“Ma lực” kinh doanh ngân hàng

Hồ sơ xin cấp phép gửi tới Ngân hàng Nhà nước đã lên đến 20 bộ, gấp đôi so với thời điểm cách đây 2 tuần, dù phải trên dưới 10 ngày nữa, quy chế thành lập ngân hàng mới có thể được ban hành.

Theo yêu cầu của Thủ tướng, ngay tháng 3 Ngân hàng Nhà nước phải trình dự thảo nghị định về quản trị, tổ chức và hoạt động của ngân hàng thương mại, đồng thời công bố các tiêu chí, điều kiện, trình tự thủ tục và hồ sơ cấp phép thành lập mới ngân hàng, việc mở chi nhánh và tăng vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại cổ phần.

Một quan chức Ngân hàng Nhà nước cho hay, dự thảo lần cuối quy chế cấp phép thành lập ngân hàng đã được hoàn tất, sau khi lấy ý kiến các vụ chức năng trong cơ quan. Dự kiến đầu tuần sau, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sẽ ký duyệt và gửi tới các bộ, ngành để xin ý kiến.

"Dự thảo quy chế sẽ được trình lên Chính phủ và ban hành chậm nhất trong 10 ngày đầu tháng 4, trễ khoảng 1 tuần so với yêu cầu của Thủ tướng", vị quan chức này nói. Ông cho biết thêm, bản mới nhất không thay đổi nhiều so với dự thảo công bố cách đây hai tuần và tinh thần chung là không dễ dãi với việc cấp phép thành lập mới ngân hàng.

Trong khi quy chế cấp phép chưa hoàn tất, cuộc đua xin mở ngân hàng đang ngày càng nóng bỏng. 10 năm qua, Việt Nam chưa cấp phép thành lập bất cứ ngân hàng nào. Nhưng từ cuối năm ngoái đến giữa tháng 3 năm nay, đã có 10 hồ sơ nộp lên Ngân hàng Nhà nước.

Và chỉ trong vòng nửa cuối tháng 3, lại có thêm 10 bộ. 2 trong tổng số 20 bộ kể trên là của ngân hàng nước ngoài, xin phép thành lập ngân hàng con 100% ở Việt Nam. Phần còn lại là của các pháp nhân trong nước, trong đó có cả những đại gia đến từ lĩnh vực công nghệ thông tin, dầu khí, những cái tên chẳng mấy quen thuộc trong lĩnh vực kinh doanh ngân hàng song rất có thực lực về vốn. Phần lớn các dự án đều có mức vốn điều lệ trên 1.000 tỷ đồng.

Không chịu để những kẻ đến sau lấn lướt thị trường, các ngân hàng thương mại cổ phần đang hoạt động cũng đua nhau tăng vốn. Anh cả Sacombank (Ngân hàng cổ phần Sài Gòn Thương Tín) gây sốc bằng kế hoạch tăng vốn từ 2.089 tỷ đồng lên 4.450 tỷ đồng ngay trong năm 2007, thay vì dự định ban đầu là tăng lên 3.540 tỷ đồng. Anh hai ACB (Ngân hàng cổ phần Á Châu) không chịu kém, huy động từ các nguồn khác nhau để có thêm 1.500 tỷ đồng nhằm nâng vốn điều lệ lên 2.630 tỷ đồng.

Nhiều ngân hàng thuộc lớp đàn em cũng đang cố chen chân gia nhập câu lạc bộ 2.000 tỷ, 1.000 tỷ đồng. Trong lúc này, hàng loạt ngân hàng cổ phần nông thôn (bị giới hạn hoạt động) cũng vội vã đệ đơn xin chuyển đổi mô hình thành ngân hàng đô thị nhằm mở rộng phạm vi, địa bàn hoạt động và tăng thị phần.

"Trong bối cảnh hội nhập, nền kinh tế tăng trưởng cao và khát vốn, những người có đầu óc kinh doanh nhạy bén và có thực lực về vốn không thể không nhìn thấy ngân hàng là lĩnh vực đáng bỏ tiền đầu tư. Chúng tôi dự báo năm nay xu hướng thành lập mới ngân hàng sẽ nở rộ", Phó giám đốc Học viên Ngân hàng Tô Kim Ngọc cho biết.

Theo bà Ngọc, trong nền kinh tế thị trường, tài chính ngân hàng luôn là lĩnh vực trọng tâm. Từ cuối thế kỷ trước, nhiều người đã dự báo thế 21 là thời đại của của các ngành kinh doanh tài chính, bảo hiểm, ngân hàng.

Ở Việt Nam, những điều kiện cho sự phát triển của lĩnh vực ngân hàng được hình thành qua quá trình đổi mới và giờ đây đã trở nên chín muồi. Tốc độ tăng trưởng quy mô cũng như lợi nhuận ngân hàng đang là hấp lực với giới kinh doanh. Hơn nữa, ngân hàng đang là lĩnh vực hút vốn dễ nhất, kể cả qua hình thức huy động tiền gửi hay qua thị trường chứng khoán.

Theo lộ trình mở cửa, từ 1/4, các ngân hàng 100% vốn nước ngoài bắt đầu được hoạt động ở Việt Nam, tạo sức ép cạnh tranh không nhỏ với giới kinh doanh ngân hàng trong nước. Theo bà Ngọc, việc thành lập thêm các ngân hàng nội địa, hay sự tăng vốn, mở rộng chi nhánh của các ngân hàng đang hoạt động cũng là một xu hướng tốt cho nền kinh tế và tốt cho bản thân các ngân hàng nội địa.

"Đây cũng là cách để họ tăng thị phần, củng cố vị thế trước khi yếu tố ngoại tràn vào thị trường. Mặt khác, có thêm nhiều ngân hàng cũng tạo sức ép cạnh tranh lành mạnh, giúp nâng chất lượng dịch vụ và củng cố an toàn hệ thống theo hướng có lợi cho người dân, cho nền kinh tế", bà Ngọc bình luận.

Tuy nhiên, chuyện thiên hạ đổ xô kinh doanh ngân hàng khi ma lực của lĩnh vực này cực lớn là điều khiến cơ quan quản lý vốn đã thận trọng càng chặt chẽ hơn. Trao đổi với báo chí mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Đức Thúy tuyên bố không dễ dãi với chuyện cấp phép thành lập mới ngân hàng.

Từ góc độ nhà nghiên cứu, bà Ngọc cho rằng chưa có bằng chứng xác thực nào về việc tăng vốn, thành lập mới ngân hàng để trục lợi, bởi để đáp ứng được các tiêu chí xin tăng vốn, cấp phép của Ngân hàng Nhà nước không hề dễ dàng. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập, những ngân hàng quy mô nhỏ, chất lượng dịch vụ không đảm báo sẽ bị thị trường đào thải.

"Xu hướng thành lập ngân hàng, tăng vốn, nhìn chung là rất tốt cho nền kinh tế, với điều kiện các tiêu chí cấp phép phải chặt chẽ, minh bạch nhằm đảm bảo an toàn hoạt động của bản thân ngân hàng và toàn hệ thống. Trong bối cảnh nền kinh tế đang cần vốn để tăng trưởng, điều quan trọng không phải là nên có bao nhiêu ngân hàng, mà quy mô và khả năng cung ứng đủ vốn của hệ thống ngân hàng mới là yếu tố tiên quyết", bà Ngọc nhận định.

Theo Song Linh
VnExpress