1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

"Miếng bánh" ngân sách 2013 được phân bổ các tập đoàn như thế nào?

(Dân trí) - Mức ngân sách 1.600 tỷ đồng bố trí hỗ trợ cho PetroVietnam trong năm 2013 được đánh giá là “thấp hơn nhiều so với mức bố trí các năm trước”. Ngoài ra, EVN được ngân sách hỗ trợ 238 tỷ đồng; VNPT được 25,2 tỷ đồng; Vinalines được 17 tỷ đồng…

Năm 2013, ngân sách rót cho PetroVietnam là 1.600 tỷ đồng.
Năm 2013, ngân sách rót cho PetroVietnam là 1.600 tỷ đồng.

Sáng nay 15/11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có báo cáo Tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về phương án phân bổ ngân sách trung ương (NSTW) năm 2013 và Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phân bổ NSTW năm 2013.

Về hỗ trợ cho một số tập đoàn, báo cáo cho biết: Việc bố trí cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) 1.600 tỷ đồng được thực hiện theo khoản 17 Điều 1 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dầu khí. Mức bố trí này thấp hơn nhiều so với mức bố trí các năm trước.

Bên cạnh đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam được bố trí 238 tỷ đồng để nhằm đưa điện về thôn, bản, đồng bào dân tộc nghèo. Ngân sách cũng chi cho Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) 25,2 tỷ đồng để nhằm thực hiện dịch vụ viễn thông công ích; chi cho Đường sắt Việt Nam 1.824,5 tỷ đồng và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam 17 tỷ đồng nhằm thực hiện nhiệm vụ do nhà nước giao, đặt hàng.

Để khắc phục tình trạng đầu tư kém hiệu quả, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan của Quốc hội giám sát chặt chẽ các khoản kinh phí trên và “kiểm soát chặt chẽ các khoản dự toán chi đầu tư phát triển giao cho các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước tổ chức thực hiện bảo đảm hiệu quả, chống thất thoát, lãng phí…”.

Đối với các khoản nợ của doanh nghiệp, ông Phùng Quốc Hiển - Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban tài chính, ngân sách của Quốc hội cho rằng: Mặc dù các chỉ tiêu về nợ công, nợ Chính phủ và nợ nước ngoài của quốc gia vẫn nằm trong giới hạn an toàn cho phép, song nợ Chính phủ bảo lãnh trong kế hoạch 2013 tăng khá nhanh; nợ nước ngoài của doanh nghiệp có mức tăng lớn so với ước thực hiện năm 2012.

Qua đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ rà soát, đánh giá về quy mô, hiệu quả của các khoản vay của doanh nghiệp được Chính phủ bảo lãnh; nợ của doanh nghiệp theo phương thức tự vay tự trả, bảo đảm tránh hệ luỵ trong trường hợp các doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng không có khả năng trả nợ.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ thường xuyên báo cáo Quốc hội về vấn đề nợ công.

Ngoài ra, một số ý kiến của đại biểu cũng đề nghị Chính phủ rà soát việc hỗ trợ khu công nghiệp; đầu tư cụm công nghiệp; đầu tư khu kinh tế; khu kinh tế cửa khẩu; đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch theo hướng thu hẹp phạm vi hỗ trợ, bảo đảm đầu tư có trọng tâm.

Theo báo cáo của Chính phủ, hiện nay, cả nước có khoảng 283 khu công nghiệp, khu chế xuất, thu hút khoảng 65 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và 4.500 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước, tỷ lệ lấp đầy khoảng 65%. Vốn chủ yếu của các khu công nghiệp, khu chế xuất do khu vực tư nhân đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, NSTW chỉ hỗ trợ một phần đối với một số công trình hạ tầng thiết yếu trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

Việc hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng các khu kinh tế cửa khẩu có ý nghĩa quan trọng vì phần lớn các khu kinh tế cửa khẩu thuộc địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn. Ngày 27/02/2012, UBTVQH đã ban hành Nghị quyết số 470/2012/NQ-UBTVQH13 về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về xây dựng và phát triển các khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản nhằm chấn chỉnh công tác quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu kinh tế cửa khẩu; tập trung vốn đầu tư để có bước phát triển đột phá. Việc phân bổ vốn hỗ trợ cho các khu kinh tế cửa khẩu từ NSTW năm 2013 đã có tiêu chí, nguyên tắc, định mức phân bổ cụ thể.

Nguyễn Hiền