Mở room không hẳn là giải pháp tốt

(Dân trí) - Sự điều chỉnh của thị trường chứng khoán thời gian qua, theo nhận định của lãnh đạo một số công ty niêm yết hàng đầu trên sàn TPHCM chỉ là biến động nhất thời, nên việc “mở room để cứu thị trường” không hẳn là giải pháp tốt.

Thị trường chỉ biến động nhất thời

Thị trường chứng khoán Việt Nam liên tục được điều chỉnh với nhiều mã cổ phiếu trở về mức giá thực. Đã có giai đoạn, nhà đầu tư chán sàn, rút vốn sang đầu tư lĩnh vực khác khiến bảng giao dịch luôn “đỏ rực”. Và chỉ cần một vài lời nhận định vô căn cứ đã “đánh gục” nhà đầu tư một cách dễ dàng…

Mở room không hẳn là giải pháp tốt - 1
  

Bà Nguyễn Thị Mai Thanh.

Theo nhận định của bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE) thì: Sự điều chỉnh của thị trường chứng khoán thời gian qua chỉ là biến động nhất thời do có tác động của một số quy định của Nhà nước.

Điển hình là giới hạn tỷ lệ 3% cầm cố cho vay chứng khoán đã ảnh hưởng tương đối mạnh tới nhà đầu tư. “Nhà đầu tư phải thu xếp hoàn vốn ngân hàng, giảm vốn lưu chuyển trên thị trường chứng khoán, khiến Vn-Index không giữ ở mức cao”- bà Thanh lí giải.

Dự đoán cho tương lai, bà Thanh cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam có điều chỉnh cũng chỉ ở mức này, không có đột biến.

Bà Thanh nói: “Đứng ở góc độ công ty niêm yết và quan sát thị trường, tôi cho rằng, thị trường tăng trưởng hay suy giảm phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Thứ nhất là sức khoẻ của công ty niêm yết; thứ hai là tính ổn định của môi trường pháp lý mà các tổ chức liên quan đang vận hành; thứ ba, yếu tố không thể không kể tới là thị trường thế giới vì nó sẽ ảnh hưởng đến dòng vốn lưu chuyển qua lại trên thị trường Việt Nam từ các nhà đầu tư nước ngoài”.

“Siết chặt” cơ hội của nhà đầu tư nội?

Câu chuyện mở room (tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong các công ty niêm yết” thời gian qua và hiện nay vẫn luôn được nhắc tới.

Một số quỹ đầu tư nước ngoài cũng đang kêu nhiều loại cổ phiếu blue-chips đã hết room và không ít lần họ “đánh tiếng” sẵn sàng đầu tư vào thị trường một khi Chính phủ Việt Nam nâng tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu tại các công ty niêm yết trên mức 49% hiện tại.

Nhà đầu tư trong nước, thậm chí cả một số chuyên gia tài chính trước động thái của nhà đầu tư nước ngoài, cùng với diễn biến ảm đạm của thị trường cũng sốt sắng, hô hào “hộ” nhà đầu tư ngoại chuyện mở room.

Sau sự cố hi hữu nhầm room cho nhà đầu tư nước ngoài trong phiên giao dịch cổ phiếu STB (ngày 21/8), “cầu” cổ phiếu này tăng lên đột biến đã phần nào tạo sự phấn khích cho thị trường.

Nhà đầu tư chớp lấy cơ hội, ồ ạt mua vào với mức giá tăng trần và đã có trên 2 triệu đơn vị được chuyển nhượng thành công. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế, số cổ phiếu được nhà đầu tư nước ngoài sử dụng hết 49% chỉ tập trung vào nhóm cổ phiếu blue-chips như: GMD, REE, TMS…

Theo quan điểm của bà Thanh thì, tỷ lệ 49% theo quy định là vừa phải trong thời điểm hiện nay: “Nếu chúng ta kỳ vọng nâng tỷ lệ này lên cao hơn để đẩy giá cổ phiếu và Vn-Index lên thì sự lên giá này cũng chỉ là ngắn hạn. Bởi cơ hội sở hữu cổ phiếu của nhà đầu tư nước ngoài tăng lên, đồng nghĩa cơ hội của nhà đầu tư trong nước sẽ thấp đi”.

Mở room không hẳn là giải pháp tốt - 2
  

Ông Đỗ Văn Minh.

Cũng đồng quan điểm với bà Thanh về tỉ lệ 49%, ông Đỗ Văn Minh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Gemadept (GMD) nói: “Vẫn biết nếu mở room cho nhà đầu tư nước ngoài, giá chứng khoán niêm yết sẽ tăng nhưng mở room không phải là giải pháp căn cơ, mang tính lâu dài để Vn-Index cũng như thị trường chứng khoán Việt Nam tăng trưởng”.

Theo ông Minh, khi giá chứng khoán được đẩy lên cao, nhà đầu tư nội bán được giá cao đương nhiên có lợi. Nhưng cái “thiệt” lại là về lâu dài: “Sau này, khi công ty phát triển mạnh lên, giá nhà đầu tư trong nước đã bán ra lại là giá rất rẻ. Khi họ muốn mua lại thì nhà đầu tư nước ngoài sẽ không bán”.

Điều quan trọng nhất để thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển bền vững trong dài hạn, ông Minh cho rằng trách nhiệm thuộc về ba phía: công ty niêm yết, nhà đầu tư và cơ quan quản lý Nhà nước.

“Quan trọng nhất từ phía công ty niêm yết là phải đẩy mạnh hoạt động kinh doanh để nâng cao lợi nhuận, doanh thu. Công chúng đầu tư cũng phải chuyên nghiệp hơn, không thể nhất thời chạy theo tâm lý bầy đàn, a dua. Từ phía cơ quan quản lý cũng phải quản lý theo chiến lược lâu dài hơn. Đó mới là giải pháp căn cơ lâu dài để thị trường Việt Nam tiến những bước dài” - ông Minh kết luận.

An Hạ