Loạt doanh nghiệp đổi phương án thanh toán trái phiếu

Thảo Thu

(Dân trí) - Từ đầu năm, bên cạnh doanh nghiệp phải tăng lãi suất trái phiếu do lãi suất thị trường tăng cao, hàng loạt đơn vị cũng "khất nợ" trái chủ hàng nghìn tỷ đồng.

Hàng loạt công ty xin gia hạn trả lãi, gốc

Mới đây, Công ty cổ phần BCG Energy - doanh nghiệp chuyên về phát triển các dự án năng lượng tái tạo đồng thời là thành viên của Tập đoàn Bamboo Capital - công bố thông tin về việc điều chỉnh lãi suất áp dụng cho 2 lô trái phiếu mã EBCCH2124002 và EBCCH2124003, quy mô 2.500 tỷ đồng tăng từ 10%/năm lên 14%/năm cho một số kỳ hạn. 

Trong khi đó, hàng loạt doanh nghiệp khác lại gặp khó khăn về dòng tiền nên phải xin gia hạn trả lãi hoặc gốc cho khoản nợ từ phát hành trái phiếu, gặp gỡ trái chủ đàm phán phương án bán tài sản trả nợ.

Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Vina2 (mã chứng khoán: VC2) mới đây công bố nghị quyết lùi thời gian đáo hạn lô trái phiếu 118,7 tỷ đồng đã đến hạn thanh toán vào ngày 27/10/2022 thêm một năm, dự kiến thanh toán vào 27/10/2023. Ngoài nợ gốc, doanh nghiệp này cam kết chi trả phần lãi phát sinh, được tính bằng 150% lãi suất công bố (11,5%/năm).

Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Bất động sản Seaside Homes cũng công bố về việc chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu SRECH2226001. Số tiền chậm thanh toán là 51 tỷ đồng, có thời gian thanh toán vào 13/2/2022.

Loạt doanh nghiệp đổi phương án thanh toán trái phiếu - 1

BCG Energy phải tăng lãi suất trái phiếu trong bối cảnh lãi suất thị trường tăng cao (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).

Tình trạng tương tự cũng xảy ra với Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai (mã chứng khoán: DLG). Doanh nghiệp này có một lô trái phiếu được phát hành ngày 30/12/2017, kỳ hạn 5 năm, tổng huy động 134 tỷ đồng, lãi suất 10%/năm, kỳ hạn thanh toán lãi 6 tháng/lần. Lô trái phiếu đáo hạn vào ngày 30/12/2022. Đức Long Gia Lai cần thanh toán tiền gốc hơn 117 tỷ đồng, lãi hơn 64 tỷ đồng, tổng cộng hơn 181 tỷ đồng.

"Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi thiên tai dịch bệnh kéo dài, gây ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình sản xuất kinh doanh, đồng thời lãi suất tăng cao, tín dụng siết chặt... dẫn đến dòng tiền còn hạn chế, chưa đáp ứng theo kế hoạch thanh toán cho trái chủ", công ty này nêu.

Hay như Công ty cổ phần Lâu đài trắng cũng vừa công bố thông tin về chậm thanh toán lô trái phiếu 240 tỷ đồng. Theo kế hoạch, doanh nghiệp cần thanh toán cho trái chủ vào ngày 5/1 nhưng đã lùi sang ngày 28/2. Lý do là thị trường không tích cực, chưa thu xếp được nguồn vốn theo kế hoạch.

Còn Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang - Angimex (mã chứng khoán: AGM) cũng chưa thể trả nợ cho hai gói trái phiếu với hai mã AGMH2123001 và AGMH2223001 do các sự kiện bất khả kháng về nhân sự và chính sách tiền tệ bị thắt chặt trên thị trường tài chính. Ước tính, công ty sẽ phải tìm kiếm nguồn tiền trả gốc và lãi của hai lô trái phiếu hơn 600 tỷ đồng.

Loạt doanh nghiệp đổi phương án thanh toán trái phiếu - 2

Loạt doanh nghiệp bất động sản xin chậm thanh toán nợ trái phiếu (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).

Mới nhất, Công ty cổ phần Kinh doanh và Phát triển Bình Dương (Becamex TDC - mã chứng khoán: TDC) cũng có lô trái phiếu mệnh giá 700 tỷ đồng đến hạn. Lãi suất lô trái phiếu này phát hành ngày 9/11/2020 và đáo hạn ngày 15/11/2025, lãi suất là 10,5%/năm cho 4 kỳ tính lãi đầu tiên; 11%/năm cho kỳ lãi từ 5 đến 8; sau đó lãi suất theo biên độ nhưng không thấp hơn 11,5%/năm.

Từ ngày 15/2/2023 đến ngày 22/2/2023, công ty sẽ phải thanh toán tổng lãi 23,82 tỷ đồng lô trái phiếu này. Tuy nhiên, doanh nghiệp cho biết chỉ thanh toán được 7 tỷ đồng lãi trái phiếu, còn 16,82 tỷ đồng lãi trái phiếu chưa thanh toán được. Lý do là tình hình thị trường kinh doanh bất động sản thời gian qua rất chậm, ảnh hưởng tới dòng tiền sản xuất kinh doanh.

Triển vọng thị trường năm 2023 trầm lắng?

Theo dữ liệu của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), năm 2023, sẽ có khoảng 309.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn. Trong khi áp lực đáo hạn trái phiếu là rất lớn, thì trái phiếu phát hành mới vẫn đóng băng. Tháng 1/2023, chỉ có một doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu với khối lượng 70 tỷ đồng.

Mới đây, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ Dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 65/2022 sửa đổi, bổ sung Nghị định 153/2020 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu ra thị trường quốc tế. Theo đó, Bộ này đề xuất doanh nghiệp có thể đàm phán với nhà đầu tư để thanh toán gốc, lãi trái phiếu bằng cổ phần, bất động sản; trái phiếu đã phát hành cũng được kéo dài kỳ hạn thêm 2 năm.

Theo ông Lê Hồng Khang - Giám đốc Xếp hạng Tín nhiệm của FiinRatings, dư nợ trái phiếu đáo hạn năm nay sẽ đạt đỉnh vào quý III và quý IV. Trong năm 2023, ông Khang nhận định mức độ phân hóa về năng lực tín dụng của doanh nghiệp trở nên rõ ràng.

"Các nhóm doanh nghiệp có năng lực tín dụng kém sẽ mất khả năng thanh khoản và doanh nghiệp buộc phải làm việc với trái chủ cũng như là chủ nợ để tái cấu trúc", ông nói.

Ông Khang nhận định trong vòng 12 tháng tới, thị trường này vẫn sẽ trầm lắng do bước vào giai đoạn mới chậm và sâu. Trong những năm gần đây, các nhà đầu tư tìm đến trái phiếu vì sự chênh lệch lãi suất trái phiếu và lãi suất tiền gửi.

"Tuy nhiên niềm tin của nhà đầu tư đã bị ảnh hưởng nặng nề trong năm vừa qua. Chính vì điều đó nếu hiện nay doanh nghiệp phát hành trái phiếu với giá trị cao thì sẽ rất khó tiếp cận đến nhà đầu tư. Lo ngại rủi ro vẫn còn, triển vọng phát triển thị trường này vẫn trầm lắng", ông nêu.