1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Loạt công ty không chia cổ tức

Kim Ngọc

(Dân trí) - "Ông lớn" Hòa Phát dành tiền để đầu tư, doanh nghiệp khác giữ lại tiền để đảm bảo nguồn vốn hoạt động trong bối cảnh thị trường có nhiều yếu tố bất định khó lường.

Giữ lại lợi nhuận để đầu tư hoặc phòng thủ

Lâu nay trong đầu tư chứng khoán, nhiều nhà đầu tư có "khẩu vị" tìm kiếm các doanh nghiệp cơ bản, cổ phiếu phòng thủ, kinh doanh tốt và trả cổ tức ổn định. Cổ tức mỗi năm 10-20% cho một mã cổ phiếu có lợi nhuận vài trăm tỷ đồng, thị giá dao động 10.000 đồng đến dưới 30.000 đồng được xem như nơi trú ẩn dòng tiền, giá trị thu về cao hơn lãi suất gửi ngân hàng (thời điểm lãi suất 6 - 7%/năm).

Theo Luật Doanh nghiệp năm 2020, cổ tức là khoản lợi nhuận ròng được trả cho mỗi cổ phần bằng tiền mặt hoặc tài sản khác từ nguồn lợi nhuận còn lại của công ty cổ phần sau khi đã thực hiện nghĩa vụ về tài chính. Khi công ty tạo ra lợi nhuận, một phần lợi nhuận được tái đầu tư, một phần trích lập quỹ dự phòng, phần còn lại chi trả cổ tức cho cổ đông.

Tuy nhiên năm nay, câu chuyện hoàn toàn khác. Diễn biến kinh tế khó lường với tình hình tín dụng, lãi suất chưa rõ ràng, nhiều doanh nghiệp công bố kế hoạch không chia cổ tức cho năm tài chính năm 2022 với những lý do có phần vô cùng hợp lý.

Loạt công ty không chia cổ tức - 1

Nhiều doanh nghiệp công bố kế hoạch không chia cổ tức cho năm tài chính năm 2022 (Ảnh: Mạnh Quân).

Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán: HPG), "người anh cả" của ngành thép, có kế hoạch không chia cổ tức năm 2022 dù năm này, lợi nhuận lên tới 8.444 tỷ đồng. Trước đó năm 2021, tập đoàn trả cổ tức 5% bằng tiền và 30% bằng cổ phiếu. Hòa Phát không chia cổ tức vì muốn dồn toàn bộ cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Công ty đang tiến hành dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất giai đoạn 2.

Chia sẻ tại cuộc họp thường niên 2023, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Hòa Phát , ý giải nhu cầu vốn trong năm 2023 của tập đoàn rất lớn. Tổng đầu tư giai đoạn 2 cho Dung Quất chỉ riêng tài sản cố định đến nay đã là 75.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 3,26 tỷ USD. "Một dự án này bằng 1.000 dự án vừa và nhỏ, bằng 100 dự án lớn khác. Hòa Phát tự lực, không có sự hỗ trợ từ tập đoàn nước ngoài nên cần rất nhiều vốn. Việc trả cổ tức bằng tiền mặt là không hợp lý và không có nguồn để làm điều đó", ông Long khẳng định.

Hay như Tập đoàn Khải Hoàn Land (mã chứng khoán: KHG) cũng không trả cổ tức 2022 dù năm trước lãi 442 tỷ đồng. Là một doanh nghiệp trong ngành bất động sản, đóng "2 vai" nhà phát triển dự án và môi giới bất động sản, Khải Hoàn Land có lẽ hiểu hơn ai hết về tình hình thị trường. Do đó, với nguồn lợi nhuận thặng dư 632 tỷ đồng, HĐQT vẫn trình cổ đông không chia cổ tức và cổ phiếu thưởng để đảm bảo hoạt động kinh doanh được thông suốt. Trường hợp tại bất kỳ thời điểm nào trong năm, thị trường bất động sản có những chuyển biến tích cực, HĐQT sẽ có phương án và trình cổ đông bằng văn bản về việc chia cổ tức và phát hành cổ phiếu thưởng.

