1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Malaysia và Phislippines quyết trả rác thải, Bộ Tài nguyên nói gì về phế liệu rác thải ở Việt Nam?

(Dân trí) - Xung quanh việc Malaysia và Philippines lên tiếng trả hàng tấn, thậm chí hàng chục nghìn tấn phế liệu là rác thải về các nước Hàn Quốc, Canada, Mỹ, Nhật Bản... -nơi xuất mặt hàng này, lãnh đạo Bộ Tài nguyên khẳng định: phế liệu vô chủ ở Việt Nam nếu xác định được chủ hàng nước ngoài sẽ buộc đưa khỏi Việt Nam. Còn nếu không Việt Nam sẽ phải tự xử lý như rác thải.

Hiện, theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính, hiện nay có hơn 23.000 container phế liệu đang tồn đọng tại các cảng, không có chủ nhân, nhiều container là phế liệu dù xác định được doanh nghiệp đến, song khi bị cơ quan chức năng phát hiện phế liệu không đúng chủng loại khai báo đã từ chối nhận hàng, cho rằng hàng doanh nghiệp đối tác cố ý gửi nhầm.

Malaysia và Phislippines quyết trả rác thải, Bộ Tài nguyên nói gì về phế liệu rác thải ở Việt Nam? - 1

Nếu phế liệu, rác thải vô chủ, cũng không xác định được chủ hàng tại Việt Nam sẽ phải tiêu hủy tại nhà máy xử lý rác thải

Sự việc này không chỉ khiến các cảng biển Việt Nam ùn ứ, mất diện tích chứa hàng còn khiến chi phí lưu kho gia tăng lớn. Nguy hại hơn, những phế liệu như ắc quy, máy móc, bảng điện tử, hóa chất, nhựa hay túi nhựa.... gây nguy hại cho môi trường, biển của Việt Nam.

Theo các cơ quan chức năng như Tổng cục Hải quan, có tình trạng doanh nghiệp, chủ tàu và chủ hàng nước ngoài khai man doanh nghiệp Việt để gửi hàng, tuy nhiên, doanh nghiệp Việt không hề hay biết. Điều này khiến Việt Nam có nguy cơ trở thành nơi chứa những phế liệu không đúng chúng loại, rác thải.

Năm 2017, Trung Quốc - nước nhập khẩu phế liệu lớn nhất thế giới tuyên bố siết chặt nhập khẩu phế liệu, từ chối nhập nhiều loại phế liệu thì các nước Đông Nam Á trong đó có Việt Nam trở thành "miền đất hứa" cho phế liệu từ khắp nơi trên thế giới do chính sách quản lý, thanh lọc phế liệu còn chưa chặt chẽ.

Trả lời câu hỏi của PV Báo Dân Trí, ông Lê Công Thành, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (đơn vị chịu trách nhiệm cấp phép cho doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu) khẳng định: "Theo pháp luật về bảo vệ môi trường về cảnh quan, hiện nay những container phế liệu mà không đủ tiêu chuẩn đã xác định được chủ hàng buộc hãng vận tải phải vận chuyển ra khỏi lãnh thổ của Việt Nam".

Lãnh đạo Bộ Tài nguyên nói thêm: Đối với các container vô chủ hiện nay, nếu không xác định được chủ hàng, nếu đủ tiêu chuẩn để làm phế liệu thì Chính phủ sẽ giao cho Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành có liên quan lập Hội đồng đánh giá giá trị của các container này để tiến hành bán đấu giá.

Còn đối với các container vô chủ, cũng không xác định được chủ hàng, không đủ tiêu chuẩn làm phế liệu thì buộc phải đưa vào các nhà máy xử lý rác thải.

An Linh