"Mật chỉ" của ông trùm khiến sếp tổng lo sợ
Nhiều sếp tổng làm thuê bay ngược bay xuôi, ra Bắc vào Nam, đi nước ngoài liên tục để tìm cách tái cấu trúc doanh nghiệp, ngân hàng.
Căng mình giữ tỉnh táo
"Cả năm qua quá bận rộn với công việc, người luôn thiếu ngủ, mệt mỏi nhưng lúc nào cũng phải giữ đầu óc tỉnh táo để ký các quyết định. Chỉ sai một ly là có thể đối mặt với nguy cơ pháp lý", một doanh nhân khá nổi tiếng chia sẻ.
Hiện tượng sếp tổng làm thuê mỗi tháng hưởng lương thưởng trăm triệu đồng hiện không hiếm. Tuy nhiên, đi đôi với thu nhập khủng như vậy, áp lực đối với họ không hề nhỏ, từ nhiệm vụ được đại hội cổ đông giao cho tới những "mật lệnh" khó cưỡng của các ông chủ.
Trong 2 tháng qua, áp lực trở nên nặng nề hơn bao giờ hết khi đơn vị mà vị giám đốc này đang lèo lái đối mặt với những khoản nợ khổng lồ sắp tới hạn thanh toán mà ông chủ yêu cầu ông phải thu xếp nguồn tiền giải quyết.
Hiện tượng doanh nghiệp xoay sở với món nợ ngập đầu rất phổ biến 3 năm qua, sau khi thị trường bất động sản rơi vào tình trạng trầm lắng, hệ thống ngân hàng thắt chặt cho vay và sức cầu của nền kinh tế suy giảm mạnh. Doanh nghiệp nhỏ nợ ít, lớn nợ nhiều, đa số đều chật vật gồng gánh mối lo lắng "nhất tội nhì nợ".
Giải quyết vấn đề nợ nần, thiếu thanh khoản có nhiều cách. Có thể là chấp nhận thua lỗ, lãi ít bằng cách giải quyết hàng tồn kho, vay nợ ngân hàng, đảo nợ, phát hành cổ phiếu tăng vốn, phát hành cổ phiếu gán nợ...
Gần đây, sự sôi động trở lại của thị trường chứng khoán là cơ hội để không ít doanh nghiệp phát hành cổ phiếu để giải quyết nợ nần và tranh thủ thực hiện các dự án khủng, như KBC của Đô thị Kinh Bắc, FLC của Tập đoàn FLC, NVT của Bất động sản Ninh Vân Bay, Gỗ Trường Thành (TTF), Căn nhà Mơ ước - Dream House (DRH), Địa ốc Hoàng Quân (HQC)...
Hơn một năm qua, khá nhiều doanh nghiệp đã thành công trong kế hoạch phát hành cổ phiếu. TTCK một lần nữa lại chứng tỏ là kênh huy động vốn hiệu quả cho các đại gia trên sàn.
Tuy vậy, TTCK giờ không còn là nơi dễ dàng cho các doanh nghiệp thích là đưa ra bánh vẽ rồi huy động vốn đầu tư, chi tiêu kém hiệu quả, các lãnh đạo rời bỏ doanh nghiệp, cổ phiếu rớt giá...
Trong khoảng 700 doanh nghiệp niêm yết trên 2 sàn, chỉ số ít có khả năng huy động được vốn. Hơn thế, số lượng niêm yết cũng quá nhỏ bé so với hàng trăm nghìn doanh nghiệp trên cả nước.
Giải quyết hàng tồn kho không hề dễ, nhất là đối với nhóm BĐS. Vay nợ ngân hàng hay đảo nợ đối với nhiều doanh nghiệp cũng rất khó bởi tài sản hầu hết đã được thế chấp trong thời kỳ kinh tế, tín dụng bùng nổ trước đó. Hơn nữa, các dự án cũng không còn hấp dẫn, tiềm năng như trước kia, thậm chí có thể là những chiếc hố chôn vùi đồng tiền đầu tư.
Trong bối cảnh như vậy, tất cả trông chờ vào tài xoay sở của các ông chủ và các sếp tổng làm thuê. Áp lực đổ lên đầu các CEO có lẽ là điều dễ hiểu. Và tất nhiên, vất vả là điều khó tránh.
Cuộc chơi mạo hiểm
Trong đó, các sếp tổng làm thuê ngại nhất là áp lực từ các ông chủ và rủi ro pháp lý. Các ông chủ chi cả trăm triệu không phải chỉ để có người quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh, mà còn liên quan tới rất nhiều vấn đề, trong đó có việc ký các quyết định với tư cách là đại diện pháp lý.
Khoảng 2 năm qua, giới đầu tư chứng kiến khá nhiều vụ sếp làm thuê theo các ông chủ hầu tòa, như trường hợp dàn lãnh đạo trong đó có CEO Lý Xuân Hải của Ngân hàng ACB; Chứng khoán SME; Trần Ngọc Thanh, nguyên Giám đốc Công ty ACBI của ông chủ Nguyễn Đức Kiên; gần đây là dàn lãnh đạo ở Ngân hàng Xây dựng...
Với các ngân hàng, sự phức tạp còn lớn hơn bởi đây là các đơn vị kinh doanh tiền tệ, sai phạm có thể là rất lớn và liên quan tới cả sự ổn định của hệ thống.
Sai phạm phổ biến nhất của các ngân hàng thương mại mà rất nhiều CEO mắc phải là huy động lãi suất vượt trần. Tuy nhiên, không phải ngân hàng nào cũng có đủ niềm tin với khách hàng, nhất là trong những thời điểm khủng hoảng về thanh khoản, thì lựa chọn số một của các ngân hàng là huy động với lãi suất cao. Ngân hàng được đảm bảo không phá sản, người dân muốn kiếm sẽ dồn tiền vào.
Hoạt động ủy thác mập mờ, tín dụng dễ dãi, cho vay sân sau (của các ông chủ)... là các vấn đề mà các CEO làm thuê gặp phải và rất khó xử lý.
Trong bối cảnh các ngân hàng chìm ngập trong nợ xấu, thị trường BĐS trầm lắng, cộng đồng doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn từ khâu vốn cho tới bán hàng... những người lèo lái doanh nghiệp chịu áp lực rất lớn.
Các dự án có vốn gấp nhiều lần tài sản của doanh nghiệp ngưng trệ, không được triển khai, các khoản nợ ngập đầu đã và sắp đến hạn mà không có nguồn trả... có thể sẽ khiến các ông chủ làm liều. Làn sóng "ra đi" các CEO trong lĩnh vực ngân hàng, CTCK, BĐS... đã hình thành và có thể còn tiếp diễn, bởi không ít thấy lo ngại trước những tấm gương, bài học thời gian qua.