1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Ma trận giá phòng và tật xấu ép giá giờ chót

Lợi dụng tình trạng khách đông, hết phòng, đặc biệt vào những dịp cao điểm nghỉ lễ, nhiều khách sạn đua nhau tăng giá. Mặc dù có quy định về giá phòng nhưng nhiều chủ khách sạn cũng bầy đủ chiêu trò để chặt chém khách.

Cứ dịp lễ là tăng giá

 

Với chị Nguyễn Quỳnh Loan, sống tại quận Cầu Giấy, Hà Nội, nỗi ám ảnh khi đi du lịch Cửa Lò vào năm 2011 vẫn chưa hết. Đợt nghỉ lễ dịp 30/4 và 1/5 năm đó, chị và gia đình đi du lịch biển Cửa Lò bằng tàu hỏa. Sau chặng đường dài mệt mỏi, đoàn nhà chị chỉ mong được về khách sạn để nghỉ ngơi. Tuy nhiên, khi vào làm thủ tục nhận phòng, chị mới ngã ngửa rằng không còn phòng cũng không có ai tên như nhà chị trong sổ đăng ký. Sau một hồi phản ứng quyết liệt, quản lý khách sạn mới nói rằng hôm đó nhân viên lễ tân trực điện thoại quên không ghi vào sổ. Vị chủ khách sạn xin lỗi và cho biết hiện không còn loại phòng 500 nghìn đồng/đêm như chị đặt trước đó, mà chỉ còn loại phòng 1,2 triệu đồng/đêm.

 

Quá mệt mỏi và lúc đó đã hơn 10 giờ đêm, đoàn nhà chị cũng đành phải gật đầu đồng ý. “Họ nói sơ ý của nhân viên chỉ biết xin lỗi nhưng thực tế là họ làm chiêu đó để tăng giá phòng. Mình biết dịp lễ bao giờ cũng tăng giá phòng nên đặt sớm ai ngờ đâu cũng bị rơi vào hoàn cảnh này. Nghĩ mà ức nhưng không làm gì được”, chị Loan chia sẻ. Cũng từ đó, chị Loan rút kinh nghiệm không bao giờ đi du lịch dịp lễ để tránh bị chặt chém vì các chủ khách sạn tăng giá vô tội vạ.
 
Ma trận giá phòng và tật xấu ép giá giờ chót

 

Cũng từng rơi vào hoàn cảnh tương tự như chị Loan, anh Nguyễn Duy Hoàng - nhân viên văn phòng tại Láng Hạ - kể rằng: Năm kia đúng dịp Noel, anh cùng nhóm bạn đi du lịch Sapa. Tới nơi là tờ mờ sáng, nhóm anh Hoàng gồm 5 người phải chịu cảnh màn trời chiếu đất co ro trong giá rét vì không còn phòng khách sạn. Chủ khách sạn trả lời dửng dưng rằng do khách đông nên “cháy phòng” và họ chỉ ưu tiên cho người đến sớm. Cuối cùng, nhóm anh đành phải nghỉ trong một ngôi nhà của người dân.

 

“Bọn mình phải lang thang khắp nơi, hỏi đâu cũng lắc đầu không còn phòng, nghĩ mà bực. Năm nào cũng thế dịp lễ là các khách sạn, đặc biệt là tư nhân, đua nhau tăng giá”, anh Hoàng nói.

 

Chị Nguyễn Hải Yến (ở đường Kênh, Nam Định) cho biết, chị đặt phòng khách sạn ở bãi biển Thịnh Long, Nam Định cách dịp nghỉ lễ gần 1 tháng, nhưng đến khi chuẩn bị đi chơi thì được khách sạn thông báo từ chối với lý do khách đông nên phải thỏa thuận lại giá. Chị đành phải chấp nhận trả thêm 300.000 đồng/phòng mà khi đến nơi, khách sạn vẫn thông báo chưa có phòng. Cuối cùng, họ trả lại tiền cọc cho chị và bồi thường thêm 100 nghìn đồng.

