1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Mất nhà vì vay vốn qua “cò”

Lôi từng hồ sơ nhàu nát giá trị cả tỷ đồng, ông Thiều Văn Nghiệp, cán bộ địa chính xã Trung Châu, huyện Đan Phượng, Hà Nội không dấu được tiếng thở dài. Những năm qua, ông đã từng chứng kiến không ít lần cảnh người nông dân muốn vay vốn, phải qua tay cò mồi nhưng…

Giao hết giấy tờ

Bố ốm, gia cảnh khó khăn, anh Trần Văn Thảo quyết định xoay sở cải thiện cuộc sống. Nghe đồn trong làng có người vay được ngân hàng cả vài trăm triệu làm nghề phụ, anh tìm đến hỏi kinh nghiệm.

“Họ cho tôi xem nhiều hồ sơ đã được vay vốn ngân hàng, chỉ việc ngồi ở nhà, nhân viên ngân hàng khắc đến tận nơi, thẩm định giá trị nhà đất rồi tiền cũng được mang tới tận nhà luôn cho vay”, anh Thảo kể lại.

Vốn không hiểu biết, lại chẳng bao giờ ra khỏi làng quê, anh Thảo vô cùng vui mừng vì có người giúp đỡ tận tình như vậy. Không mảy may nghi ngờ, anh được “cò” hướng dẫn cách ủy quyền cho “cò” làm mọi thủ tục với ngân hàng.

“Để họ vay giúp 300 triệu, tôi phải làm thủ tục sang tên nhà đất của mình cho họ. Sau đó họ sẽ dùng giấy tờ đó vay tiền cho tôi, khi ngân hàng giải ngân, họ sẽ mang tiền về cho tôi đầy đủ. Khi tôi trả tiền, họ sẽ trả lại giấy tờ cho tôi”, anh Thảo nhớ lại.

Thủ tục nhanh chóng được thực hiện, anh Thảo không hề băn khoăn khi tất cả gia sản của cha ông để lại trị giá gần tỷ đồng đã đứng tên người khác. Một người không hề quen biết thông qua mối quan hệ với người làng - Người được cho là nhân viên thẩm định của ngân hàng được cử đến và hẹn sau một tuần sẽ giải ngân.

Nhưng rồi, anh Thảo chờ đợi mãi vẫn chỉ là những lời hẹn. Cuốn sổ đỏ và người vay tiền giúp đã một đi không trở lại. Ông ngậm ngùi làm đơn tố cáo nhưng tình ngay lý gian, giấy tờ nhà đất ông đã sang tên cho người khác một cách hợp lệ.


Mất nhà vì vay vốn qua “cò”



Cũng ủy quyền cho người quen qua giới thiệu để vay vốn ngân hàng, ông Lê Văn Khanh ở Thôn 9 Nại Yên, xã Trung Châu một ngày nọ bỗng nhận được thông báo của Công ty Cổ phần sản xuất xuất nhập khẩu Dệt May (20 Lĩnh Nam Hà Nội) về việc sổ đỏ mảnh đất do ông ủy quyền cho người khác vay vốn ngân hàng hiện đang được ủy quyền toàn quyền sử dụng cho công ty này. Ông Khanh chỉ còn biết kêu trời vì với bản chất một người nông dân thật thà, ông không thể hiểu nổi đường đi ma quỷ của cuốn sổ đỏ mang tên mình.

Cảnh báo không ai tin

Ngay sau khi nhận giấy mua bán nhà của cha con ông Trần Văn Thảo, người nhận có tên Lê Thị Mỹ Hạnh thường trú tổ 22 Phương Liên, Đống Đa, Hà Nội lập tức sang tên cho vợ chồng một cán bộ công an tại Hà Nội. Cũng cuốn sổ đó, vợ chồng cán bộ này tiếp tục mang đi thế chấp, vay hơn 1 tỷ đồng của chị Nguyễn Thu Hà ở Hồng Mai, Hà Nội. Khi quá hạn mà người vay không trả tiền, chị Hà tìm về xã Trung Châu và sự thật đã được hé lộ.

Ông Thiều Văn Nghiệp, cán bộ địa chính xã Trung Châu tâm sự: Ngay khi thấy nhiều gia đình vì mong muốn vay vốn đã sang tên, ủy quyền giấy tờ nhà đất cho các đối tượng kia, tôi đã trực tiếp cảnh báo, thậm chí các đồng chí Chủ tịch, Phó chủ tịch xã cũng can gián nhưng vì tin vào họ nên các hộ nông dân vẫn cương quyết đề nghị chính quyền làm thủ tục cho họ sang nhương đất đai theo yêu cầu của cò.

“Hầu hết người dân sau đó đều nói chưa nhận được tiền hoặc nhận được rất ít so với thỏa thuận bởi “cò” hứa sau khi xong xuôi mọi thủ tục ngân hàng mới giải ngân”, ông Thiều nói.

Cho tới hiện tại, tuy chưa ai bị siết nhà, lấy đất đẩy ra đường song họ không còn là chủ sở hữu tài sản của chính mình nữa. Không ít sổ đỏ đã qua đến 5, 7 đời chủ. Đặc biệt là không cuốn sổ nào nằm trong ngân hàng mà toàn được dùng trao đi đổi lại lấy tiền mặt, hay nằm trong các doanh nghiệp.

Ông Nghiệp cho biết thêm, địa phương cũng nhận được nhiều đơn từ từ những công dân ở các địa phương khác, khẳng định mình đang cầm sổ đỏ một tài sản ở Trung Châu và yêu cầu địa phương ngăn chặn việc chuyển nhượng khác hay xác nhận chủ nhân hiện tại của tài sản đó.

Vì thiếu hiểu biết, cần vốn cải thiện đời sống, rất nhiều người nông dân thật thà chất phác đã bỗng chốc tự biến mình thành người vô sản. Mảnh đất quê hiền lành giờ dậy sóng vì bao cảnh điêu đứng, hoang mang. Một trong những kẻ trong đường dây đã bị công an huyện Đan Phượng bắt giữ, song những người nông dân này cũng không có nhiều hy vọng về cơ may lấy lại tài sản, bởi không biết giờ nó đã đi đâu về đâu.

Theo Hoàng Mai
VEF