“Mặc cả” lãi suất cho vay
(Dân trí) - Lãnh đạo một ngân hàng thương mại tại Hà Nội cho biết, vấn đề khách hàng quan tâm nhất khi đi vay hiện nay là lãi suất. Trên thực tế, nhiều hợp đồng sau khi ký sẽ giảm thêm từ 0,5% - 1%, nếu khách hàng biết mặc cả lãi suất với ngân hàng.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: |
Còn nhớ, vào năm 2007, khi thanh khoản ngân hàng bị “hao hụt” cục bộ, khiến một số nhà băng phải đẩy lãi suất huy động lên xấp xỉ 20%/năm để hút tiền gửi tiết kiệm, trên thị trường xuất hiện những cuộc “mặc cả” lãi suất giữa người đi huy động vốn và người đi gửi tiết kiệm. Thì nay, 8 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng mới chỉ gần 6% (so với mục tiêu đề ra từ đầu năm là 12% - 14%), thị trường lại xuất hiện sự mặc cả về lãi suất.
Lãnh đạo một ngân hàng thương mại tại Hà Nội cho biết, vấn đề khách hàng quan tâm nhất khi đi vay vốn hiện nay là lãi suất. “Hầu hết các khách hàng vay vốn đều có sự thương thảo, mặc cả về lãi suất với ngân hàng. Nhiều hợp đồng sau khi ký sẽ được giảm thêm từ 0,5% - 1%, nếu khách hàng biết mặc cả lãi suất với ngân hàng”, vị lãnh đạo này nói.
Theo TS.Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng, ngân hàng đang mặc cả lãi suất với thị trường, nhưng, không phải vì họ đang “ăn trên lưng” doanh nghiệp mà đang phải trả giá cao cho những sai lầm trước đây của mình vì quá dễ dãi trong cho vay, bao vốn cho sân sau của các ông chủ ngân hàng.
Qua tìm hiểu của phóng viên, quả đúng là nhiều khách hàng đi vay vốn hiện nay có sự mặc cả hoặc nếu không mặc cả được thì cũng đề cập rất kỹ về vấn đề lãi suất với ngân hàng. Hiện, lãi suất cho vay kỳ hạn ngắn của một số nhà băng lớn sau khi được “mặc cả” duy trì ở mức 9% - 9,5%/năm; kỳ hạn dài từ 9,5% - 10%/năm; còn ở một số nhà băng nhỏ, các mức lãi suất cho vay “ưu đãi” dao động từ 9,5% - 10%/năm và 10% - 11%/năm…
Đại diện một nhà băng thừa nhận, các mức lãi suất cho vay như trên vẫn khá cao, trong bối cảnh doanh nghiệp khó hấp thụ vốn như hiện nay. Tuy nhiên, các nhà băng vẫn dùng một lượng vốn ưu đãi nhất định đối với các khách hàng VIP, có hồ sơ vay vốn tốt (thường phải là có tài sản bảo đảm tốt, khả năng trả nợ tốt).
Lãi suất liệu có giảm tiếp?
Ông Nguyễn Tiến Đông, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế thuộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đánh giá: Mức tăng trưởng tín dụng trên vẫn chưa đạt như kỳ vọng, dù dòng vốn tín dụng đã có sự chuyển dịch tập trung vào một số lĩnh vực ưu tiên theo định hướng của Chính phủ.
Tuy nhiên, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế cho rằng, lãi suất tiền vay không còn là sự trở ngại để doanh nghiệp tiếp cận vốn vì tỷ trọng tín dụng có lãi suất trên 13%/năm chỉ còn 13%, trên 15%/năm là 5%, nằm giữa 13 - 15%/năm là 10%. Tính chung tỷ trọng tín dụng có lãi suất dưới 10% chiếm tới 72%.
Dự báo về xu hướng lãi suất ngân hàng thời gian tới, ông Phạm Huy Thông, Phó Tổng giám đốc VietinBank cho biết: Với kỳ vọng lạm phát cả năm khoảng 5% đến dưới 6%, để đảm bảo duy trì lãi suất thực dương cho người gửi tiền, lãi suất huy động gần như không còn dư địa để giảm thêm.
“Đối với lãi suất cho vay, theo thông tin từ Vụ Chính sách tiền tệ NHNN, từ nay đến cuối năm 2014, về cơ bản NHNN vẫn điều hành chính sách lãi suất ổn định như hiện nay. Nếu không có biến động đột biến của chỉ số giá tiêu dùng, các tổ chức tín dụng có thể giảm lãi suất cho vay xuống thêm 1-2%/năm”, ông Thông cho hay.
Còn theo như bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết trong cuộc họp báo thường kỳ của Ngân hàng Nhà nước gần đây thì: “Trong chừng mực nào đó, các tổ chức tín dụng tự cân đối vốn đầu vào và khả năng tài chính để giảm lãi suất cho vay, lãi suất có thể giảm từ 1 - 1,5%năm”.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Lâm Duy, Giám đốc Công ty TNHH Duy Lâm cho biết: “Đi vay vốn hiện nay vẫn khá chật vật. Các ngân hàng thường đòi hỏi tài sản đảm bảo, ít chấp nhận cho vay tín chấp. Mà nếu vay được bằng tài sản đảm bảo thì hồ sơ vay vốn phải đẹp. Hồ sơ càng đẹp thì càng được vay nhanh, lãi suất mềm”.
Đánh giá về xu hướng giảm tiếp lãi suất, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: Ngân hàng rất khó có thể giảm lãi suất trong thời điểm hiện nay. Theo ông Hiếu, sở dĩ các ngân hàng khó giảm lãi suất cho vay, vì trong điều kiện hiện tại họ cần phải có phương án phòng thân, nên phải tính toán rất kỹ.
“Dựa trên giá vốn đầu vào, các ngân hàng lập một biên độ lợi nhuận sao cho tỷ lệ lãi cận biên phải đảm bảo có lãi sau khi đã trích lập dự phòng đầy đủ. Tỷ lệ lãi cận biên thường không cố định, mà tăng giảm theo từng thời điểm và trong điều kiện hiện nay, tỷ lệ này phải khoảng 4 - 5% mới đảm bảo khả năng sinh lời. Còn với ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp, họ cũng muốn có tỷ lệ lãi cận biên cao để làm gối đệm cho mình khi có lượng nợ xấu lớn phát sinh”, ông Hiếu cho biết.
Một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng cho hay, sở dĩ lãi suất cho vay không thể giảm thêm là do tăng trưởng tín dụng thấp khiến các ngân hàng phải đội chi phí lên do vốn huy động được chủ yếu nằm trong két. “Ngân hàng sẽ không tự nhiên giảm lãi suất cho khách hàng nào, mà chỉ khi khách hàng có ý kiến và ngân hàng thấy áp lực từ khách hàng đó. Thế nên trên thị trường hiện nay mới xuất hiện những cuộc mặc cả lãi suất”, vị chuyên gia này chia sẻ.