Lương chưa tăng được, tiền đâu làm “siêu dự án” Long Thành?
(Dân trí) - Ngổn ngang những mối lo, hoang mang những câu hỏi, nghi hoặc những con số… Những yếu tố đó được đưa lên bàn cân để đối chứng với những đòi hỏi cần thiết về việc đầu tư dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành…
Chiều 4/11, Quốc hội dành thời gian thảo luận tại các đoàn ĐBQH về chủ trương đầu tư xây dựng sân bay Long Thành.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: |
“Tôi đã từng tham gia quân tiếp quản vào Sài Gòn sau giải phóng. Vào sân bay Tân Sơn Nhất ngày ấy và đến giờ nhìn lại mới thấy xót xa vì sự thiếu quản lý khiến toàn bộ quy hoạch bên trong, bên ngoài khu vực này đều vị phá vỡ cả. TPHCM đã thống kê, muốn mở rộng sân bay này thì phải di chuyển gần nửa triệu dân – một con số kinh khủng. Hạ tầng xung quanh sân bay cũng khó có phương án đáp ứng khi chỉ có 2 tuyến giao thông hướng đến đây đều đã tắc nghẽn, áp lực” – ông Nam nói.
Trả lời câu hỏi thứ 2, có thể làm sân bay này trong những năm tới, đại biểu Lê Nam nhắc lại phát biểu của Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng là bản thân ông cũng trăn trở vì “siêu dự án” có khả năng gây áp lực lên ngân sách đang khó khăn. Tuy nhiên, ông Nam phân tích lại, kỳ họp này Quốc hội chưa quyết việc đầu tư ngay, mới chỉ là trình xin ý kiến, trên cơ sở nếu được ủng hộ, chấp thuận mới tiếp tục xây dựng phương án đầu tư cụ thể để trình Quốc hội xem xét quyết định.
Mới xin chủ trương trong khi dự án thì thấy rõ là rất cần thiết, vậy thì, ông Nam quả quyết, “không có gì mà không đồng ý cả” vì chưa phải lo chuyện có tiền chi tiêu lúc nợ công đang “găng”, chưa có gì phải đặt ra chuyện cân đối ngân sách cho việc này. Đại biểu cũng bày tỏ lạc quan với hướng đề xuất của Bộ GTVT là để DN vay lại vốn ODA từ Chính phủ, tự vay tự trả.
Đại biểu Nguyễn Văn Bình (Hải Phòng) dẫn lại chuyện đầu tư đường dây 500KV Bắc – Nam. Dự án ban đầu cũng gây hoang mang cho là quá “khủng”, quá lãng phí. 10 năm sau, cho đến bây giờ mới thấy tác dụng, sự đúng đắn, thức thời của những người làm dự án khi đó.
Thêm một phiếu ủng hộ chủ trương đầu tư làm Long Thành, ông Bình cũng gạt đi lo ngại số vốn khủng của dự án. Đại biểu lập luận, miễn là cơ quan chuẩn bị chứng minh được tính hiệu quả của dự án, chắc chắn việc huy động các đối tác, các nhà đầu tư tham gia không cần phải lo.
Thượng tướng Nguyễn Văn Hiếu – Thứ trưởng Bộ Công an nhận định, tính cần thiết của dự án ai cũng có thể thấy rõ nhưng tính cấp thiết trong thời điểm hiện tại thì chưa thể hiện được trong báo cáo đầu tư. Ông Hiếu chia sẻ lo lắng về thực tế nhiều công trình đầu tư xây dựng, ngốn hàng nghìn tỷ xong rồi để đấy, như dự án Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam, mỗi năm chỉ dùng được ít ngày vào việc lễ tiết.
Tướng Hiếu cho rằng, cần tính lại thời gian thực hiện dự án, không nên vội vàng, 2020 sân bay Tân Sơn Nhất mới thực sự quá tải khi vượt ngưỡng công suất thiết kế 25 triệu khách thì thời điểm đó làm Long Thành sẽ chắc chắn hơn, 5 năm tới (2015 - 2020) nên được dành cho việc chuẩn bị đầu tư thật kỹ lưỡng.
“Ít năm nữa, kinh tế đất nước chắc cũng khá hơn nhiều rồi, tích lũy cũng ổn hơn, việc khởi công dự án sẽ chắc ăn, đỡ áp lực hơn. Lúc đó, các đối tác nước ngoài cũng nhìn thấy triển vọng lớn, rõ ràng hơn ở Việt Nam, ta sẽ dễ thuyết phục, kêu gọi đầu tư hơn”- ông Hiếu lập luận.
Thứ trưởng Bộ Công an cũng gợi ý một vấn đề khác là phương pháp lên kế hoạch. Không đồng tình với phương án giải phóng mặt bằng một lúc cả 5000ha cho dự án có 3 giai đoạn thực hiện, kéo dài đến tận 2030, ông Hiếu cho là tự “ôm” khó khăn. Theo đại biểu, nên lấy đất dần cho từng giai đoạn triển khai vì chưa dùng đến thì đất để đấy cũng là lãng phí, cần để người dân tiếp tục canh tác trong bối cảnh đất nông nghiệp đang rất thiếu hiện nay.
Mối lo khác trong mắt tướng Hiếu là mục tiêu xác định xây dựng Long Thành là một cảng hàng không trung chuyển lớn trong khu vực. Câu hỏi ông Hiếu đặt ra, việc cạnh tranh với các sân bay trung chuyển đã có sẵn của Thái Lan, Singapore sẽ khó khăn. Thứ trưởng Bộ Công an dẫn chứng, Malaysia cũng xây dựng sân bay trung chuyển nhưng chưa thu hút được khách vì phải cạnh tranh với sân bay của Thái, của Sing.
Ai chịu trách nhiệm nếu trì hoãn Long Thành
Những ý kiến “can gián” có thể ghi nhận nhiều nhất tại tổ thảo luận của đoàn ĐBQH TPHCM.
Đại biểu Võ Thị Dung của đoàn này cũng không phủ nhận tính cần thiết của dự án nhưng cho rằng báo cáo đầu tư có nhiều điểm chưa thuyết phục. Đại biểu lo ngại hướng “đóng cửa” sân bay Tây Sơn Nhất để dồn khách cho Long Thành vì mục tiêu hút 100 triệu hành khách/năm của dự án này quá lớn.
Nữ đại biểu khái quát, đông đảo cử tri TPHCM không đồng tình nếu để mở cửa Long Thành lại đóng cửa Tân Sơn Nhất. Còn nếu không đóng cửa sân bay này thì quy mô đặt ra của Long Thành quá lãng phí.
“Bộ trưởng Bộ KH-ĐT nói, với tốc độ phát triển kinh tế 8-9%/năm thì 40 năm nữa Việt Nam mới bằng Hàn Quốc. Vậy thì ta có cần ngay một sân bay lớn như Long Thành, để phục vụ ai, phục vụ việc gì?” – bà Dung đặt câu hỏi.
Bà Dung cũng cho rằng, dự án “làm mất lòng tin” của người dân khi Chính phủ lập luận là không thể mở rộng Tân Sơn Nhất. Bỏ qua lý giải về việc khu đất hơn 160ha trong khuôn viên sân bay này đang được dùng làm sân golf khó chuyển sang làm đường băng được vì có hình tam giác, đại biểu lý luận, các chuyên gia hàng không mà đoàn ĐBQH TPHCM đã tiếp xúc đều khẳng định có thể làm được.
Đại biểu cũng không tin số liệu đưa ra là khoảng 140.000 hộ dân phải giải tỏa nếu muốn làm thêm đường băng ở Tân Sơn Nhất. Số liệu dự báo sản lượng khai thác hàng năm của sân bay này cũng có sự vênh lớn, chênh đến 2 lần giữa nguồn thống kê của UBND TPHCM và TCty Hàng không VN.
Về vấn đề vốn cho dự án, phản bác đề xuất giữ lại 5.000 tỷ đồng tiền cổ phần hóa TCty Cảng Hàng không VN để dành cho việc giải phóng mặt bằng, đại biểu lật lại, không coi số tiền đó là tiền ngân sách là không được vì tiền vốn của DNNN cũng là tiền của người dân.
Đại biểu Nguyễn Văn Minh cũng đề nghị xem xét lại dự án, xem lại tính xác thực của các con số 140.000 hộ dân phải di dời nếu muốn mở rộng, làm thêm một đường băng tại sân bay Tân Sơn Nhất, 9 tỷ USD tiền bồi thường cho phương án này, tính hiệu quả, khả năng hoàn vốn của Long Thành… vì đó đều chỉ là ước tính, là kỳ vọng, là tình huống đẹp nhất đặt ra.
“Nợ công đang chồng chất. Trong nước thì không có tiền tăng lương. Chuyện 2016 tới chưa biết thế nào mà giờ này đã bàn chuyện Long Thành. Người dân chỉ mong một điều, làm sao nhà nước tiết kiệm chi hơn để tăng lương được, nếu không tăng chung cho cả nước thì cũng tăng trước cho những đối tượng khó khăn, người có lương hưu thấp, công chức đang phải thắt lưng buộc bụng, gồng mình gánh sức ép mấy năm nay. Một người lái xe ngày kiếm 150.000 đồng, một công chức, viên chức lương chì vài ba triệu đồng/tháng. Đồng tiền bỏ ra phải xót lắm” – ông Minh ta thán.
Giữ quan điểm bình tĩnh hơn, đại biểu Trần Du Lịch nhận xét, báo cáo giải trình bố sung của Chính phủ đã làm rõ được nhiều điểm mờ về dự án. Việc cần tính là phương án thu xếp để nâng công suất khai thác của Tân Sơn Nhất lên 30-40 triệu khách/năm được không, nếu nâng được thì sau 2020 mới phải tính tới làm Long Thành.
Cái khó hiện tại, ông Lịch nhìn thẳng là Tân Sơn Nhất khai thác 1 đường băng đã có có thể đảm bảo gánh 25 triệu hành khách/năm. Vì khoảng cách 2 đường băng hiện tại quá hẹp nên dùng 2 đường băng này thì cũng chỉ nâng được công suất lên đôi chút (26 triệu khách/năm). Nếu không dám đảm bảo nâng công suất Tân Sơn Nhất lên được thì đến 2020, khi sân bay quá tải, ai sẽ phỉ chịu trách nhiệm về việc trì hoãn Long Thành?
Việc xây dựng sân bay Long Thành được cho là bức thiết, nhưng cần 84.000 tỷ đồng tiền ngân sách, trong khi nợ công đã gần ngưỡng nguy hiểm. Theo bạn có nên đặt vấn đề xây sân bay Long Thành lúc này? | ||||
| ||||
P.Thảo