1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Loạt xe Nhật, Úc nhập về Việt Nam "ế chỏng ế chơ" vì không ai muốn đấu giá

(Dân trí) - Dù xe cũ nhập diện hạn ngạch từ các nước như Úc, Nhật, Canada vào Việt Nam hơn 72 chiếc, song không có bất cứ doanh nghiệp nào hồ hởi tham gia đấu giá.

Cơ quan chức năng cho rằng doanh nghiệp không thấy lợi nhuận nên từ bỏ quyền đấu giá. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp cho rằng xe cũ nhập hạn ngạch theo Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có cũng như không và hiện có quá nhiều quy định ràng buộc, khiến doanh nghiệp khó khăn trong nhập khẩu, kinh doanh loại xe này ở Việt Nam.

Theo thông tin từ Bộ Công Thương, cơ quan này mới đây đã thông báo hủy phiên đấu giá nhập xe diện hạn ngạch trong Hiệp định CPTPP do không có doanh nghiệp tham gia.

Loạt xe Nhật, Úc nhập về Việt Nam ế chỏng ế chơ vì không ai muốn đấu giá - 1

Những mẫu xe cũ nhập khẩu theo diện hạn ngạch từ CPTPP thực chất không thu hút doanh nghiệp bởi giá nhập cao, thủ tục phức tạp và khó cạnh tranh được với xe mới (Ảnh Nguyễn Tuyền)

Số xe đấu giá hạn ngạch lần này là 72 chiếc, 50% là xe có dung tích trên 3.000cc, còn lại là xe có dung tích dưới 3.000cc. Diễn biến hơi lạ bởi các mẫu xe cũ nhập diện hạn ngạch được cho là có lợi về giá và thuế. Tuy nhiên, thực tế không dễ dàng.

Một số doanh nghiệp tham gia nhập khẩu xe cũ diện hạn ngạch cho biết: Giá đấu lấy từ cao xuống thấp và bị so sánh với giá xe cùng loại ở thị trường thứ 3 hoặc xe trong nước, giá xe bị quản khá chặt nên không có chuyện xe nhập giá rẻ. Bên cạnh đó, những mẫu xe cũ đủ tiêu chuẩn nhập khẩu là khi đã qua sử dụng 5 năm, vì vậy mức thuế tính cũng khá cao. Trong khi đó, thương nhân nhập khẩu phải chịu hàng loạt các tiêu chuẩn, quy chuẩn.

Theo một số doanh nghiệp xe nhập khẩu cũ tại Hà Nội, đấu giá xe nhập khẩu theo diện CPTPP theo quy định, ràng buộc rất khắt khe, người nhập phải tuân thủ nộp các loại thuế phí theo quy định.

Quy định của Nghị định số 57/2019/NĐ-CP, thuế suất tương đối của các dòng xe thấp nhất là 4%, cao nhất là 65,6%. Thuế tuyệt đối thấp nhất là 7.500 USD/chiếc và cao nhất 14.063 USD/chiếc được phân theo các giai đoạn áp dụng.

Tính ra, các mẫu xe được coi là cũ nhập từ Nhật, Úc, Canada có dung tích 3.000 cc nhập về Việt Nam vẫn có mức giá không thấp hơn nhiều so với các mẫu xe nhập mới. Thậm chí, dòng xe này cũng khó có khả năng cạnh tranh được với những mẫu xe mới ra thị trường trong thời gian

"Các mẫu xe cũ nhập khẩu hạn ngạch không còn hút khách bởi thị trường xe tại Việt Nam hiện nay có rất nhiều mẫu mới cả hàng nhập và hàng lắp ráp trong nước đều chất lượng. Một xe đấu giá hạn ngạch có giá 3 tỷ đồng, khó có thể cạnh tranh được với Mercedes lắp ráp trong nước hay BMW nhập khẩu nguyên chiếc mới" - ông Vũ Anh Quân - chủ đại lý xe hơi cũ tại Dương Đình Nghệ - cho hay.

Thực tế, xe cũ nhập về Việt Nam trước đây có hai loại: Xe chạy lướt trên 2.000km, được nhập về Việt Nam, dòng xe này tiêu chuẩn toàn cầu hoặc EU, Trung Đông nên cao hơn hoặc có nhiều chi tiết khác biệt hơn các bản xe bán ra tại Việt Nam. Vì vậy, nhiều đại gia tại Việt Nam yêu thích. Tuy nhiên, sau đó các dòng xe này bị cấm nhập về Việt Nam.

Sau khi bị cấm, xe qua sử dụng đi vào các đường dây xe chuyên gia, xe đại sứ về Việt Nam. Những mẫu xe này không phải chịu thuế, nguyên tắc là tạm nhập, sử dụng và sau đó tái xuất. Tuy nhiên, lợi dụng kẽ hở của chính sách, dòng xe này theo chân các chuyên gia hoặc giấy phép chuyên gia vào Việt Nam, rồi bán ra thị trường. Năm 2019, Việt Nam kiểm soát chặt loại hình xe nhập khẩu này, kinh doanh xe sang theo đường chuyên gia không còn quá nhiều đất sống.

Ngoài nguyên nhân về thuế suất và giá thành, vấn đề khiến doanh nghiệp không quan tâm xe cũ nhập hạn ngạch từ CPTPP chính là các quy định ràng buộc quá chặt tại Nghị định 116/2017 của Chính phủ về giấy phép nhập khẩu, triệu hồi, hay bảo dưỡng, bảo hành, tiêu chuẩn khí thải...

Cụ thể, người tham gia đấu giá và trúng đấu giá phải có giấy phép nhập khẩu, nếu không phải ủy thác cho doanh nghiệp có giấy phép. Tuy nhiên, hiện nay các doanh nghiệp đấu giá thông thường không có giấy phép, các doanh nghiệp có giấy phép lại là các nhà nhập khẩu chính hãng. Vì vậy, họ không muốn nhập xe vào Việt Nam.

Trong khi đó, các thương nhân muốn nhập xe nhưng không đáp ứng được các tiêu chuẩn theo quy định, điều này dẫn đến họ trúng đấu giá nhưng không nhượng quyền được việc nhập khẩu, hoặc thực hiện thương vụ nhập khẩu xe về Việt Nam.

Năm 2020, hạn ngạch thuế quan cho ô tô nhập khẩu theo Hiệp định CPTPP là 66 chiếc, nhưng chỉ có 2 doanh nghiệp trúng đấu giá thành công 15 chiếc. Số xe còn lại không được đấu giá do không có doanh nghiệp nào đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, quy định.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm