Loạt "đại bàng" Walmart, Boeing... muốn tìm nhà cung cấp tại Việt Nam
(Dân trí) - Nhiều doanh nghiệp quốc tế như Walmart, Amazon, Aeon, IKEA, Boeing... bày tỏ mong muốn tìm kiếm nhà cung cấp tại Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế của họ.
Phát biểu tại lễ khai mạc chuỗi sự kiện "Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế" diễn ra sáng 13/9, Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, sự kiện năm nay ghi nhận sự quan tâm tham dự và của các tập đoàn lớn trên thế giới như Aeon, Uniqlo (Nhật Bản); Walmart, Amazon, Boeing (Mỹ); Decathlon (Pháp); Central Group (Thái Lan); IKEA (Thụy điển)…
Trong đó, nhiều doanh nghiệp bày tỏ mong muốn tìm kiếm nhà cung cấp tại Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế của họ.
Theo ông, chuỗi sự kiện được tổ chức nhằm hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp trong nước nỗ lực tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Sự kiện diễn ra trong bối cảnh sau đại dịch Covid-19 và những bất ổn địa chính trị - kinh tế gần đây, nhiều tập đoàn, nhiều kênh phân phối bán lẻ, bán buôn đang đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa, bảo đảm nguồn cung bền vững và đã lựa chọn Việt Nam là địa điểm chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu của họ.
"Đại bàng" chia sẻ gì?
Ông Avaneesh Gupta, Phó chủ tịch điều hành Tập đoàn Walmart (tập đoàn bán lẻ của Mỹ), cho biết sự kiện này là cơ hội thú vị để Walmart có thể kết nối với các doanh nghiệp Việt Nam.
Đại diện Walmart nhận định Việt Nam luôn là một trong những thị trường cung ứng hàng hóa quan trọng nhất của nhà bán lẻ này và cũng là trung tâm cung ứng cho khắp Đông Nam Á.
"Chúng tôi luôn tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu các sản phẩm Việt Nam trên toàn cầu, bao gồm sang Mỹ, Canada, Mexico, Chile và Trung Quốc", ông Avaneesh Gupta nhấn mạnh.
Việt Nam có nhiều thế mạnh trong xuất khẩu hàng hóa, trong đó Walmart cũng tìm kiếm, thu mua các mặt hàng thực phẩm như hải sản, hạt điều, sữa đậu nành, cà phê, trái cây tươi và một số sản phẩm chế biến từ trái cây...
Bên cạnh các nhà cung cấp truyền thống, đơn vị này cho biết cũng không ngừng tìm kiếm các nhà cung cấp mới nhằm đa dạng chuỗi cung ứng. Để lựa chọn nhà cung cấp, Walmart tập trung vào các tiêu chí như quy mô của nhà cung cấp cả về sản phẩm và về thị trường.
Nhà bán lẻ này cũng thông tin thêm về việc đang tìm kiếm các nhà cung cấp tốt nhất tại các thị trường trọng điểm. Điển hình như châu Âu là thị trường cung cấp dầu ô liu chất lượng. Ấn Độ đi đầu về chất lượng tôm và cá rô phi đông lạnh. Còn Việt Nam là quốc gia dẫn đầu về cung ứng may mặc cũng như ngày càng phát triển về điện tử.
Ông Lionel Adenot, Giám đốc điều hành Decathlon Việt Nam (hãng đồ chuyên về thể thao và dã ngoại), cho rằng Việt Nam đang có cơ hội lớn để trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, để làm được điều này các đơn vị cần phải có tầm nhìn dài hạn.
Decathlon mong muốn tìm kiếm những nhà cung cấp có tính tự chủ và tự lực để tin tưởng hợp tác. Để làm được điều này, doanh nghiệp phải có sự chuyển biến, đặc biệt là chuyển đổi số trong sản xuất như sử dụng kho tự động, hệ thống truy xuất nguồn gốc chất lượng RFID…
Ngoài ra, các doanh nghiệp có khả năng rút ngắn thời gian hoàn thành đơn hàng cũng sẽ là một điểm cộng. Đại diện Decathlon khuyên các doanh nghiệp nên ưu tiên sử dụng nguyên vật liệu địa phương để tránh bị gián đoạn chuỗi cung ứng và sử dụng năng lượng hiệu quả.
Câu chuyện về giảm thiểu tác động tới môi trường trong sản xuất kinh doanh cũng là tiêu chí quan trọng nếu muốn tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, ông Lionel Adenot đánh giá.
Doanh nghiệp cần sản xuất xanh
Ở góc nhìn là một doanh nghiệp đại diện của ngành dệt may Việt Nam, ông Hoàng Vệ Dũng, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Đức Giang (DUGARCO), cho biết, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn là xu thế tất yếu trong chính sách phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới.
Theo ông Dũng, từ nhiều năm trước, doanh nghiệp này đã xây dựng lộ trình chuyển đổi mạnh mẽ về thiết kế theo xu thế thời đại, xu thế sản xuất xanh, tìm kiếm và thành lập chuỗi cung ứng mới. Điều này không chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về các tiêu chí thời trang, tái tạo và giảm phát thải, mà còn giúp nâng cao vị thế của doanh nghiệp, đồng thời có thể tăng thị phần và tạo thêm nhiều giá trị gia tăng.
Để xanh hóa quá trình sản xuất, doanh nghiệp ưu tiên sử dụng năng lượng tái tạo như pin mặt trời áp mái giúp chủ động được 20-30% lượng điện tiêu thụ cho toàn bộ quá trình sản xuất. Đồng thời, các nhà cung cấp nguyên phụ liệu có chứng nhận bền vững cũng được ưu tiên sử dụng, ví dụ như sử dụng các loại vải có nguồn gốc tự nhiên, tự hoại hoặc tái chế.
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng mục tiêu xanh hóa sản xuất vẫn còn nhiều thách thức đối với các doanh nghiệp dệt may có quy mô vừa và nhỏ tại Việt Nam vì nguồn tài chính còn hạn chế.
"Ngoài ra, việc đầu tư ứng dụng năng lượng tái tạo, quản lý xử lý nước thải sẽ khiến chi phí sản xuất tăng lên không nhỏ", ông Dũng chia sẻ.