sữa sau khi gom được hơn ba chục con bò ở những đồn điền khác. Sữa tươi được đóng vào chai để bán. Váng sữa được chế biến thành bơ, pho mát, những mặt hàng thật độc đáo thời bấy giờ. Hàng làm ra không đủ bán.

Có tiền Khóa tiếp tục mở rộng đầu tư. Khóa mua 2 chiếc xe ca đặt tên là Kiến Thiết, mở tuyến xe khách Tuyên Quang - Hà Nội, đóng ca nô Đại Đồng chở hàng tuyến đường thủy. Năm 1951, ngoài những đóng góp cho các phong trào: “Hũ gạo kháng chiến”, “Đảm phụ quốc phong”, “Mùa đông binh sĩ”... Khoá đã làm một việc công ích lớn mua công trái kháng chiến bằng một nửa gia tài hiện có (hơn 1 triệu đồng).

Một ngày cuối năm 1952, Cô Khoá vinh dự được gặp Bác Hồ. Bác bảo: “Cô Khoá phải mang thật nhiều đường làm bánh cho cả Liên khu ăn, và mua bán thật nhiều thuốc tốt vì mỗi viên thuốc thêm sức khoẻ cho một chiến sĩ, coi như thêm một chiến sĩ, mỗi hạt muối giống như mạch máu của chiến khu...”.

Đến cuộc hành trình không mệt mỏi

Năm 1954, Thủ đô Hà Nội được giải phóng, khi đó cô Khoá đã 35 tuổi kết hôn với ông Nguyễn Khắc Tháo - một cán bộ cách mạng, và cùng cả gia đình về tiếp quản Thủ đô. Năm 1955, bánh kẹo Liên Phương xuất hiện giữa Thủ đô Hà Nội và nhanh chóng sánh vai cùng các loại bánh đặc sản khác.

Nhưng được phổ biến về chủ trương cải tạo công thương, cô quyết định bán canô, 2 chiếc xe ôtô và đóng cửa hiệu bánh kẹo Liên Phương, rồi thành lập Hợp tác xã bánh kẹo 1- 5. Một thời gian ngắn sau, Hợp tác xã bánh kẹo 1-5 phải sát nhập với Liên hiệp hợp tác xã bánh kẹo 19-” (rồi đổi tên thành Hợp tác xã cao cấp Đồng Tiến).

Từ một bà chủ với số vốn lên đến hàng triệu đồng nay cô Khóa chấp nhận trở thành viên chức nhà nước với mức lương vỏn vẹn 18 đồng/tháng. Dù vất vả nhưng cô Khóa lại vui vì không còn bận bịu kinh doanh mà có thời gian chăm sóc gia đình.

Thế nhưng, một lần nữa, thực tế lại buộc người phụ nữ này phải tìm ra hướng đi riêng cho mình. Hợp tác xã Đồng Tiến gặp khó khăn, không có việc làm, bà Khoá phải xuống đường xếp hàng nhận từng chiếc áo sơmi về là thuê, kiếm tiền. Rồi bà chuyển sang làm cho nhà ăn Kim Liên nhưng đồng lương cũng không đủ sống.

Đó cũng là lí do để 1975 khi đủ tuổi nghỉ hưu bà Khoá đã xin về để được “làm thêm” nuôi chồng con. Lại đắp lò, mua bột làm bánh quy, bánh chả, bánh mì, bánh bao... Người có tiền thì mua, không thì đổi bột mì lấy bánh... dần dà, cuộc sống khá dần lên. Ba người con của bà Khóa là Hà, Thành, Công đều được học hành đầy đủ, nay đã thành đạt trên con đường sự nghiệp, công danh.

Điều bà Khóa tự hào nhất là các con bà đã làm sống lại cái tên đã gắn bó với cuộc đời thăng trầm của bà thuở nào bằng việc lập công ty TNHH mang tên Liên Phương. Không còn phải lăn lộn trên thương trường, giờ đây bà Khóa lại có mối lưu tâm khác, đó là chăm sóc cho thế hệ trẻ.

Hiện bà đang làm trưởng ban Quỹ giải thưởng của đồng bào dân tộc thiểu số Tuyên Quang và 10 năm nay bà vẫn tài trợ 3,6 triệu tiền học bổng/năm cho các học sinh giỏi Tuyên Quang. Ngoài ra, Bà còn lập quỹ học bổng Tài năng trẻ trị giá 500 triệu đồng cho trường Đại học Quốc gia Hà Nội.

Bà nói: “Tôi là người sinh ra và lớn lên trong nghèo khổ, bao năm lên thác xuống ghềnh. Nhà tôi còn nghèo, quê hương tôi cũng nghèo, nhưng tôi biết cần phải đầu tư vào tri thức. Tôi đã để cho con cháu rồi nhưng không phải tiền mà là sự học hành và yêu lao động. Tôi mang số tiền này khuyến khích các cháu học thành tài mới có thể đưa nước nhà sánh vai năm châu”.

Theo Kim Đình
VnEconomy