Mẹ gặp khó trước nhiều loại thức uống gắn mác sữa
(Dân trí) - Trên thị trường có nhiều thức uống được gọi chung là sữa như sữa tươi, sữa tiệt trùng, sữa trái cây, sữa hạt. Tuy nhiên, không phải sản phẩm nào mang tên sữa cũng đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng thiết yếu cho trẻ theo khuyến nghị của Bộ Y tế.
Điều này khiến các mẹ không khỏi hoang mang mỗi khi mua sắm đứng trước quầy sữa muôn sắc màu.
Khó phân biệt giữa sữa và thức uống có thành phần sữa
Dạo quanh các siêu thị, cửa hàng, chỉ tính các loại sữa dạng nước trong mức giá từ 6.000-9.000 đồng, người tiêu dùng dễ dàng tìm thấy vài chục loại thức uống từ sữa tươi tiệt trùng đến sữa trái cây, sữa hạt. Ưu điểm của các thức uống này là tiện dụng, dễ mang đi, uống cùng với các bữa ăn để bổ sung dinh dưỡng nên được nhiều mẹ lựa chọn cho con.
Chị H. (quận 12, TPHCM) cho biết, vì không có nhiều thời gian chuẩn bị bữa sáng cho cả nhà, chị thường cho các con (một bé 2 tuổi, một bé 4 tuổi) uống sữa kèm một món ăn đơn giản như bánh mì. Trước đây, chị chọn sữa tiệt trùng dạng bịch cho con nhưng từ ngày có nhiều loại sản phẩm mới, với hương vị hấp dẫn, sữa kết hợp nước trái cây thơm ngon nên chị đã thay đổi.
"Vừa được uống sữa vừa bổ sung trái cây, tôi nghĩ sẽ có lợi cho sức khỏe của con", chị H. nói.
Còn với chị T. (TP Thủ Đức, TPHCM), có nhiều loại sữa uống liền tiện lợi từ 6.000 đồng đến 9.000 đồng nhưng có đến hàng chục thành phần công bố trên bao bì. "Tôi chỉ lướt qua thành phần chứ không biết loại nào tốt hơn", chị nói.
Ghi nhận tại nhiều kệ sữa ở các cửa hàng và siêu thị, nhiều mẹ chưa chú trọng đến thành phần trên bao bì mà quan tâm nhiều đến các chương trình khuyến mãi, quà tặng.
Đọc bảng thành phần - Điều quan trọng của việc chọn sữa đúng
Theo Thạc sĩ, bác sĩ Lê Thị Ngọc Vân, nguyên Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhân Dân 115, sữa là nguồn dinh dưỡng thiết yếu qua nhiều giai đoạn phát triển của trẻ. Tuy nhiên, không phải sản phẩm nào được gọi là sữa cũng có thể đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng thiết yếu cho trẻ theo khuyến nghị của Bộ Y tế.
"Để gọi là sữa thì trong thành phần sản phẩm phải có protein (đạm) từ động vật, ví dụ như sữa bò. Nếu là sữa hạt hoàn toàn từ đạm thực vật thì chỉ gọi là thức uống dinh dưỡng, ở đây chúng ta không bàn đến sữa có hương vị hạt được thêm vào trên nền tảng sữa bò", bác sĩ Vân nhấn mạnh.
Đạm là thành phần dinh dưỡng quan trọng cho nhu cầu của trẻ nên hàm lượng đạm cũng là một trong những cơ sở quan trọng để xác định sản phẩm đó là sữa. Bộ Y tế cũng đã ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng. Theo đó, hàm lượng đạm sữa dạng lỏng trong 100g sữa phải có tối thiểu 2,7g đạm. Vậy một bịch sữa 180ml cần có từ 5-6g đạm mới được gọi là sữa đúng theo quy định của Bộ Y tế, theo Thạc sĩ, bác sĩ Lê Thị Ngọc Vân.
"Các mẹ nên tìm hiểu kỹ thông tin trên bao bì, đặc biệt là các thành phần dinh dưỡng cơ bản và quan trọng như protein, canxi, năng lượng để không nhầm lẫn các sản phẩm thức uống dinh dưỡng khác với sữa đúng quy định", bác sĩ Vân khuyến cáo.
Sữa tiệt trùng - một trong những lựa chọn giúp bổ sung đa dạng dưỡng chất thiết yếu cho con vào đầu ngày
Nhiều nghiên cứu cho thấy, việc cung cấp đủ protein (đạm) trong mỗi bữa sáng sẽ giúp cơ thể tạo ra nhiều "hormone hạnh phúc" - dopamine. Bởi protein được hình thành từ các axit amin và tyrosin. Trong khi tyrosin là nơi sản xuất dopamine.
Điều này giúp trẻ tràn đầy năng lượng hơn để bắt đầu một ngày mới, sẵn sàng cho mọi hoạt động trong một ngày dài.
Bác sĩ Vân cho biết, nếu con không bị dị ứng đạm động vật, ba mẹ nên ưu tiên bổ sung đạm từ động vật, đặc biệt là từ sữa bò, như sữa tươi tiệt trùng, sữa tươi nguyên chất. Vì đạm từ sữa bò có chứa nhiều axit amin mà cơ thể không thể tự tổng hợp.
"Một bịch sữa tiệt trùng 180-220ml vào mỗi sáng có thể đáp ứng được 5-7g đạm cho trẻ. Không chỉ cung cấp đạm, sữa tươi tiệt trùng còn có mức độ hấp thu canxi, theo tỷ lệ canxi - phốt pho giúp hấp thu canxi vào xương tốt hơn", bác sĩ Vân chia sẻ.
Bác sĩ Vân cho rằng, nếu trẻ ngán sữa, thi thoảng ba mẹ có thể đổi vị cho bé bằng sữa trái cây, hoặc bổ sung vào thực đơn giải khát của bé, nhưng việc dùng nó thay thế hoàn toàn cho sữa cần cân nhắc.