Loay hoay bài toán điện ở Việt Nam

(Dân trí) - Để có một thị trường điện cạnh tranh, Việt Nam buộc phải tăng giá bán điện để thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Nhưng điều này vấp phải tâm lý không muốn tăng giá của người dân và sự cản trở của “nhóm lợi ích” trong ngành.

Mấu chốt của thị trường điện ở Việt Nam hiện nay là lưới điện đang nằm trong tay EVN.
Mấu chốt của thị trường điện ở Việt Nam hiện nay là lưới điện đang nằm trong tay EVN.

Độc quyền về lưới điện

Tạp chí Nhà kinh tế (The Economist) vừa đăng tải bài báo đề cập đến hiện trạng ngành điện ở Việt Nam với dẫn đề về sự kiện năm 1894, Hoàng tử Pháp Henri d’Orléans đã xuất bản một cuốn sách kể về chuyến hành trình đi tới mọi miền Pháp thuộc. Hầu như xuyên suốt cuộc hành trình ông đều tràn đầy lạc quan, tuy nhiên, khi cập cảng miền Bắc Việt Nam, giọng văn của ông bắt đầu cho thấy sự căng thẳng và ca thán về thái độ làm việc chậm chạp, lề mề của một chính quyền đầy nhiêu khê trong việc khai thác than ở bản địa.

Đến nay, tác phong “nhiêu khê hành chính” một lần nữa lại trở thành lực cản đối với dòng vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực năng lượng ở Việt Nam. Tờ Tạp chí đánh giá, nguồn cung điện ở Việt Nam được cho là “tương đối đáng tin cậy”, trong tương quan so sánh với các quốc gia như Myanmar hoặc Pakistan.

Bài viết nêu lên hiện trạng, đời sống thường nhật của người dân Việt Nam vẫn đang phải hứng chịu những đợt cúp điện luân phiên do sụt áp. Và tình trạng này được giới phân tích cảnh báo sẽ ngày càng trầm trọng thêm nếu Chính phủ không có những cải cách nhằm hạn chế tính độc quyền và khuyến khích các công ty nước ngoài xây thêm nhà máy điện.

Luật Điện lực 2004 sửa đổi có hiệu lực từ tháng 7/2013 đã tái khẳng định kế hoạch dài hạn của nhà nước nhằm thiết lập một thị trường điện cạnh tranh. Thế nhưng, Chính phủ vẫn đang rất chật vật để có thể huy động được gần 5 tỷ USD mỗi năm nguồn đầu tư cần thiết đáp ứng nhu cầu điện cho 90 triệu dân.

Tác giả bài viết chỉ rõ, vấn đề then chốt chính là việc lưới điện đang nằm trong tay Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và một số công ty nhà nước khác.

Còn nhớ, tại buổi Tọa đàm ngày 20/7/2012, Phó Tổng giám đốc EVN Đinh Quang Tri từng thẳng thắn nói rằng, vấn đề thị trường hóa ngành điện, dù muốn nhanh cũng phải có lộ trình, phải làm từng bước và không thể làm ngay. Đặc trưng của ngành điện Việt Nam hiện nay là lưới truyền tải và lưới phân phối là độc quyền tự nhiên do đó, “muốn phá cũng không được”.

Ông Tri phân tích, “không ai lại đi làm thêm một đường dây 500 kV nữa để cạnh tranh tranh lại, sẽ phải tốn hàng tỉ USD. Cũng không phải Chính phủ nào cũng có thể cho phép 1 công ty khác làm thêm một mạng lưới điện khác đến từng khu vực, do quá tốn kém nguồn lực đất nước”. Thậm chí thổ lộ rằng, “Bản thân EVN không muốn độc quyền mà thực tế chúng tôi cũng rất muốn kêu gọi những doanh nghiệp khác vào để cùng đầu tư”.

Chẳng ai dại gì đầu tư để lỗ!

Theo quy định pháp luật hiện hành, EVN phải bán phần lớn sản lượng điện với mức trung bình không thể mang lại lợi nhuận là 7cent/kWh. Điều đó đồng nghĩa với việc EVN phải gánh trên mình những nợ chồng chất đối với các tập đoàn nhà nước khác như than và khí (khoảng 10.000 tỷ đồng).