 

Sau này, chị mới biết khách sạn đã cho thuê các phòng mà chị đặt từ trước. Ấm ức trong lòng nhưng gia đình chị Yến cũng không biết phản ánh lên cơ quan nào.

 

Khó xử lý

 

Thực tế, chuyện tăng giá khách sạn, nhà nghỉ dịp lễ dịp cao điểm rất hay xảy ra. Mặc dù đã có những quy định nhưng nhiều khách sạn vẫn có “chiêu” lách để thu tiền phòng cao hơn quy định. Còn hệ thống nhà nghỉ, việc quản lý giá gần như bị bỏ trống nên nhiều nhà nghỉ đã thi nhau hét giá.

 

Đơn cử như tại Đà Nẵng, vào dịp lễ hội bắn pháo hoa năm 2012, hầu hết các đơn vị lưu trú đều tăng giá phòng, không ít khách sạn hét giá từ 1,5-2 triệu đồng/đêm cao gấp nhiều lần ngày thường. Một số khách sạn ven biển các quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn hoặc trên đường Hùng Vương, Phan Chu Trinh, Lê Duẩn (quận Hải Châu), giá phòng trong 2 ngày 29 và 30/4 tăng từ 2-3 lần so với ngày thường và vẫn đắt khách, đạt xấp xỉ 100% công suất. Nhiều khách sạn còn ép du khách phải đặt phòng từ 3 đêm trở lên hoặc kèm theo suất ăn ăn từ 400-500 nghìn đồng mỗi ngày mới đồng ý cho ở.

 

Tại nhiều bãi biển như Sầm Sơn (Thanh Hóa), Hải Thịnh, Quất Lâm (Nam Định), Đồ Sơn (Hải Phòng), Cửa Lò (Nghệ An),... cũng diễn ra tương tự. Giá phòng đặt trước tăng 1,5 đến 2 lần so với giá niêm yết, những khách thuê trực tiếp thường bị ép giá cao gấp nhiều lần. Nhiều địa điểm du lịch như Đà Lạt, Sapa,... giá phòng trong dịp lễ cũng tăng lên gấp đôi so với ngày thường.

 

Ông Nguyễn Trung Hiếu, Giám đốc một công ty du lịch, cho rằng, khách sạn tự ý tăng giá quá quy định ảnh hưởng lớn đến môi trường du lịch, kéo theo giá các tour tăng theo khiến không ít du khách e ngại.

 

Để giải quyết tình trạng này, chính quyền TP. Đà Nẵng đã “siết” giá các khách sạn bằng việc ký cam kết niêm yết giá công khai và không tăng giá quá quy định. UBND TP. Đà Nẵng đã có công văn yêu cầu xử phạt với mức cao nhất là thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với các khách sạn có hành vi tăng giá quá mức, vi phạm quy định về bình ổn giá và các hành vi vi phạm khác.

 

Tại Quảng Ngãi, trước thông tin về một số công ty lữ hành, công ty du lịch có biểu hiện thao túng phòng trọ, tự ý nâng giá phòng nghỉ trong dịp Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa ở huyện đảo Lý Sơn, cơ quan chức năng cũng đã có biện pháp xử lý, chấn chỉnh nhằm chấm dứt tình trạng trên.

 

Trước tình trạng cháy phòng diễn ra phổ biến dịp lễ, ông Hiếu đưa ra lời khuyên, khách nên có kế hoạch du lịch từ sớm để đặt tour hay tự đặt phòng để có giá rẻ và nhiều lựa chọn. Trước khi đi nên tìm hiểu thông tin để nắm rõ đơn vị lữ hành hay khách sạn chuẩn bị thuê có uy tín chất lượng hay không. Trong trường hợp “cháy phòng” có thể trọ tại nhà dân theo dịch vụ (homestay). Còn tiết kiệm nhất và tránh gặp phiền toái thì tốt nhất nên tránh đi du lịch vào những dịp này.

 

Theo D.Anh

VEF

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm