Lòng tin cho doanh nghiệp Nhật trượt dốc sau vụ bê bối của Mitsubishi

(Dân trí) - Chủ tịch Hội đồng quản trị của Mitsubishi Materials, ông Akira Takeuchi đã xin lỗi về việc làm giả số liệu các linh kiện bán cho các nhà sản xuất xe hơi, máy bay và thiết bị công nghiệp suốt hơn 1 năm qua.

mitsubishi

Chủ tịch Akira Takeuchi nói: “Tôi xin lỗi sâu sắc vì gây ra nhiều rắc rối cho các khách hàng và cổ đông”. (Nguồn: Toru Hanai)

Tờ The New York Times đưa tin, ba trong số các công ty con của Mitsubishi Materials đã giả mạo dữ liệu về sản phẩm để đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật của khách hàng. Công ty này đã đệ trình một báo cáo cho Bộ Giao thông Nhật Bản vào hôm 24/11 vừa qua.

Cụ thể, các nhà quản lý tại một trong ba công ty con này đã biết việc giả mạo dữ liệu từ tháng 2 năm nay sau một cuộc kiểm tra nội bộ. Tuy nhiên, họ không báo cáo vấn đề này với công ty mẹ cho đến tháng 10 vừa qua và phải mất thêm một tháng nữa thì Mitsubishi Materials mới công khai vụ bê bối này.

Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, ông Hiroshige Seko, đã gọi vụ bê bối của công ty này là một vấn đề nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến niềm tin vào nền công nghiệp sản xuất của Nhật Bản. Giá cổ phiếu của Mitsubishi Materials đã giảm 8% vào hôm 24/11.

Đáng nói, Mitsubishi cho biết họ đã chuyển các sản phẩm có số liệu giả mạo cho hơn 250 khách hàng. Công ty này không công bố cụ thể tên các khách hàng, nhưng các sản phẩm của công ty được sử dụng trong nhiều ngành công nghiệp như ô tô, máy bay,...

Trong đó, hãng Boeing, hãng mua lại các linh kiện máy bay phản lực từ các công ty con của Tập đoàn Mitsubishi, cho hay họ đang xem xét lại chuỗi cung ứng của mình.

“Chất lượng và sự an toàn của sản phẩm là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi. Chúng tôi đã nắm được thông tin về vụ bê bối này và đang xem xét lại vấn đề. Tập đoàn sẽ có hành động kịp thời và thích hợp trong trường hợp cần thiết”, Boeing cho biết trong một tuyên bố.

Tờ Business Insider cho biết, những rắc rối của Mitsubishi Materials cũng đã làm ảnh hưởng đến uy tín của các nhà sản xuất lớn khác như Nissan Motor và Kobe Steel, trong đó có vụ giả mạo số liệu ít nhất trong suốt một thập kỷ tại Kobe Steel.

Theo đó, trong một loạt các thông báo từ tháng trước, công ty sản xuất thép này thừa nhận giả mạo dữ liệu về chất lượng của nhôm, đồng và các sản phẩm khác để đạt được các tiêu chuẩn đã hứa hẹn với khách hàng dù trên thực tế không được như vậy.

Tuy nhiên, Kobe Steel đã đổ lỗi cho việc cắt giảm chi phí, sự giám sát lỏng lẻo của các nhà điều hành và văn hóa doanh nghiệp chệch hướng đã làm nản lòng các nhân viên tại đây.

Bên cạnh đó, Nissan và Subaru đã công nhận hồi tháng trước rằng họ đã thuê lao động không đạt yêu cầu của cơ quan quản lý Nhật Bản để kiểm tra chất lượng xe sản xuất cho thị trường trong nước. Điều này đã khiến hãng này phải thu hồi hàng ngàn sản phẩm.

Hãng Takata cũng chịu thiệt hại đáng kể khi phải thu hồi hàng triệu xe trên toàn cầu, sau đó tuyên bố phá sản hồi tháng 6, do cuộc khủng hoảng lỗi túi khí lớn nhất lịch sử. Còn Toshiba vẫn chưa thể gượng dậy sau vụ bê bối gian lận kế toán và thua lỗ trầm trọng mảng điện hạt nhân tại Hoa Kỳ.

Hồng Vân (Tổng hợp)