Nói thêm về quyết định không chia cổ tức, bà Đinh Thị Nhật Hạnh, Phó chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc công ty, cho biết ban điều hành mong muốn chia cổ tức cho cổ đông nhưng tình hình bất động sản đang gặp nhiều khó khăn, kỳ vọng thời gian tới các chính sách sẽ có tác động kích cầu. Công ty tính toán với nguồn tiền đang có sẽ giữ lại để nắm bắt cơ hội cũng như đảm bảo chỉ số tài chính lành mạnh.

Trong năm nay, công ty tiếp tục có chiến lược phát triển quỹ đất để mở rộng lên 1.000ha, đủ đáp ứng nhu cầu trong 5 năm tới. 

Sam Holdings (mã chứng khoán: SAM), công ty đầu tư đa ngành ở các lĩnh vực như bất động sản, tài chính, du lịch nghỉ dưỡng... cũng có tờ trình cổ đông kế hoạch không chia cổ tức năm 2022. 

Đề xuất này được đưa ra trong bối cảnh năm 2022 doanh nghiệp có lợi nhuận giảm. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ chỉ đạt gần 3 tỷ đồng, giảm tới 98% so với năm trước. Lý do là lãi suất tăng cao, làm tăng chi phí tài chính; tỷ giá biến động tăng dẫn đến lỗ do hạch toán chênh lệch tỷ giá; chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng. Nguồn lợi nhuận chưa phân phối (thường được dùng để chia cổ tức) tới ngày 31/12/2022 chưa đầy 64 tỷ đồng trên vốn chủ sở hữu là hơn 4.600 tỷ đồng.

Trường hợp hy hữu: Không có dòng tiền trả cổ tức năm 2021

Như đã nói, khó khăn của thị trường bất động sản ảnh hưởng nhiều tới dòng tiền của các doanh nghiệp. Lên kế hoạch không chia cổ tức năm 2022 là một phương án chủ động. Còn Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát (mã chứng khoán: HPX) thì còn không có tiền để trả cổ tức cho năm 2021 dù thời hạn đã qua. Theo kế hoạch, công ty trả cổ tức 5% bằng tiền và thời gian thực hiện cuối cùng vào tháng 10/2022. Đến nay, việc chi trả vẫn "ở trên giấy".

Loạt công ty không chia cổ tức - 2

Nhiều công ty không có dòng tiền để trả cổ tức. Việc chi trả vẫn "ở trên giấy" (Ảnh: Tiến Tuấn).

Giải trình với Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HoSE), công ty nêu nguyên nhân nửa cuối năm 2022 là thời điểm vô cùng khó khăn đối với doanh nghiệp bất động sản nói chung và Hải Phát nói riêng bởi thị trường bất động sản suy thoái, mất thanh khoản. Việc tiếp cận các nguồn vốn từ tổ chức tín dụng, phát hành trái phiếu không thực hiện được. Làn sóng bán giải chấp cổ phiếu bất động sản cầm cố cho các khoản vay margin của các công ty chứng khoán liên tục diễn ra để thu nợ trước hạn.

Dưới tác động của ngoại cảnh, từ tháng 10/2022 đến hiện tại, áp lực trả nợ các khoản vay, trái phiếu đến hạn của công ty lớn. Dòng tiền đến từ hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2022 của công ty âm. Hiện tại, công ty chưa cân đối, bố trí được dòng tiền để thực hiện chi trả cổ tức, không đảm bảo thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác đến hạn sau khi trả cổ tức cho cổ đông. Do vậy, công ty không thể thực hiện việc trả cổ tức năm 2021 cho cổ đông theo quy định của pháp luật.

Để khắc phục vấn đề trên, phía Hải Phát cho biết đang tiến hành tái cấu trúc hoạt động sản xuất kinh doanh, cơ cấu lại các khoản nợ, gia hạn nợ đồng thời kêu gọi sự hỗ trợ chung sức từ cổ đông nhằm giúp công ty vượt qua giai đoạn khó khăn. Hải Phát sẽ xin ý kiến cổ đông không chia cổ tức năm 2021 tại phiên họp thường niên 2023.