Một lãnh đạo của EVN gần đây phát biểu trên báo giới cho hay, lỗ lũy kế của EVN từ năm 2009-2011 đã vượt 940 triệu USD và việc tăng giá điện thêm 5% hồi tháng 8 không có nhiều ý nghĩa.

Với tăng trưởng nhu cầu điện mỗi năm tới 14%, Việt Nam không thể kéo dài mãi tình trạng như hiện nay. Trước nguy cơ cạn dần nguồn dự trữ than và khí dễ khai thác, dự kiến đến năm 2015, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia nhập khẩu năng lượng.

Trong khi nhà đầu tư trong nước không có vốn xây các nhà máy nhiệt điện hiện đại để tăng sản lượng và thay thế cho các nhà máy cũ thì kế hoạch phát triển 10.700 MW điện hạt nhân vào năm 2030 vẫn rất xa vời.

Còn duy trì mức giá bán điện thấp như hiện nay thì cũng không thể thu hút được bất cứ đầu tư nước ngoài khi mà bỏ vốn vào nhưng không thu được lợi nhuận.

Một cột điện chằng chịt dây cáp viễn thông như mạng nhện ở Việt Nam đăng tải trên Economist.
Một cột điện chằng chịt dây cáp viễn thông như "mạng nhện" ở Việt Nam đăng tải trên Economist.

Cái khó của Chính phủ và sự cản trở của "lợi ích nhóm"

Economist cũng chỉ ra cái khó của Chính phủ Việt Nam hiện nay là nếu muốn hút đầu tư thì phải tăng giá điện và tăng rất mạnh. Nhưng năng lượng giá rẻ lại là một phần thiết yếu trong đời sống sinh hoạt và sản xuất, như Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam gọi, đó là “thức ăn” của công nghiệp và của nền kinh tế.

Giữa lúc Chính phủ lo ngại việc tăng giá sốc sẽ vượt quá sự chịu đựng của nền kinh tế thì thực tế là người dân nghèo lại vô cùng nhạy cảm với chi phí sinh hoạt. Ông Đinh Quang Tri cũng trả lời PV Dân trí tại một phiên họp báo rằng, đứng trên góc độ người tiêu dùng, tăng giá 1 đồng cũng là bất hợp lý. Vị lãnh đạo này nói, “Kể cả bản thân tôi, khi tôi về nhà, vợ tôi cũng sẽ nói tăng giá là không phù hợp”.

Vì thế, Economist tỏ ra quan ngại, chưa rõ Việt Nam sẽ có thể đi được đến đâu trong kế hoạch tạo ra một thị trường điện cạnh tranh và minh bạch hơn mà tại đó, nhà nước sẽ không còn đóng vai trò chi phối như hiện nay.

Trên thực tế, Chính phủ Việt Nam đã nêu rất rõ quan điểm, mặc dù kiên trì lộ trình tăng giá điện để bắt kịp với cơ chế thị trường nhưng vẫn bao cấp cho người nghèo, bao cấp bằng tiền cho toàn bộ những đối tượng hộ dân có thu nhập thấp, tiêu thụ dưới 50 kWh/tháng và một phần cho những hộ gia đình tiêu thụ dưới 100 kWh/tháng.

Tác giả bài viết cũng đặt ra một vấn đề một thực tế về “nhóm lợi ích” cản trở cải cách khi mà chính các lãnh đạo tại EVN cũng như lãnh đạo các doanh nghiệp năng lượng nhà nước chính là những người hưởng lợi từ cơ chế hiện nay, cả khi doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ.

Bên cạnh đó, bài viết cũng dẫn nhận định của Luật sư Oliver Massmann - một chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng: Đến nay Việt Nam vẫn thận trọng trong việc dành ưu đãi lớn cho các nhà đầu tư nước ngoài muốn phát triển lưới điện. Đồng thời, ông này cảnh báo: với sự thiếu hụt nguồn đầu tư nước ngoài thì tình trạng sụt áp gây mất điện tạm thời sẽ trở nên thường xuyên hơn. Điều này sẽ buộc các công ty đa quốc gia cân nhắc dời nhà máy sản xuất khỏi Việt Nam để chuyển sang Thái Lan, Indonesia và những nước Đông Nam Á có nguồn cung điện ổn định hơn.

Bích Diệp