“Loanh quanh” vấn đề thu phí sử dụng đường bộ

(Dân trí) - Bộ GTVT vừa trình Thủ tướng Chính phủ các phương án thu phí sử dụng đường bộ. Với quan điểm nghiêng về phương án thu trực tiếp qua đầu phương tiện cơ giới, Bộ này tính toán sẽ thu về Quỹ bảo trì đường bộ hàng nghìn tỷ đồng/năm.

“Đếm” đầu xe tính tiền lập Quỹ

Trong văn bản dự thảo Bộ GTVT trình lên Chính phủ có 2 phương án thu phí là theo giá nhiên liệu xăng, dầu và qua đầu phương tiện.

Với phương án thu theo nhiên liệu (phương án 1): Căn cứ theo đơn nhập khẩu, các đơn vị nhập khẩu xăng nộp phí sử dụng đường bộ. Đối với xăng và dầu diezel sản xuất trong nước, phí sử dụng đường bộ được tính vào giá bán sản phẩm xăng, diezel của nhà máy lọc dầu bán cho thị trường trong nước.

Nếu tính theo phương án này, áp dụng mức thu 1.000 đồng/lít thì sau khi hoàn lại tiền cho các đối tượng đã tiêu thụ xăng nhưng không sử dụng cho mục đích tham gia giao thông đường bộ, số thu đạt khoảng 5. 765 tỷ đồng/năm.
 
“Loanh quanh” vấn đề thu phí sử dụng đường bộ - 1
Các phương án thu phí sử dụng đường bộ được cân nhắc để lập Quỹ bảo trì đường bộ

Phương án 2 là thu phí trực tiếp qua đầu phương tiện cơ giới sử dụng đường bộ. Phí thu xe máy được tính theo dung tích xy lanh với mức phải nộp từ 80.000 - 150.000 đồng/tháng; phí ô tô tính theo trọng tải và số ghế xe từ 140.000 - 1.440.000 đồng/tháng.

Theo lý giải của Bộ GTVT, xe ô tô ở Việt Nam đang gánh trong giá bán nhiều loại thuế, lệ phí, việc thu phí sử dụng đường bộ đối với ô tô có tạo thêm áp lực chi phí cho người sử dụng nhưng tỷ trọng tăng so với chi phí hiện tại đang phải trả là không lớn.

Với mức thu quy đổi tương đương như 1.000 đồng/lít xăng, dầu. Mức thu phí sử dụng đường bộ trực tiếp đối với ô tô các loại là 4.535 tỷ đồng/năm, sau khi trừ phí tổ chức thu, số tiền trong Qũy có 4.467 tỷ đồng/năm. Đối với xe máy, số thu về Qũy đạt khoảng 3.243 tỷ đồng/năm, giai đoạn đầu mới hình thành, dự kiến số thu cho quỹ đạt khoảng 1.600 tỷ đồng/năm (tương đương 50% số phải thu).

Khi có quy định về kiểm định khí thải môtô, xe máy thì công tác thu phí sẽ thực hiện cả ở các trạm kiểm định khí thải. Theo phương án này, tổng thu trực tiếp theo đầu phương tiện của quỹ đạt khoảng 5.987 tỷ đồng/năm.

Tuy nhiên, ngay khi dự thảo được công bố, rất nhiều thông tin và ý kiến trái chiều liên quan đến việc thu phí sử dụng đường bộ qua giá xăng khiến Bộ GTVT phải thay đổi phương thức mới, Bộ này nghiêng về phương án thu trực tiếp qua đầu phương tiện.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng cho biết: “Phương án nào cũng có mặt được và chưa được. Chúng tôi đưa ra 2 phương án để tham khảo ý kiến xã hội và Chính phủ sẽ quyết định”.

“Nếu thu theo phí xăng, dầu thì đảm bảo được sự công bằng nhất và là phương thức thu phổ thông nhất trên thế giới, khi xe chạy nhiều thì phải nộp nhiều. Tuy nhiên, khi áp dụng phương án này ở Việt Nam thì có một số vấn đề như: việc tổ chức thu như thế nào đối với xe chạy xăng, chạy dầu, các phương tiện khác không chạy xăng và mục đích sử dụng xăng…

Mặt khác, giá xăng đang là giá kiểm soát, nhiều loại phí thu qua giá xăng như: môi trường, kết cấu hạ tầng giao thông… việc này có thể đội giá xăng bán thực tế lên nên rất nhạy cảm trong tác động xã hội” - Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng phân tích.

Cũng theo Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng: “Để khắc phục những hạn chế thu theo giá xăng, Bộ điều chỉnh theo phương án thu phí trực tiếp qua đầu phương tiện. Bất kỳ ai điều khiển phương tiện cơ giới tham gia giao thông, sử dụng đường bộ đều phải đóng góp vào Qũy bảo trì đường bộ. Với phương án này, việc tổ chức thu đơn giản hơn nhưng lại không giải quyết được sự công bằng đối với tất cả các loại phương tiện. Chúng tôi đang cân đối để xem xét quyết định”.

Người nộp phí nói gì?

Trao đổi với báo giới, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam ông Nguyễn Mạnh Hùng bày tỏ: “Trước đây, tôi ủng hộ phương án thu quỹ bảo trì đường bộ qua xăng dầu vì nó công bằng, vì xe chạy nhiều thì trả nhiều.

Nhưng sau khi tính tới việc giá xăng dầu phải gánh thêm phí môi trường, quỹ bình ổn xăng dầu, giờ nếu gánh thêm cả phí này nữa thì giá xăng dầu sẽ đội lên cao, hạch toán nhà nước sẽ khó khăn, vì vậy trong tình hình hiện tại, thu quỹ bảo trì qua đầu phương tiện là phương án khả dĩ nhất dù còn nhiều bất lợi”.
 
“Loanh quanh” vấn đề thu phí sử dụng đường bộ - 2
Bộ GTVT nghiêng về phương án thu phí trực tiếp theo đầu phương tiện cơ giới sử dụng đường bộ

Ông Hùng cho biết: “Những bất lợi gặp phải trước mắt là vấn đề công bằng. Trước đây nếu thu qua xăng dầu thì sẽ công bằng hơn vì xe đi nhiều, dùng nhiều xăng thì trả nhiều tiền. Nay nếu thu qua đầu phương tiện thì có căn cứ nào để áp mức giá phân loại xe là rất quan trọng”.

Mặt khác, trong khi có quá nhiều trạm thu phí trên đường bộ, nếu việc tổ chức tốt thu không tốt thì chi phí cho bộ máy thu phí sẽ chiếm tỷ trọng lớn, khi đó vô tình một phần kinh phí lại không dùng cho bảo trì đường bộ mà dùng để chi cho mục đích khác gây sự lãng phí và bất ổn”.

Như vậy, rõ ràng về tính công bằng và hiệu quả của việc thu phí sử dụng đường bộ nghiêng về phương án thu qua giá xăng, tuy nhiên một vị lãnh đạo Bộ GTVT cho biết Bộ Tài chính phản đối cách thu qua xăng dầu nên Bộ GTVT buộc phải chuyển đổi sang phương án mới.
 

Theo số liệu thống kê của Bộ GTVT, tính đến hết tháng 11/2010, cả nước có 1.256.488 xe ô tô đã được kiểm định và 31.155.154 mô tô xe máy các loại.

Phí sử dụng đường bộ hiện đang được thu qua 59 trạm thu phí trên hệ thống quốc lộ (chưa có trạm thu phí trên hệ thống đường địa phương) với mức từ 10.000 - 80.000 đồng/lượt (căn cứ vào trọng tải và số ghế xe).

Quỳnh Anh